Ly hôn sau khi ra tù có bị tước quyền nuôi con?

Chưa có bản dịch tiếng Anh của bài viết này, nhấn vào đây để quay về trang chủ tiếng Anh There is no English translation of this article. Click HERE to turn back English Homepage
Ngày hỏi: 08/02/2017

Bác Trần Oanh (Hải Phòng) hỏi: Con trai tôi kết hôn năm 2011, đến 2012 thì sinh bé trai. Tháng 6/2013 con tôi bị bắt về tội ''tàng trữ trái phép chất ma túy'' bị đi trại 27 tháng nhưng do cải tạo tốt nên được về trước hạn 3 tháng. Khi con trai tôi được ra tù và trở về nhà, vợ chồng chúng ly thân. Đến nay, con trai tôi nộp đơn ra tòa ly hôn nhưng vì không thống nhất quyền nuôi con nên con dâu tôi không ký đơn. Gia đình tôi có điều kiện về kinh tế và tha thiết muốn nuôi cháu bé, con dâu tôi chỉ là giáo viên hợp đồng, kém xa con trai tôi về điều kiện kinh tế. Nhưng nhiều người lại cho rằng con tôi đã có án tù và vừa ra trại nên dù có điều kiện kinh tế khá hơn vẫn không có quyền nuôi con. Vậy có đúng không?

    • Về việc ly hôn của con trai bác, Khoản 1 Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 về quyền yêu cầu giải quyết ly hôn quy định: “Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn”. Con trai bác có quyền đơn phương yêu cầu Tòa án giải quyết việc ly hôn.

      Về việc nuôi con sau ly hôn, Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình cũng đã quy định “Việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn”như sau:

      “1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.

      2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.

      3. Con dưới 36 tháng tuổi được ưu tiên giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con”.

      Căn cứ quy định nêu trên, cả cha và mẹ đều có quyền bình đẳng trong việc giành quyền nuôi con. Việc nuôi con sau khi ly hôn của con trai bác sẽ do Tòa án quyết định trên cơ sở căn cứ vào mọi mặt quyền lợi, điều kiện tốt nhất cho đứa trẻ. Nếu cháu bé đã 07 tuổi trở lên, Tòa án phải xem xét nguyện vọng của cháu.

      Đối với trường hợp con trên 3 tuổi đến dưới 7 tuổi thì cha và mẹ có quyền giành quyền nuôi con thông qua việc chứng minh được ai sẽ là người có đủ điều kiện vật chất và tinh thần để đảm bảo tốt nhất quyền và lợi ích cho đứa trẻ.

      Các yếu tố về vật chất như: gia cảnh, thu nhập, điều kiện kinh tế, tài sản... Các yếu tố về tinh thần như: Thời gian chăm sóc, dạy dỗ, giáo dục con, tình cảm dành cho con, điều kiện cho con vui chơi giải trí, trình độ học vấn… của cha mẹ. Bên nào đưa ra được những căn cứ thuyết phục hơn sẽ được Tòa án xem xét giải quyết và trao quyền nuôi con.

      Đối với trường hợp con trên 7 tuổi, Tòa án sẽ xem xét nguyện vọng của con để đưa ra phán quyết về quyền nuôi con.

      Theo đó, để có thể giành quyền nuôi con cho con trai bác, trong đơn yêu cầu giải quyết việc ly hôn gửi Tòa án phải nêu rõ đề nghị được quyền nuôi con. Đồng thời, đưa ra các chứng cứ chứng minh phía bên con trai bác có điều kiện cả về vật chất và tinh thần để đảm bảo việc chăm sóc, giáo dục đứa trẻ tốt hơn phía người mẹ.

      Tuy nhiên, quyền nuôi con vẫn có thể được thay đổi ngay cả sau khi đã có phán quyết của Tòa án. Nếu có căn cứ cho rằng bên nhận nuôi con không thể chăm sóc, giáo dục được con như đã cam kết, không đảm bảo cho đứa trẻ có được điều kiện sống tốt nhất, bên kia có quyền yêu cầu Tòa án thay đổi việc nuôi con. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phải xem xét nguyện vọng của con nếu cháu đủ 07 tuổi trở lên.

      Như vậy, mặc dù từng có thời gian cải tạo trong trại nhưng con trai bác vẫn có quyền nuôi con nếu chứng minh được rằng mình có ưu thế hơn so với mẹ cháu về điều kiện kinh tế, tinh thần.

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn