Lập di chúc nhưng chưa chết thì có được sửa lại?

Bấm vào đây để xem bản dịch tiếng Anh của bài viết này Click HERE to see the English translation of this article
Ngày hỏi: 22/11/2022

Lập di chúc nhưng chưa chết thì có được sửa lại? Lập di chúc bằng văn bản tại bệnh viện được giám đốc bệnh viện ký xác nhận thì có hợp pháp hay không? Hiệu lực của di chúc được quy định như thế nào?

Chào anh chị, cho tôi hỏi cách đây 10 năm, bà của tôi có lập di chúc để lại tài sản cho mọi người. Tuy nhiên, đến giờ bà vẫn khỏe mạnh nên bà muốn sửa lại di chúc. Anh chị cho em hỏi có được sửa lại di chúc đã lập hay không?

Nhờ anh chị tư vấn, cảm ơn anh chị đã hỗ trợ.

    • 1. Lập di chúc nhưng chưa chết thì có được sửa lại?

      Tại Điều 640 Bộ luật dân sự 2015 có quy định về sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc như sau:

      1. Người lập di chúc có thể sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc đã lập vào bất cứ lúc nào.

      2. Trường hợp người lập di chúc bổ sung di chúc thì di chúc đã lập và phần bổ sung có hiệu lực pháp luật như nhau; nếu một phần của di chúc đã lập và phần bổ sung mâu thuẫn nhau thì chỉ phần bổ sung có hiệu lực pháp luật.

      3. Trường hợp người lập di chúc thay thế di chúc bằng di chúc mới thì di chúc trước bị hủy bỏ.

      Căn cứ theo quy định hiện hành, pháp luật cho phép người lập di chúc được sửa lại di chúc đã lập vào bất kỳ thời điểm nào, trường hợp người lập di chúc thay thế di chúc bằng di chúc mới thì di chúc trước bị hủy bỏ.

      2. Lập di chúc bằng văn bản tại bệnh viện được giám đốc bệnh viện ký xác nhận thì có hợp pháp hay không?

      Tại Điều 638 Bộ luật dân sự 2015 có quy định về di chúc bằng văn bản có giá trị như di chúc được công chứng hoặc chứng thực như sau:

      1. Di chúc của quân nhân tại ngũ có xác nhận của thủ trưởng đơn vị từ cấp đại đội trở lên, nếu quân nhân không thể yêu cầu công chứng hoặc chứng thực.

      2. Di chúc của người đang đi trên tàu biển, máy bay có xác nhận của người chỉ huy phương tiện đó.

      3. Di chúc của người đang điều trị tại bệnh viện, cơ sở chữa bệnh, điều dưỡng khác có xác nhận của người phụ trách bệnh viện, cơ sở đó.

      4. Di chúc của người đang làm công việc khảo sát, thăm dò, nghiên cứu ở vùng rừng núi, hải đảo có xác nhận của người phụ trách đơn vị.

      5. Di chúc của công dân Việt Nam đang ở nước ngoài có chứng nhận của cơ quan lãnh sự, đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước đó.

      6. Di chúc của người đang bị tạm giam, tạm giữ, đang chấp hành hình phạt tù, người đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh có xác nhận của người phụ trách cơ sở đó.

      Theo đó, trong trường hợp người lập di chúc đang điều trị tại bệnh viện thì việc lập di chúc bằng văn bản tại bệnh viện được giám đốc bệnh viện ký xác nhận thì di chúc đó vẫn được xem là hợp pháp.

      3. Hiệu lực của di chúc được quy định như thế nào?

      Tại Điều 643 Bộ luật dân sự 2015 có quy định về hiệu lực của di chúc như sau:

      1. Di chúc có hiệu lực từ thời điểm mở thừa kế.

      2. Di chúc không có hiệu lực toàn bộ hoặc một phần trong trường hợp sau đây:

      a) Người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc;

      b) Cơ quan, tổ chức được chỉ định là người thừa kế không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.

      Trường hợp có nhiều người thừa kế theo di chúc mà có người chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc, một trong nhiều cơ quan, tổ chức được chỉ định hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế thì chỉ phần di chúc có liên quan đến cá nhân, cơ quan, tổ chức này không có hiệu lực.

      3. Di chúc không có hiệu lực, nếu di sản để lại cho người thừa kế không còn vào thời điểm mở thừa kế; nếu di sản để lại cho người thừa kế chỉ còn một phần thì phần di chúc về phần di sản còn lại vẫn có hiệu lực.

      4. Khi di chúc có phần không hợp pháp mà không ảnh hưởng đến hiệu lực của các phần còn lại thì chỉ phần đó không có hiệu lực.

      5. Khi một người để lại nhiều bản di chúc đối với một tài sản thì chỉ bản di chúc sau cùng có hiệu lực.

      Như vậy, di chúc sẽ có hiệu lực theo quy định trên.

      Trân trọng!

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn