Nghi ngờ nuôi con hộ người khác có được đem con đi giám định ADN?

Chưa có bản dịch tiếng Anh của bài viết này, nhấn vào đây để quay về trang chủ tiếng Anh There is no English translation of this article. Click HERE to turn back English Homepage
Ngày hỏi: 04/01/2017

Nghi ngờ nuôi con hộ người khác có được đem con đi giám định ADN? Vợ chồng tôi đã ly hôn. Tuy nhiên, gần đây tôi có căn cứ cho thấy đứa con chung duy nhất của chúng tôi (hiện nay do tôi nuôi dưỡng) không phải là con tôi, mà là con của cô ấy và người yêu trước. Tôi muốn giám định ADN. Tôi có được thực hiện mong muốn này không? Nếu đứa trẻ không phải con ruột thì trách nhiệm của tôi trong việc nuôi dưỡng thế nào? Hoàng Hà.

    • Khi ly hôn, bạn vẫn có quyền yêu cầu tòa án xác định cha, mẹ, con.

      Xác định cha, mẹ được quy định tại Điều 88 Luật Hôn nhân gia đình năm 2014 như sau:

      Điều 88. Xác định cha, mẹ

      1. Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng.

      Con được sinh ra trong thời hạn 300 ngày kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân được coi là con do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân.

      Con sinh ra trước ngày đăng ký kết hôn và được cha mẹ thừa nhận là con chung của vợ chồng.

      2. Trong trường hợp cha, mẹ không thừa nhận con thì phải có chứng cứ và phải được Tòa án xác định.

      Thẩm quyền xác định cha, mẹ, con được quy định tại điều 101 Luật Hôn nhân gia đình năm 2014 như sau:

      Điều 101. Thẩm quyền giải quyết việc xác định cha, mẹ, con

      1. Cơ quan đăng ký hộ tịch có thẩm quyền xác định cha, mẹ, con theo quy định của pháp luật về hộ tịch trong trường hợp không có tranh chấp.

      2. Tòa án có thẩm quyền giải quyết việc xác định cha, mẹ, con trong trường hợp có tranh chấp hoặc người được yêu cầu xác định là cha, mẹ, con đã chết và trường hợp quy định tại Điều 92 của Luật này.

      Quyết định của Tòa án về xác định cha, mẹ, con phải được gửi cho cơ quan đăng ký hộ tịch để ghi chú theo quy định của pháp luật về hộ tịch; các bên trong quan hệ xác định cha, mẹ, con; cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.

      Như vậy, bạn làm đơn gửi trực tiếp đến tòa án nhân dân cấp quận (huyện) nơi bạn cư trú để giải quyết theo quy định.

      Nếu sau khi tòa án xác định cháu bé không phải con bạn, bạn sẽ không có trách nhiệm phải chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con theo quy định tại Điều 69 Luật Hôn nhân gia đình năm 2014 bởi vì quan hệ cha – con giữa bạn và cháu bé đã chấm dứt.

      Điều 69: Nghĩa vụ và quyền của cha mẹ

      1. Thương yêu con, tôn trọng ý kiến của con; chăm lo việc học tập, giáo dục để con phát triển lành mạnh về thể chất, trí tuệ, đạo đức, trở thành người con hiếu thảo của gia đình, công dân có ích cho xã hội.

      2. Trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.

      3. Giám hộ hoặc đại diện theo quy định của Bộ luật dân sự cho con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự.

      4. Không được phân biệt đối xử với con trên cơ sở giới hoặc theo tình trạng hôn nhân của cha mẹ; không được lạm dụng sức lao động của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động; không được xúi giục, ép buộc con làm việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội”.

      Bạn sẽ tiến hành trao đứa bé cho mẹ bé trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng.

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn