Quy định về thực hiện nghĩa vụ trả nợ do người chết để lại

Chưa có bản dịch tiếng Anh của bài viết này, nhấn vào đây để quay về trang chủ tiếng Anh There is no English translation of this article. Click HERE to turn back English Homepage
Ngày hỏi: 13/02/2017

Năm 2015, bố tôi mất do tai nạn giao thông đột ngột, để lại mẹ tôi với 3 anh em, tôi là con trai đầu, sau là 2 em gái lần lượt là 25 và 23 tuổi hiện đang làm công nhân. Trước đó, bố tôi có làm chức kế toán trong thôn. Bố tôi có làm một số giấy tờ vay vốn tín dụng của xã. Bố lấy giấy tờ nhà đất ở làm thế chấp mà không được sự đồng ý của mẹ tôi nên bố tôi giả mạo chữ ký của mẹ tôi để hợp thức hóa vay vốn. Vay vốn cho các đứa con đi học đại học, vay vốn làm các dự án trồng rừng. Nhưng sau này tôi biết các lý do vay đều làm trên giấy tờ chứ không có dự án nào cả, số tiền đó được chi cho sở thích chơi đề và đánh bạc. Nay trên tín dụng của xã nơi tôi cư trú bắt chúng tôi trả hết số tiền vay (khoảng 80 triệu). Nếu không sẽ lấy ngôi nhà - gia đình tôi hiện không có khả năng chi trả số tiền lớn đó. Tôi xin được hỏi, số nợ đó chúng tôi phải trả không và như thế nào? Làm thế nào để có thể gia đình tôi lấy lại được giấy tờ đất nằm trên đó, mà không tốn hoặc tốn ít chi phí nhất? Mong nhận được tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật. Chân thành cảm ơn!

    • Nếu giấy tờ nhà đất do bố bạn đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì cả hợp đồng vay vốn tín dụng và hợp đồng thế chấp đó vẫn có hiệu lực. Khi bố bạn chết, mẹ bạn và 3 anh em bạn sẽ nhận thừa kế từ di sản bố bạn để lại, điều này có nghĩa là nhận cả quyền và nghĩa vụ phát sinh như theo Điều 637 Bộ luật dân sự 2005 quy định về thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại, cụ thể là:

      "1.Những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại, trừ trường hợp có thoả thuận khác.

      2. Trong trường hợp di sản chưa được chia thì nghĩa vụ tài sản do người chết để lại được người quản lý di sản thực hiện theo thoả thuận của những người thừa kế.

      3.Trong trường hợp di sản đã được chia thì mỗi người thừa kế thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại tương ứng nhưng không vượt quá phần tài sản mà mình đã nhận, trừ trường hợp có thoả thuận khác".

      Vì gia đình bạn không đủ khả năng trả năng trả số tiền vay (khoảng 80 triệu) nên tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất và sở hữu căn nhà sẽ được phát mãi để trả cho "Xã", số tiền còn lại sau khi thanh toán khoản vay đó sẽ trả lại gia đình bạn.

      Còn nếu quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà là tài sản chung của vợ chồng thì theo Khoản 3 Điều 28 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định về chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung như sau: "Việc xác lập, thực hiện và chấm dứt giao dịch dân sự liên quan đến tài sản chung có giá trị lớn hoặc là nguồn sống duy nhất của gia đình, việc dùng tài sản chung để đầu tư kinh doanh phải được vợ chồng bàn bạc, thỏa thuận, trừ tài sản chung đã được chia để đầu tư kinh doanh riêng theo quy định tại khoản 1 Điều 29 của Luật này".

      Do đó, việc bạn chứng minh được hợp đồng đó đã bị bố bạn giả mạo chữ kí của mẹ bạn thì hợp đồng thế chấp này sẽ vô hiệu. Tuy nhiên, căn cứ tại Khoản 2 Điều 15 Nghị định 163/2006/NĐ-CP có quy định về quan hệ giữa giao dịch bảo đảm và hợp đồng có nghĩa vụ được bảo đảm là:"Giao dịch bảo đảm vô hiệu không làm chấm dứt hợp đồng có nghĩa vụ được bảo đảm, trừ trường hợp có thoả thuận khác".

      Cho nên, dù hợp đồng thế chấp vô hiệu thì hợp đồng vay vốn tín dụng vẫn còn hiệu lực. Do đó, sau khi bố bạn chết thì mẹ và 3 anh em bạn được hưởng thừa kế từ di sản bố bạn để lại, cùng với đó là việc thay bố bạn trả khoản nợ trên. Tuy nhiên, nếu số tiền phải trả vượt quá số tài sản do người chết để lại thì những người thừa kế chỉ phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ trong phần số tài sản của người chết để lại đó. Vì thế, nếu số tài sản mà bố bạn để lại (Gồm tài sản riêng + ½ giá trị trong khối tài sản chung vợ chồng + % giá trị trong số tài sản chung khác đã đóng góp) không đủ để trả khoản nợ (khoảng 80 triệu) kia, thì gia đình bạn chỉ phải trả trong số tài sản để lại này mà thôi.

      Trên đây là tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về thực hiện nghĩa vụ trả nợ do người chết để lại. Bạn nên tham khảo chi tiết Bộ luật dân sự 2005 để nắm rõ quy định này.

      Trân trọng!

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn