Nhà báo có thể đăng tin sai sự thật được không?

Chưa có bản dịch tiếng Anh của bài viết này, nhấn vào đây để quay về trang chủ tiếng Anh There is no English translation of this article. Click HERE to turn back English Homepage
Ngày hỏi: 16/03/2022

Nhà báo có thể đăng tin sai sự thật được không? Nhà báo có phải đính chính, xin lỗi công khai khi viết bài sai sự thật không? Chào luật sư, gần đây gia đình em bị đưa thông tin lên báo và thông tin này là sai sự thật, ảnh hưởng tới uy tín của gia đình, bây giờ em muốn nhà báo đăng bài gỡ bài viết xuống và xin lỗi được không ạ?

    • Nhà báo có thể đăng tin sai sự thật được không?

      Căn cứ Khoản 8 Điều 8 Luật báo chí 2016 quy định về các hành vi bị nghiêm cấm như sau:

      Thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; quy kết tội danh khi chưa có bản án của Tòa án.

      Bên cạnh đó, Khoản 2 Điều 13 Luật báo chí 2016 quy định về trách nhiệm của Nhà nước đối với quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân như sau:

      Báo chí, nhà báo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật và được Nhà nước bảo hộ. Không ai được lạm dụng quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân.

      Như vậy, nhà báo không thể đăng tin sai sự thật, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân.

      Nhà báo có phải đính chính, xin lỗi công khai khi viết bài sai sự thật không?

      Căn cứ Điểm d Khoản 3 Điều 25 Luật báo chí 2016 quy định về nghĩa vụ của nhà báo như sau:

      Phải cải chính, xin lỗi trong trường hợp thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân;

      Như vậy, khi đăng bài sai sự thật, nhà báo phải cải chính, xin lỗi theo quy định của pháp luật.

      Trong trường hợp trên, căn cứ Khoản 3 Điều 34 Bộ luật dân sự 2015 có quy định:

      Thông tin ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng nào thì phải được gỡ bỏ, cải chính bằng chính phương tiện thông tin đại chúng đó. Nếu thông tin này được cơ quan, tổ chức, cá nhân cất giữ thì phải được hủy bỏ.

      Ngoài ra, Khoản 2 Điều 34 Bộ luật dân sự 2015 quy định như sau:

      Cá nhân có quyền yêu cầu Tòa án bác bỏ thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình.

      Việc bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín có thể được thực hiện sau khi cá nhân chết theo yêu cầu của vợ, chồng hoặc con thành niên; trường hợp không có những người này thì theo yêu cầu của cha, mẹ của người đã chết, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác.

      Như vậy, bạn có thể yêu cầu Tòa án bác bỏ thông tin sai sự thật làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của gia đình. Bên cạnh đó bạn còn có thể yêu cầu nhà báo đăng bài cải chính, xin lỗi trên phương tiện thông tin đại chúng.

      Trân trọng!

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn