Nợ thuế thu nhập có được thôi quốc tịch không?

Chưa có bản dịch tiếng Anh của bài viết này, nhấn vào đây để quay về trang chủ tiếng Anh There is no English translation of this article. Click HERE to turn back English Homepage
Ngày hỏi: 29/01/2019

Tôi đang muốn thôi quốc tịch Việt Nam để nhập quốc tịch nước ngoài theo chồng nhưng tôi còn nợ thuế thu nhập cá nhân chưa nộp cho nhà nước thì tôi có được giải quyết cho thôi quốc tịch Việt Nam không?

    • Nợ thuế thu nhập có được thôi quốc tịch không?
      (ảnh minh họa)
    • Theo quy định pháp luật hiện hành tại Luật Quốc tịch Việt Nam 2008 thì công dân Việt Nam có đơn xin thôi quốc tịch Việt Nam để nhập quốc tịch nước ngoài thì có thể được thôi quốc tịch Việt Nam.

      Tuy nhiên, trong một số trường hợp nhất định thì người xin thôi quốc tịch Việt Nam chưa được thôi quốc tịch Việt Nam.

      Theo đó, theo quy định tại Khoản 2 Điều 27 Luật Quốc tịch Việt Nam 2008 thì người xin thôi quốc tịch Việt Nam chưa được thôi quốc tịch Việt Nam, nếu thuộc một trong những trường hợp sau đây:

      - Đang nợ thuế đối với Nhà nước hoặc đang có nghĩa vụ tài sản đối với cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân ở Việt Nam;

      - Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự;

      - Đang chấp hành bản án, quyết định của Toà án Việt Nam;

      - Đang bị tạm giam để chờ thi hành án;

      - Đang chấp hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh, trường giáo dưỡng.

      Như vậy: Căn cứ quy định được trích dẫn trên đây thì người xin thôi quốc tịch Việt Nam mà đang nợ thuế đối với Nhà nước hoặc đang có nghĩa vụ tài sản đối với cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân ở Việt Nam thì chưa được thôi quốc tịch Việt Nam.

      Do đó: Đối với trường hợp mà bạn cung cấp cho chúng tôi thì bạn muốn xin thôi quốc tịch Việt Nam để nhập quốc tịch Canada theo vợ, nhưng vẫn còn một khoản thuế Thu nhập cá nhân phải đóng cho Nhà nước (nhưng chưa đóng), nên bạn thuộc trường hợp chưa được thôi quốc tịch Việt Nam (chứ không phải là không được thôi quốc tịch Việt Nam).

      Trường hợp bạn vẫn muốn xin thôi quốc tịch Việt Nam để nhập quốc tịch nước ngoài thì bạn có nghĩa vụ phải hoàn thành nghĩa vụ về thuế thu nhập cá nhân của mình đối với Nhà nước theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân.

      Sau khi hoàn thành nghĩa vụ thuế thu nhập cá nhân đối với Nhà nước thì bạn có thể nộp hồ sơ xin thôi quốc tịch Việt Nam cho Sở Tư pháp nơi bạn đang cư trú (là nơi thường trú hoặc là nơi tạm trú) để được giải quyết theo thẩm quyền.

      Lưu ý: Trường hợp bạn đang cư trú ở nước ngoài thì nộp hồ sơ cho cơ quan đại diện Việt Nam ở nước sở tại.

      Hồ sơ xin thôi quốc tịch Việt Nam:

      (1) Đơn xin thôi quốc tịch Việt Nam;

      (2) Bản khai lý lịch;

      (3) Bản sao Hộ chiếu Việt Nam, Giấy chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ khác quy định tại Điều 11 của Luật này;

      (4) Phiếu lý lịch tư pháp do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp. Phiếu lý lịch tư pháp phải là phiếu được cấp không quá 90 ngày tính đến ngày nộp hồ sơ;

      (5) Giấy tờ xác nhận về việc người đó đang làm thủ tục nhập quốc tịch nước ngoài, trừ trường hợp pháp luật nước đó không quy định về việc cấp giấy này;

      (6) Giấy xác nhận không nợ thuế do Cục thuế nơi người xin thôi quốc tịch Việt Nam cư trú cấp;

      (7) Đối với người trước đây là cán bộ, công chức, viên chức hoặc phục vụ trong lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam đã nghỉ hưu, thôi việc, bị miễn nhiệm, bãi nhiệm, cách chức hoặc giải ngũ, phục viên chưa quá 5 năm thì còn phải nộp giấy của cơ quan, tổ chức, đơn vị đã ra quyết định cho nghỉ hưu, cho thôi việc, miễn nhiệm, bãi nhiệm, cách chức hoặc giải ngũ, phục viên xác nhận việc thôi quốc tịch Việt Nam của người đó không phương hại đến lợi ích quốc gia của Việt Nam.

      Trường hợp công dân Việt Nam không thường trú ở trong nước thì không phải nộp các giấy tờ tại điểm (5), (6), (7).

      Trên đây là quan điểm tư vấn của chúng tôi đối với vấn đề mà bạn đang thắc mắc.

      Trân trọng!

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn