Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp nào?

Bấm vào đây để xem bản dịch tiếng Anh của bài viết này Click HERE to see the English translation of this article
Ngày hỏi: 21/03/2023

Xin hỏi các trường hợp không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại tài sản là những trường hợp nào? - Câu hỏi của Thanh Huyền (Thanh Hoá).

    • Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp nào?

      Căn cứ khoản 2 Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại như sau:

      Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại

      1. Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.

      2. Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

      3. Trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp thiệt hại phát sinh theo quy định tại khoản 2 Điều này.

      Theo khoản 3 Điều 2 Nghị quyết 02/2022/NQ-HĐTP quy định trường hợp không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại như sau:

      Về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại quy định tại Điều 584 của Bộ luật Dân sự

      ...

      3. Người gây thiệt hại, chủ sở hữu tài sản, người chiếm hữu tài sản không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

      a) Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.

      Ví dụ 1: Nhà của A được xây dựng, đang sử dụng bình thường và không có dấu hiệu hư hỏng. Một cơn lốc xoáy bất chợt, không được dự báo trước đã cuốn mái nhà của A vào người đi đường gây thiệt hại. Trường hợp này là sự kiện bất khả kháng nên A không phải chịu trách nhiệm bồi thường.

      Ví dụ 2: Có thông tin bão, A đã tiến hành các biện pháp phòng chống bão theo hướng dẫn của cơ quan chức năng địa phương. Tuy nhiên, cơn bão quá mạnh đã làm tốc mái nhà của A và gây thiệt hại cho người đi đường. Trường hợp này là sự kiện bất khả kháng nên A không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

      b) Lỗi hoàn toàn do người bị thiệt hại là toàn bộ thiệt hại xảy ra đều do lỗi của người bị thiệt hại, người gây thiệt hại không có lỗi.

      Ví dụ: A lái xe ô tô (thuộc sở hữu của mình) theo đúng quy định của Luật Giao thông đường bộ, C lao vào xe ô tô của A đang đi trên đường để tự tử. Trường hợp này, A không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do lỗi hoàn toàn của C.

      Như vậy, người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

      Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.

      Lỗi hoàn toàn do người bị thiệt hại là toàn bộ thiệt hại xảy ra đều do lỗi của người bị thiệt hại, người gây thiệt hại không có lỗi.

      (Hình từ Internet)

      Thiệt hại thực tế trong trách nhiệm dân sự được hiểu như thế nào?

      Theo điểm a khoản 1 Điều 3 Nghị quyết 02/2022/NQ-HĐTP quy định thiệt hại thực tế trong trách nhiệm dân sự như sau:

      Về nguyên tắc bồi thường thiệt hại quy định tại Điều 585 của Bộ luật Dân sự

      1. Về khoản 1 Điều 585 của Bộ luật Dân sự

      a) “Thiệt hại thực tế” là thiệt hại đã xảy ra theo hướng dẫn tại điểm b khoản 1 Điều 2 Nghị quyết này, được tính thành tiền tại thời điểm giải quyết bồi thường. Thiệt hại phát sinh sau thời điểm giải quyết bồi thường lần đầu được xác định tại thời điểm giải quyết bồi thường lần tiếp theo nếu có yêu cầu của người bị thiệt hại.

      Ví dụ: A gây thương tích cho B mà B phải điều trị dài ngày. Tại thời điểm Tòa án giải quyết bồi thường thì tổng thiệt hại thực tế là X đồng, bao gồm: chi phí điều trị, mức thu nhập bị mất hoặc giảm sút; chi phí cho người chăm sóc, tổn thất tinh thần. Sau đó, B vẫn phải tiếp tục điều trị thì các chi phí phát sinh sau thời điểm Tòa án giải quyết sẽ được giải quyết trong vụ án khác nếu có yêu cầu của người bị thiệt hại.

      b) “Thiệt hại phải được bồi thường toàn bộ” là tất cả các thiệt hại thực tế xảy ra đều phải được bồi thường.

      c) “Thiệt hại phải được bồi thường kịp thời” là thiệt hại phải được bồi thường nhanh chóng nhằm ngăn chặn, hạn chế, khắc phục thiệt hại.

      Trong quá trình giải quyết vụ án, Tòa án có thể áp dụng một hoặc một số biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự để giải quyết yêu cầu cấp bách của người bị thiệt hại (như buộc thực hiện trước một phần nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do tính mạng, sức khỏe bị xâm phạm; buộc thực hiện trước một phần nghĩa vụ cấp dưỡng...).

      d) Để đảm bảo việc bồi thường thiệt hại toàn bộ và kịp thời, việc giải quyết vấn đề bồi thường trong vụ án hình sự, vụ án hành chính phải được tiến hành cùng với việc giải quyết vụ án hình sự, vụ án hành chính.

      Trường hợp vụ án hình sự, vụ án hành chính có nội dung giải quyết vấn đề bồi thường thiệt hại nhưng chưa có điều kiện chứng minh và không ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án hình sự, vụ án hành chính thì vấn đề bồi thường có thể tách ra để giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.

      đ) Người yêu cầu bồi thường thiệt hại phải nêu rõ từng khoản thiệt hại thực tế đã xảy ra, mức yêu cầu bồi thường và các tài liệu, chứng cứ chứng minh yêu cầu của mình là có căn cứ.

      Trường hợp người yêu cầu bồi thường thiệt hại không thể tự mình thu thập được tài liệu, chứng cứ thì có quyền yêu cầu Tòa án thu thập tài liệu, chứng cứ theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự.

      ...

      Theo đó, thiệt hại thực tế trong trách nhiệm dân sự là thiệt hại đã xảy ra theo hướng dẫn sau:

      Gồm có thiệt hại xảy ra là thiệt hại về vật chất, thiệt hại về tinh thần;

      + Thiệt hại về vật chất là tổn thất vật chất thực tế xác định được của chủ thể bị xâm phạm, bao gồm tổn thất về tài sản mà không khắc phục được; chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế, khắc phục thiệt hại; thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút do tài sản, sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm, uy tín, quyền và lợi ích hợp pháp khác bị xâm phạm.

      + Thiệt hại về tinh thần là tổn thất tinh thần do bị xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, quyền và lợi ích nhân thân khác mà chủ thể bị xâm phạm hoặc người thân thích của họ phải chịu và cần phải được bồi thường một khoản tiền bù đắp tổn thất đó.

      Thiệt hại phát sinh sau thời điểm giải quyết bồi thường lần đầu được xác định tại thời điểm giải quyết bồi thường lần tiếp theo nếu có yêu cầu của người bị thiệt hại.

      Xác định tuổi của người gây thiệt hại tài sản như thế nào?

      Tại Điều 4 Nghị quyết 02/2022/NQ-HĐTP quy định xác định tuổi của người gây thiệt hại tài sản như sau:

      Tuổi của người gây thiệt hại được tính tại thời điểm gây thiệt hại. Trường hợp không xác định được chính xác tuổi của người gây thiệt hại thì ngày, tháng, năm sinh của họ được xác định như sau:

      - Trường hợp xác định được tháng nhưng không xác định được ngày thì lấy ngày cuối cùng của tháng đó làm ngày sinh;

      - Trường hợp xác định được quý nhưng không xác định được ngày, tháng thì lấy ngày cuối cùng của tháng cuối cùng trong quý đó làm ngày, tháng sinh;

      - Trường hợp xác định được nửa của năm nhưng không xác định được ngày, tháng thì lấy ngày cuối cùng của tháng cuối cùng trong nửa năm đó làm ngày, tháng sinh;

      - Trường hợp xác định được năm nhưng không xác định được ngày, tháng thì lấy ngày cuối cùng của tháng cuối cùng trong năm đó làm ngày, tháng sinh;

      - Trường hợp không xác định được năm sinh thì phải tiến hành giám định để xác định tuổi.

      Trường hợp kết quả giám định tuổi chỉ xác định được khoảng độ tuổi của người gây thiệt hại thì Tòa án lấy tuổi thấp nhất trong khoảng độ tuổi đã xác định được để xác định tuổi của họ.

      Ví dụ: Kết luận giám định M có độ tuổi trong khoảng từ 13 tuổi 6 tháng đến 14 tuổi 2 tháng thì xác định tuổi của M là 13 tuổi 6 tháng.

      Trân trọng!

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn