Mức xử phạt hành chính với hành vi ép người khác uống rượu bia trong dịp Tết Nguyên đán như thế nào?

Bấm vào đây để xem bản dịch tiếng Anh của bài viết này Click HERE to see the English translation of this article
Ngày hỏi: 27/01/2023

Xin hỏi mức xử phạt người có hành vi ép người khác uống rượu bia trong dịp Tết Nguyên đán như thế nào? - Câu hỏi của Thanh Ngọc (Hà Nội).

    • Mức xử phạt hành chính với hành vi ép người khác uống rượu bia trong dịp Tết Nguyên đán như thế nào?

      Căn cứ theo Điều 30 Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định về mức xử phạt hành chính với hành vi ép người khác uống rượu bia trong dịp Tết Nguyên đán như sau:

      Vi phạm các quy định về uống rượu, bia và địa điểm không uống rượu, bia

      1. Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với người từ đủ 16 tuổi nhưng chưa đủ 18 tuổi uống rượu, bia.

      2. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

      a) Uống rượu, bia tại địa điểm không uống rượu, bia theo quy định của pháp luật;

      b) Xúi giục, kích động, lôi kéo người khác uống rượu bia.

      3. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

      a) Uống rượu, bia ngay trước, trong giờ làm việc, học tập và nghỉ giữa giờ làm việc, học tập;

      b) Ép buộc người khác uống rượu bia.

      Tại khoản 5 Điều 4 Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định về mức phạt tiền như sau:

      Quy định về mức phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức

      1. Mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm hành chính về dân số là 30.000.000 đồng đối với cá nhân và 60.000.000 đồng đối với tổ chức.

      2. Mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm hành chính về y tế dự phòng và phòng, chống HIV/AIDS là 50.000.000 đồng đối với cá nhân và 100.000.000 đồng đối với tổ chức.

      3. Mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm hành chính về bảo hiểm y tế là 75.000.000 đồng đối với cá nhân và 150.000.000 đồng đối với tổ chức.

      4. Mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm hành chính về khám bệnh, chữa bệnh, dược, mỹ phẩm và trang thiết bị y tế là 100.000.000 đồng đối với cá nhân và 200.000.000 đồng đối với tổ chức.

      5. Mức phạt tiền được quy định tại Chương II Nghị định này là mức phạt tiền đối với cá nhân. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

      Như vậy, cá nhân có hành vi ép người khác uống rượu bia vào dịp Tết này có thể bị xử phạt hành chính từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 triệu đồng. Mức phạt tiền trên là mức phạt tiền đối với cá nhân. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

      (Hình từ Internet)

      Người ép người khác uống rượu bia có phải bồi thường thiệt hại tài sản do người bị ép uống rượu gây thiệt hại như thế nào?

      Theo Điều 596 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do người dùng chất kích thích gây ra như sau:

      Bồi thường thiệt hại do người dùng chất kích thích gây ra

      1. Người do uống rượu hoặc do dùng chất kích thích khác mà lâm vào tình trạng mất khả năng nhận thức và làm chủ hành vi, gây thiệt hại cho người khác thì phải bồi thường.

      2. Khi một người cố ý dùng rượu hoặc chất kích thích khác làm cho người khác lâm vào tình trạng mất khả năng nhận thức và làm chủ hành vi mà gây thiệt hại thì phải bồi thường cho người bị thiệt hại.

      Tại Điều 589 Bộ luật Dân sự 2015 quy định thiệt hại do tài sản bị xâm phạm gồm:

      Thiệt hại do tài sản bị xâm phạm

      Thiệt hại do tài sản bị xâm phạm bao gồm:

      1. Tài sản bị mất, bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng.

      2. Lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị mất, bị giảm sút.

      3. Chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại.

      4. Thiệt hại khác do luật quy định.

      Căn cứ quy định trên thì khi một người ép người khác uống rượu bia lâm vào tình trạng mất khả năng nhận thức và làm chủ hành vi mà gây thiệt hại thì phải bồi thường cho người bị thiệt hại.

      Các khoản người ép người khác uống rượu bia phải bồi thường thiệt hại tài sản gồm:

      - Tài sản bị mất, bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng.

      - Lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị mất, bị giảm sút.

      - Chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại.

      - Thiệt hại khác do luật quy định.

      Các hành vi nào bị nghiêm cấm trong phòng, chống tác hại của rượu, bia?

      Tại quy định Điều 5 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia 2019 quy những hành vi bị nghiêm cấm trong phòng chống tác hại của rượu bia bao gồm:

      (1) Xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia.

      (2) Người chưa đủ 18 tuổi uống rượu, bia.

      (3) Bán, cung cấp, khuyến mại rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi.

      (4) Sử dụng lao động là người chưa đủ 18 tuổi trực tiếp tham gia vào việc sản xuất, mua bán rượu, bia.

      (5) Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, tổ chức, sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, chiến sĩ, người làm việc trong lực lượng vũ trang nhân dân, học sinh, sinh viên uống rượu, bia ngay trước, trong giờ làm việc, học tập và nghỉ giữa giờ làm việc, học tập.

      (6) Điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.

      (7) Quảng cáo rượu có độ cồn từ 15 độ trở lên.

      (8) Cung cấp thông tin không chính xác, sai sự thật về ảnh hưởng của rượu, bia đối với sức khỏe.

      (9) Khuyến mại trong hoạt động kinh doanh rượu, bia có độ cồn từ 15 độ trở lên; sử dụng rượu, bia có độ cồn từ 15 độ trở lên để khuyến mại dưới mọi hình thức.

      (10) Sử dụng nguyên liệu, phụ gia, chất hỗ trợ chế biến không được phép dùng trong thực phẩm; nguyên liệu, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm không bảo đảm chất lượng và không rõ nguồn gốc, xuất xứ để sản xuất, pha chế rượu, bia.

      (11) Kinh doanh rượu không có giấy phép hoặc không đăng ký; bán rượu, bia bằng máy bán hàng tự động.

      (12) Kinh doanh, tàng trữ, vận chuyển rượu, bia giả, nhập lậu, không bảo đảm chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, nhập lậu rượu, bia.

      (13) Các hành vi bị nghiêm cấm khác liên quan đến rượu, bia do luật định.

      Trân trọng!

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn