Làm thẻ Căn cước công dân ở đâu?

Chưa có bản dịch tiếng Anh của bài viết này, nhấn vào đây để quay về trang chủ tiếng Anh There is no English translation of this article. Click HERE to turn back English Homepage
Ngày hỏi: 30/08/2016
Tôi có hộ khẩu tại tỉnh Hà Nam nhưng đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội. Vậy, tôi có thể làm thẻ Căn cước công dân ở Hà Nội hay không?
    • Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến trang Tư Vấn của báo Đời Sống & Pháp Luật. Với thắc mắc của bạn, xin được đưa ra quan điểm tư vấn như sau:

      Theo quy định, bạn có hộ khẩu ở đâu thì sẽ làm thẻ Căn cước công dân tại đó. Nếu hộ khẩu của bạn ở Hà Nam thì bạn sẽ phải về Hà Nam để làm thẻ Căn cước công dân, không thể làm tại Hà Nội.

      Việc cấp thẻ căn cước công dân được thực hiện giống cấp chứng minh thư 12 số, tại phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội công an các tỉnh, thành phố; Công an quận, huyện và đơn vị hành chính tương đương.

      Đợt cấp thẻ căn cước công dân đầu tiên trên cả nước diễn ra tại Hà Nội vào hôm qua 4/1/2016.

      Nội dung trên Thẻ căn cước công dân

      Thẻ căn cước công dân gồm 2 mặt. Mặt trước có hình Quốc huy nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; dòng chữ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Độc lập - Tự do - Hạnh phúc; dòng chữ “Căn cước công dân”; ảnh, số thẻ căn cước công dân, họ, chữ đệm và tên khai sinh, ngày, tháng, năm sinh, giới tính, quốc tịch, quê quán, nơi thường trú; ngày, tháng, năm hết hạn.

      Mặt sau thẻ có bộ phận lưu trữ thông tin được mã hóa; vân tay, đặc điểm nhận dạng của người được cấp thẻ; ngày, tháng, năm cấp thẻ; họ, chữ đệm, tên, chức danh, chữ ký của người cấp thẻ và dấu có hình Quốc huy của cơ quan cấp thẻ.

      Số thẻ căn cước công dân là số định danh cá nhân của từng người. Công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi được cấp thẻ và được đổi khi đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi.

      Thủ tục làm thẻ căn cước công dân cần mang gì?

      Theo quy định, khi đăng ký làm thẻ, công dân sẽ không phải xuất trình sổ hộ khẩu và xác nhận của công an địa phương. Tuy nhiên hiện nay hệ thống dữ liệu quản lý cư dân quốc gia chưa được hoàn thiện nên từ nay đến năm 2019, các địa điểm cấp thẻ căn cước công dân vẫn áp dụng việc cấp giống như với chứng minh thư. Thời gian cấp thẻ tính từ khi công an nhận đủ hồ sơ là 15 ngày.

      Làm thẻ căn cước công dân có mất phí không?

      Theo Thông tư 170 quy định mức thu, nộp cấp, đổi thẻ căn cước công dân do Bộ Tài chính ban hành, người từ đủ 14 tuổi trở lên làm thủ tục cấp thẻ không phải nộp phí. Nhà nước không thu phí đổi thẻ đối với người đủ 25, đủ 40 và đủ 60 tuổi.

      Người dân khi làm thủ tục đổi, cấp lại thẻ sẽ phải trả phí. Cụ thể, phí đổi thẻ là 50.000 đồng, cấp lại là 70.000 đồng.

      Người dân thường trú tại các xã, thị trấn miền núi; biên giới; huyện đảo nộp lệ phí bằng 50% mức thu quy định. Trường hợp là bố, mẹ, vợ, chồng, con dưới 18 tuổi của liệt sĩ; thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; con dưới 18 tuổi của thương binh và người hưởng chính sách như thương binh; bệnh binh; công dân thuộc các xã, thị trấn vùng cao theo quy định của Ủy ban Dân tộc; công dân thuộc hộ nghèo không phải nộp lệ phí đổi thẻ căn cước công dân.

      Với công dân dưới 18 tuổi, mồ côi cả cha lẫn mẹ, không nơi nương tựa cũng thuộc trường hợp được miễn phí khi đổi, cấp lại thẻ căn cước.

      Hy vọng rằng sự tư vấn sẽ giúp bạn lựa chọn phương án thích hợp nhất để giải quyết những vướng mắc của bạn. Nếu còn bất cứ thắc mắc gì xin gửi về báo Đời sống & Pháp luật.

      Luật gia Đồng Xuân Thuận

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn