Những ai phải tham gia nhận dạng trong tố tụng hình sự?

Chưa có bản dịch tiếng Anh của bài viết này, nhấn vào đây để quay về trang chủ tiếng Anh There is no English translation of this article. Click HERE to turn back English Homepage
Ngày hỏi: 12/07/2017

Các chủ thể tham gia nhận dạng trong tố tụng hình sự được quy định thế nào? Xin chào Ban biên tập Thư Ký Luật. Em là sinh viên trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng. Thời gian gần đây, em thấy dư luận quan tâm nhiều đến việc giải quyết các vụ án hình sự. Trong đó, một số bài viết đề cập đến hoạt động nhận dạng trong quá trình giải quyết vụ án hình sự. Em muốn hỏi, nếu tổ chức việc nhận dạng thì có bắt buộc những đối tượng nào phải tham gia nhận dạng hay không? Vấn đề này em có thể xem thêm tại đâu? Rất mong nhận được phản hồi từ Ban biên tập. Cảm ơn các anh chị rất nhiều! Nguyễn Việt Hoàng (0902*****)

    • Các chủ thể phải tham gia hoạt động nhận dạng trong tố tụng hình sự được quy định tại Khoản 2 Điều 190 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2018). Theo đó, những người sau đây phải tham gia việc nhận dạng:

      a) Người làm chứng, bị hại hoặc bị can;

      b) Người chứng kiến.

      Liên quan đến nội dung này, để bạn nắm rõ hơn vấn đề, chúng tôi xin gửi đến bạn một số thông tin như sau:

      Nhận dạng là biện pháp điều tra theo tố tụng hình sự do Điều tra viên thực hiện dưới hình thức cho những người trước đây đã trực tiếp tri giác về con người hoặc sự vật nào đó có liên quan đến vụ án hình sự, xem lại bằng chính mắt mình hoặc tai mình, để xác nhận đúng hay không đối tượng mà mình đã mục kích hoặc giọng nói của người mà mình đã nghe.

      Nhận dạng được thực hiện bằng cách đưa người hoặc đồ vật, hoặc ảnh cho người làm chứng, người bị hại hoặc bị can trực tiếp ngắm, nhìn để họ chỉ ra có hay không người, vật, ảnh mà họ đã nhìn thấy trước đó. Đồng thời, yêu cầu họ xác định đúng người hoặc vật hoặc ảnh mà họ đã nhìn thấy đó. Nhận dạng có thể được tiến hành bằng cách cho người làm chứng, người bị hại hoặc bị can trực tiếp nghe lại âm thanh, giọng nói để họ xác nhận đúng hay không giọng nói của người mà họ đã nghe thấy trước đó.

      Thực chất của việc nhận dạng là quá trình người nhận dạng hồi tưởng, tái hiện, so sánh, nhận lại một đối tượng mà họ đã tri giác và ghi nhớ trong ký ức của mình

      Có thể phân thành các loại nhận dạng khác nhau, nhưng một cách chung nhất, có hai loại nhận dạng: nhận dạng người và nhận dạng sự vật.

      Nhận dạng người là hình thức nhận dạng mà Điều tra viên để cho người làm chứng, người bị hại, bị can quan sát một số người nào đó hoặc một số bức ảnh hoặc tử thi để xác định đối tượng mà họ đã mục kích hoặc để cho người làm chứng, người bị hại, bị can nghe lại giọng nói của một số người để xác nhận giọng nói của người mà mình đã trực tiếp nghe.

      Nhận dạng sự vật là hình thức nhận dạng mà Điều tra viên để cho người làm chứng, người bị hại, bị can quan sát một số vật thể, súc vật hoặc ảnh chụp các vật thể, súc vật để họ xác nhận cái hoặc con mà họ đã nhìn thấy trước đó.

      Nhằm mục đích khắc phục sự nhầm lẫn, sự ngộ nhận hoặc những sai lầm khác trong nhận thức dẫn đến sự thiếu khách quan, không chính xác trong lời khai của người làm chứng, người bị hại hoặc bị can có thể do nhiều tình tiết khác nhau (người có lời khai không quen biết, hoặc đã gặp nhưng không biết tên, địa chỉ, lai lịch (nếu là người) hoặc không có kiến thức về đối tượng, về những đặc điểm riêng của sự vật đã mục kích dẫn đến dễ nhầm lẫn vật tương tự… cần cho họ tiếp xúc trở lại để xem xét có đúng là đối tượng họ đã có quan hệ, đã trực tiếp nhìn thấy trước đây hay không cho nên việc quy định biện pháp nhận dạng trong quá trình giải quyết vụ án hình sự là hoàn toàn hợp lý và cần thiết.

      Trên đây là nội dung tư vấn về các chủ thể phải tham gia hoạt động nhận dạng trong tố tụng hình sự. Để hiểu chi tiết hơn vấn đề này, bạn vui lòng tham khảo thêm tại Bộ luật tố tụng hình sự 2015.

      Trân trọng!

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn