Quy định về hình thức của di chúc từ năm 2017

Chưa có bản dịch tiếng Anh của bài viết này, nhấn vào đây để quay về trang chủ tiếng Anh There is no English translation of this article. Click HERE to turn back English Homepage
Ngày hỏi: 20/06/2017

Quy định về hình thức của di chúc từ năm 2017 như thế nào? Xin chào Ban biên tập Thư Ký Luật, tôi tên là Thanh Thúy, hiện đang làm việc và sinh sống ở Hà Nội. Hồi tháng 05/2017, tôi có về thăm quê và được bố nói rằng muốn lập di chúc để chia tài sản cho các con. Bố có nhờ tôi tìm hiểu xem bây giờ lập di chúc thì có thể lập dưới hình thức nào? Văn bản nào quy định nội dung này? Mong nhận được tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật. Chân thành cảm ơn! Email: thanh.thuy***@gmail.com

    • Di chúc theo quy định tại Điều 624 Bộ luật dân sự 2015 là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết. Theo quy định của pháp luật hiện hành thì khi một người chết để lại di chúc thì di sản của họ sẽ được chia theo di chúc, chỉ khi không có di chúc thì di sản mới được chia theo pháp luật. Tuy nhiên, để có hiệu lực thì di chúc phải đáp ứng điều kiện tại Khoản 1 Điều 630 Bộ luật dân sự 2015 như sau:

      - Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép;

      - Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật.

      Về hình thức của di chúc thì Điều 627 Bộ luật dân sự 2015 quy định di chúc phải được lập thành văn bản; nếu không thể lập được di chúc bằng văn bản thì có thể di chúc miệng. Trong đó,

      Di chúc bằng văn bản gồm các hình thức sau:

      - Di chúc bằng văn bản không có người làm chứng;

      - Di chúc bằng văn bản có người làm chứng;

      - Di chúc bằng văn bản có công chứng;

      - Di chúc bằng văn bản có chứng thực.

      Di chúc bằng văn bản phải bảo đảm các nội dung sau:

      - Ngày, tháng, năm lập di chúc;

      - Họ, tên và nơi cư trú của người lập di chúc;

      - Họ, tên người, cơ quan, tổ chức được hưởng di sản hoặc xác định rõ các điều kiện để cá nhân, cơ quan, tổ chức được hưởng di sản;

      - Di sản để lại và nơi có di sản;

      - Việc chỉ định người thực hiện nghĩa vụ và nội dung của nghĩa vụ.

      Ngoài ra, di chúc không được viết tắt hoặc viết bằng ký hiệu; nếu di chúc gồm nhiều trang thì mỗi trang phải được đánh số thứ tự và có chữ ký hoặc điểm chỉ của người lập di chúc.

      Di chúc miệng được lập trong trường hợp tính mạng của một người bị cái chết đe dọa do bệnh tật hoặc các nguyên nhân khác mà không thể lập di chúc bằng văn bản.

      Nếu sau ba tháng kể từ thời điểm di chúc miệng mà người di chúc vẫn còn sống, minh mẫn, sáng suốt thì di chúc miệng sẽ mặc nhiên bị hủy bỏ

      Ngoài ra, Ban biên tập xin lưu ý cho bạn một số nội dung như sau:

      - Người thuộc dân tộc thiểu số có quyền lập di chúc bằng chữ viết hoặc tiếng nói của dân tộc mình.

      - Di chúc của người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi phải được lập thành văn bản và phải được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý.

      - Di chúc của người bị hạn chế về thể chất hoặc của người không biết chữ phải được người làm chứng lập thành văn bản và có công chứng hoặc chứng thực.

      - Di chúc bằng văn bản không có công chứng, chứng thực chỉ được coi là hợp pháp, nếu có đủ các điều kiện nêu tại phần 1 ở trên.

      - Trong trường hợp tài sản thừa kế là là tài sản có đăng kí quyền sở hữu (như bất động sản, ô tô, xe máy…) thì để tránh phức tạp về thủ tục hưởng di sản thừa kế, di chúc nên được lập thành văn bản và có công chứng hoặc chứng thực.

      Trên đây là nội dung tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về hình thức của di chúc từ năm 2017. Bạn nên tham khảo chi tiết Bộ luật dân sự 2015 để nắm rõ quy định này.

      Trân trọng!

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn