Những trường hợp di chúc bị tẩy xóa nhưng vẫn hợp pháp?

Bấm vào đây để xem bản dịch tiếng Anh của bài viết này Click HERE to see the English translation of this article
Ngày hỏi: 15/11/2022

Những trường hợp di chúc bị tẩy xóa nhưng vẫn hợp pháp? Có nhiều di chúc thì di chúc nào có hiệu lực? Di chúc không công chứng thì có hợp pháp không?

    • Những trường hợp di chúc bị tẩy xóa nhưng vẫn hợp pháp?

      Ông tôi bị bệnh, nhưng vẫn còn nhận thức được, do sợ sự tranh giành tài sản sau này nên ông có tự viết di chúc và có sự làm chứng là bạn ông và chú chủ tịch xã, cũng là người thân cận với ông. Tôi nghe đâu ông đã viết xong di chúc, nhưng chắc ông suy nghĩ lại nên có tẩy xóa để viết lại, nhưng tôi rất quan ngại vì nghe nói trong di chúc thì không được tẩy xóa, nên lên hỏi lại Ban biên tập cho chắc, có trường hợp nào di chúc bị tẩy, xóa nhưng vẫn được xem là hợp pháp không?

      Trả lời:

      Tại Khoản 3 Điều 631 Bộ luật dân sự 2015 có quy định:

      Di chúc không được viết tắt hoặc viết bằng ký hiệu, nếu di chúc gồm nhiều trang thì mỗi trang phải được ghi số thứ tự và có chữ ký hoặc điểm chỉ của người lập di chúc.

      Trường hợp di chúc có sự tẩy xóa, sửa chữa thì người tự viết di chúc hoặc người làm chứng di chúc phải ký tên bên cạnh chỗ tẩy xóa, sửa chữa.

      Như vậy, với trường hợp di chúc có sự tẩy xóa, sửa chữa vẫn được xem là hợp pháp khi người tự viết di chúc hoặc người làm chứng di chúc phải ký tên bên cạnh chỗ tẩy xóa, sửa chữa. Do đó, nếu ông bạn muốn tẩy xóa, sữa chữa nội dung di chúc thì bạn nên nhắc ông ký tên bên cạnh chỗ tẩy xóa, sửa chữa đó nhé.

      Theo đó, chúng tôi thông tin thêm đến bạn cũng như ông của bạn di chúc gồm các nội dung chủ yếu sau:

      - Ngày, tháng, năm lập di chúc;

      - Họ, tên và nơi cư trú của người lập di chúc;

      - Họ, tên người, cơ quan, tổ chức được hưởng di sản;

      - Di sản để lại và nơi có di sản.

      Có nhiều di chúc thì di chúc nào có hiệu lực?

      Năm 2015, má tôi có lập di chúc để lại một căn nhà ở quê cho anh hai. Năm 2017, má tôi thay đổi ý định và lập di chúc để lại cho tôi và một người em út, tất cả hai bản di chúc trên đều có công chứng đàng hoàng. Năm nay, má tôi mất thì chúng tôi không biết là trong hai bản di chúc thì di chúc nào có hiệu lực pháp luật? Mong LS tư vấn

      Trả lời:

      Căn cứ theo Điều 642 và Điều 640 Bộ luật dân sự 2015 thì việc sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc được quy định như sau:

      - Người lập di chúc có thể sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc đã lập vào bất cứ lúc nào.

      - Trường hợp người lập di chúc bổ sung di chúc thì di chúc đã lập và phần bổ sung có hiệu lực pháp luật như nhau; nếu một phần của di chúc đã lập và phần bổ sung mâu thuẫn nhau thì chỉ phần bổ sung có hiệu lực pháp luật.

      - Trường hợp người lập di chúc thay thế di chúc bằng di chúc mới thì di chúc trước bị hủy bỏ.

      Ngoài ra theo quy định tại Khoản 5 Điều 643 Bộ luật dân sự 2015 thì "Khi một người để lại nhiều bản di chúc đối với một tài sản thì chỉ bản di chúc sau cùng có hiệu lực".

      Như vậy, đối với trường hợp của Anh/Chị thì di chúc mà má Anh/Chị lập sau cùng là di chúc có hiệu lực pháp luật theo quy định nêu trên.

      Di chúc không công chứng thì có hợp pháp không?

      Chào Ban tư vấn. Tôi có thắc mắc về vấn đề này mong được Ban tư vấn giải đáp giúp. Mẹ tôi mất có để lại di chúc, phân chia thừa kế cho các thành viên trong gia đình. Tuy nhiên Di chúc của mẹ tôi lại không có công chứng. Vậy Ban tư vấn cho tôi hỏi di chúc không công chứng thì có hợp pháp không? Mong sớm nhận được phản hồi từ Ban tư vấn. Chân thành cảm ơn!

      Trả lời:

      Theo quy định tại Điều 630 Bộ luật dân sự 2015 về di chúc hợp pháp:

      "1. Di chúc hợp pháp phải có đủ các điều kiện sau đây:

      a) Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép;

      b) Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật.

      2. Di chúc của người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi phải được lập thành văn bản và phải được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý về việc lập di chúc.

      3. Di chúc của người bị hạn chế về thể chất hoặc của người không biết chữ phải được người làm chứng lập thành văn bản và có công chứng hoặc chứng thực.

      4. Di chúc bằng văn bản không có công chứng, chứng thực chỉ được coi là hợp pháp, nếu có đủ các điều kiện được quy định tại khoản 1 Điều này.

      5. Di chúc miệng được coi là hợp pháp nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau khi người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng, người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng viên hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng thực xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng."

      Như vậy di chúc bằng văn bản không có công chứng vẫn là di chúc hợp pháp nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:

      - Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép;

      - Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật.

      Nếu lúc lập di chúc mà bạn minh mẫn, sáng suốt, nội dung di chúc thì không vi phạm điều cấm của pháp luật thì di chúc mẹ bạn để lại dù không công chứng thì đó vẫn là di chúc hợp pháp.

      Mong rằng những tư vấn của chúng tôi sẽ giúp giải đáp được những vướng mắc của bạn.

      Trân trọng!

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn