Năng lực hành vi dân sự khi ký giấy ủy quyền

Chưa có bản dịch tiếng Anh của bài viết này, nhấn vào đây để quay về trang chủ tiếng Anh There is no English translation of this article. Click HERE to turn back English Homepage
Ngày hỏi: 09/09/2016

Bà N. T. G ở Diên Khánh, Khánh Hoà hỏi: Tôi và chồng tôi kết hôn năm 1978. Khi kết hôn, mẹ chồng tôi đã cho vợ chồng tôi một nửa căn nhà ở thị trấn Diên Khánh và năm 2006 UBND huyện Diên Khánh đã cấp Giấy chứng nhận QSDĐ ở cho chúng tôi. Sau khi chồng tôi chết (2008), các em chồng tôi toan tính lấy lại căn nhà mà mẹ chồng tôi đã cho nên đã gửi đơn khởi kiện đến TAND huyện Diên Khánh kiện đòi lại tài sản; trong đơn khởi kiện có kèm theo giấy uỷ quyền của mẹ chồng tôi, uỷ quyền cho em chồng tôi tham gia tố tụng tại Toà án các cấp. Mẹ chồng tôi năm nay đã 91 tuổi, bị nặng tai, mắt gần như mù; mọi sinh hoạt đều phải có người phục vụ chứ không tự làm được bất cứ việc gì. Hơn nữa, tôi biết mẹ chồng tôi không bao giờ làm chuyện trái đạo lý là đi đòi lại căn nhà mà mình đã cho con mình. Trong việc này, tôi nghi ngờ rằng giấy uỷ quyền của mẹ chồng tôi, uỷ quyền cho em chồng tôi tham gia tố tụng là giả tạo vì mẹ chồng tôi không có đủ năng lực hành vi dân sự. Tôi xin hỏi: 1. Tôi có thể đề nghị Sở Tư pháp trưng cầu giám định tư pháp để xác định tại thời điểm công chứng Giấy uỷ quyền (05/8/2011), mẹ chồng tôi có đủ năng lực hành vi dân sự và ý chí để lăn tay trong giấy uỷ quyền hay không? 2. Nếu xác định mẹ chồng tôi không có đủ năng lực hành vi dân sự để thực hiện các giao dịch dân sự theo quy định của pháp luật, đề nghị Sở Tư pháp ban hành quyết định huỷ toàn bộ giấy uỷ quyền đã được công chứng.

    • Ông Đức Thắng trả lời như sau:

      1. Về việc trưng cầu giám định:

      Điều 58 Bộ luật Tố tụng dân sự quy định các đương sự có quyền và nghĩa vụ ngang nhau khi tham gia tố tụng. Điểm c, Khoản 2 của điều này quy định đương sự có quyền “Đề nghị Toà án xác minh, thu thập chứng cứ của vụ án mà tự mình không thể thực hiện được hoặc đề nghị Toà án triệu tập người làm chứng, trưng cầu giám định, định giá; khiếu nại với Viện kiểm sát về những chứng cứ mà Toà án đã xác minh, thu thập do đương sự khác yêu cầu”.

      Bên cạnh đó, Khoản 1, Điều 91 Bộ luật Tố tụng dân sự cũng quy định: “Trong trường hợp chứng cứ bị tố cáo là giả mạo thì người đưa ra chứng cứ đó có quyền rút lại; nếu không rút lại, người tố cáo có quyền yêu cầu Toà án trưng cầu giám định theo quy định tại Điều 90 của Bộ luật này.”

      Tại khoản 01, và khoản 3 Điều 90 quy định về Trưng cầu giám định quy định:

      “1. Theo sự thoả thuận lựa chọn của các bên đương sự hoặc theo yêu cầu của một hoặc các bên đương sự, Thẩm phán ra quyết định trưng cầu giám định. Trong quyết định trưng cầu giám định phải ghi rõ tên, địa chỉ của người giám định, đối tượng cần giám định, những vấn đề cần giám định, các yêu cầu cụ thể cần có kết luận của người giám định.

      ….

      3. Trong trường hợp xét thấy kết luận giám định chưa đầy đủ, rõ ràng hoặc có vi phạm pháp luật thì theo yêu cầu của một hoặc các bên đương sự, Thẩm phán ra quyết định giám định bổ sung hoặc giám định lại. Việc giám định lại có thể do người đã tiến hành giám định trước đó thực hiện hoặc do tổ chức chuyên môn khác thực hiện theo quy định của pháp luật”.

      Như vậy, nếu bà thấy rằng có căn cứ để nghi ngờ Giấy uỷ quyền được lập ngày 05/8/2011 là giả mạo hoặc có vi phạm pháp luật, bà có thể làm đơn gửi Toà án nhân dân huyện Diên Khánh (nơi thụ lý vụ án) đề nghị Toà án trưng cầu giám định về tính xác thực đối với giấy uỷ quyền này. Sở Tư pháp không phải là cơ quan tiến hành tố tụng nên không có thẩm quyền trưng cầu giám định tư pháp như theo bà đề nghị.

      2. Về đề nghị huỷ Giấy uỷ quyền đã được công chứng:

      Tại khoản 02, Điều 6 Luật Công chứng năm 2006 quy định về giá trị pháp lý của văn bản công chứng như sau:

      “2. Văn bản công chứng có giá trị chứng cứ; những tình tiết, sự kiện trong văn bản công chứng không phải chứng minh, trừ trường hợp bị Toà án tuyên bố là vô hiệu”.

      Theo quy định trên thẩm quyền huỷ các hợp đồng, giao dịch đã được công chứng thuộc về Toà án; không thuộc Sở Tư pháp như theo đề nghị của bà.

      Trong trường hợp cụ thể của bà, sau khi thực hiện thủ tục trưng cầu giám định nêu trên, nếu Toà án xác định Giấy uỷ quyền đã được lập và công chứng là giả mạo hoặc có vi phạm thì bà đề nghị Toà án quyết định huỷ Giấy uỷ quyền đã được công chứng.

      Đức Thắng

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn