Nhà, đất chồng đứng tên, vợ có được chia khi ly hôn?

Chưa có bản dịch tiếng Anh của bài viết này, nhấn vào đây để quay về trang chủ tiếng Anh There is no English translation of this article. Click HERE to turn back English Homepage
Ngày hỏi: 19/02/2019

Xin luật sư giúp đỡ mẹ con chúng tôi: Tôi và chồng lấy nhau nhưng không hanh phúc, có một bé gái 3 tuổi. Tôi muốn ly hôn nhưng tất cả tài sản nhà đất mà vợ chồng mua đều chỉ có chồng tôi đứng tên. Vậy liệu nếu tôi ly hôn thì tôi có được chia số tài sản trên không?

    • Nhà, đất chồng đứng tên, vợ có được chia khi ly hôn?
      (ảnh minh họa)
    • Tại Điều 34 Luật hôn nhân và gia đình 2014 có quy định:

      "Điều 34. Đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng đối với tài sản chung

      1. Trong trường hợp tài sản thuộc sở hữu chung của vợ chồng mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng thì giấy chứng nhận quyền sở hữu, giấy chứng nhận quyền sử dụng phải ghi tên cả hai vợ chồng, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác.

      2. Trong trường hợp giấy chứng nhận quyền sở hữu, giấy chứng nhận quyền sử dụng tài sản chỉ ghi tên một bên vợ hoặc chồng thì giao dịch liên quan đến tài sản này được thực hiện theo quy định tại Điều 26 của Luật này; nếu có tranh chấp về tài sản đó thì được giải quyết theo quy định tại khoản 3 Điều 33 của Luật này."

      Như vậy: Căn cứ quy định được trích dẫn trên đây thì về nguyên tắc tài sản chung của vợ chồng mà thuộc trường hợp bắt buộc phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng thì giấy chứng nhận quyền sở hữu, giấy chứng nhận quyền sử dụng phải ghi tên cả hai vợ chồng.

      Trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác về việc để một bên vợ hoặc chồng đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sở hữu, giấy chứng nhận quyền sử dụng đối với tài sản đó thì thực hiện theo thỏa thuận đó.

      Mặt khác, Tại Khoản 3 Điều 33 Luật hôn nhân và gia đình 2014 có quy định:

      "Điều 33. Tài sản chung của vợ chồng

      ...

      3. Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung."

      Như vậy: Căn cứ quy định được trích dẫn trên đây trường hợp tài sản vợ, chồng đang có tranh chấp mà vợ, chồng bạn không có căn cứ để chứng minh tài sản đó là tài sản riêng hợp pháp của mình thì tài sản đó được coi là tài sản chung.

      Do đó: Trường hợp nhà đất mà vợ chồng mua nhưng chỉ có chồng bạn đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng, nếu chồng bạn không chứng minh được đó là tài sản riêng của mình thì dưới góc độ pháp lý, các tài sản đó vẫn được xác định là tài sản chung của vợ chồng bạn trong thời ký hôn nhân.

      Theo quy định tại Luật Hôn nhân và gia đình 2014 thì trường hợp đời sống hôn nhân của vợ, chồng lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được thì vợ, chồng có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn theo yêu cầu của một bên (nếu một bên không đồng ý) hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án công nhận thuận tình ly hôn (cả hai bên đều đồng ý).

      Do đó: Trường hợp vợ chồng bạn trong cuộc sống hôn nhân không mang lại hành phúc cho đôi bên và đôi bên không thể hòa giải được trong quá trình chung sống với nhau thì bạn hoặc chồng bạn hoặc cả hai có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn ly hôn theo quy định của pháp luật.

      Hai vợ chồng tự thỏa thuận với nhau các vấn đề liên quan đến con cái, tài sản chung và các vấn đề khác liên quan đến quyền và nghĩa vụ của nhau khi ly hôn. Nếu không thỏa thuận được thì có thể yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật.

      Kết luận: Từ các dẫn chứng trên đây có thể xác định trường hợp nhà đất mà vợ chồng mua nhưng chỉ có chồng bạn đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng, nếu chồng bạn không chứng minh được tài sản đó là tài sản riêng của chồng bạn thì các tài sản là nhà, đất đó được coi là tài sản chung của vợ chồng bạn. Trường hợp khi ly hôn thì vợ chồng bạn có thể tự thỏa thuận về việc chia nhà, đất này. Nếu không thỏa thuận được thì có thể yêu cầu Tòa án chia theo quy định.

      Trên đây là quan điểm tư vấn của chúng tôi đối với vấn đề mà bạn đang thắc mắc.

      Trân trọng!

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn