Nhận ủy quyền từ chủ xe cũ để thực hiện thủ tục xóa đăng ký thế chấp xe được không?

Bấm vào đây để xem bản dịch tiếng Anh của bài viết này Click HERE to see the English translation of this article
Ngày hỏi: 24/05/2022

Nhận ủy quyền từ chủ xe cũ để thực hiện thủ tục xóa đăng ký thế chấp xe được không? Quyền của bên thế chấp như thế nào? Tôi có mua một chiếc xe ô tô nhưng khi tôi làm thủ tục sang tên thì nhận được thông báo từ bên cơ quan chức năng là xe chưa xóa đăng ký thế chấp. Vậy trong trường hợp trên, tôi có thể nhận ủy quyền từ chủ xe cũ để thực hiện thủ tục xóa đăng ký thế chấp xe được không? Hồ sơ để xóa đăng ký thế chấp như thế nào ạ? Xin cảm ơn!

    • Nhận ủy quyền từ chủ xe cũ để thực hiện thủ tục xóa đăng ký thế chấp xe được không?

      Căn cứ Điều 138 Bộ luật dân sự 2015 quy định về đại diện theo ủy quyền như sau:

      1. Cá nhân, pháp nhân có thể ủy quyền cho cá nhân, pháp nhân khác xác lập, thực hiện giao dịch dân sự.

      2. Các thành viên hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân có thể thỏa thuận cử cá nhân, pháp nhân khác đại diện theo ủy quyền xác lập, thực hiện giao dịch dân sự liên quan đến tài sản chung của các thành viên hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân.

      3. Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi có thể là người đại diện theo ủy quyền, trừ trường hợp pháp luật quy định giao dịch dân sự phải do người từ đủ mười tám tuổi trở lên xác lập, thực hiện.

      Căn cứ Khoản 1 Điều 50 Nghị định 102/2017/NÐ-CP quy định hồ sơ đăng ký thế chấp, đăng ký thay đổi, sửa chữa sai sót, xóa đăng ký, đăng ký văn bản thông báo về việc xử lý tài sản bảo đảm bằng tài sản là động sản khác như sau:

      1. Người yêu cầu đăng ký nộp 01 bộ hồ đăng ký thế chấp, đăng ký thay đổi, sửa chữa sai sót, xóa đăng ký, đăng ký văn bản thông báo về việc xử lý tài sản bảo đảm bằng tài sản là động sản khác sau đây:

      a) Phiếu yêu cầu đăng ký (01 bản chính);

      b) Hợp đồng thế chấp hoặc hợp đồng sửa đổi, bổ sung hợp đồng thế chấp trong trường hợp phiếu yêu cầu đăng ký chỉ có chữ ký, con dấu của một trong các bên tham gia biện pháp bảo đảm (01 bản sao không có chứng thực kèm bản chính để đối chiếu);

      c) Văn bản ủy quyền trong trường hợp người yêu cầu đăng ký là người được ủy quyền (01 bản chính hoặc 01 bản sao có chứng thực hoặc 01 bản sao không có chứng thực kèm bản chính để đối chiếu), trừ các trường hợp sau đây: Bên thế chấp hoặc bên nhận thế chấp bao gồm nhiều cá nhân, pháp nhân ủy quyền cho một cá nhân hoặc một pháp nhân trong số đó yêu cầu đăng ký; người yêu cầu đăng ký là người được cấp mã số sử dụng cơ sở dữ liệu về biện pháp bảo đảm;

      d) Giấy tờ chứng minh đối với trường hợp không phải nộp phí khi thực hiện đăng ký biện pháp bảo đảm theo quy định tại Điều 12 của Nghị định này, nếu có.

      Theo đó, hồ sơ xóa đăng ký thế chấp bao gồm văn bản ủy quyền, có thể hiểu người thực hiện đăng ký thế chấp hoàn toàn có thể ủy quyền cho người khác thực hiện thủ tục xóa đăng ký thế chấp thông qua văn bản ủy quyền. Như vậy, bạn có thể nhận ủy quyền từ chủ xe cũ để thực hiện thủ tục xóa đăng ký thế chấp xe. Việc ủy quyền bằng văn bản có thể được thực hiện dưới hình thức ủy quyền bằng hợp đồng ủy quyền hoặc giấy ủy quyền.

      Quyền của bên thế chấp như thế nào?

      Căn cứ Điều 321 Bộ luật dân sự 2015 quy định về quyền của bên thế chấp như sau:

      1. Khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản thế chấp, trừ trường hợp hoa lợi, lợi tức cũng là tài sản thế chấp theo thỏa thuận.

      2. Đầu tư để làm tăng giá trị của tài sản thế chấp.

      3. Nhận lại tài sản thế chấp do người thứ ba giữ và giấy tờ liên quan đến tài sản thế chấp do bên nhận thế chấp giữ khi nghĩa vụ được bảo đảm bằng thế chấp chấm dứt hoặc được thay thế bằng biện pháp bảo đảm khác.

      4. Được bán, thay thế, trao đổi tài sản thế chấp, nếu tài sản đó là hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Trong trường hợp này, quyền yêu cầu bên mua thanh toán tiền, số tiền thu được, tài sản hình thành từ số tiền thu được, tài sản được thay thế hoặc được trao đổi trở thành tài sản thế chấp.

      Trường hợp tài sản thế chấp là kho hàng thì bên thế chấp được quyền thay thế hàng hóa trong kho, nhưng phải bảo đảm giá trị của hàng hóa trong kho đúng như thỏa thuận.

      5. Được bán, trao đổi, tặng cho tài sản thế chấp không phải là hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh, nếu được bên nhận thế chấp đồng ý hoặc theo quy định của luật.

      6. Được cho thuê, cho mượn tài sản thế chấp nhưng phải thông báo cho bên thuê, bên mượn biết về việc tài sản cho thuê, cho mượn đang được dùng để thế chấp và phải thông báo cho bên nhận thế chấp biết.

      Trân trọng!

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn