Quy trình, thủ tục, hồ sơ khai nhận di sản thừa kế được thực hiện như thế nào?

Chưa có bản dịch tiếng Anh của bài viết này, nhấn vào đây để quay về trang chủ tiếng Anh There is no English translation of this article. Click HERE to turn back English Homepage
Ngày hỏi: 12/03/2020

Cha mẹ tôi có mua một căn nhà (từ trước những năm 1985). Cha mẹ tôi có 3 người con. Cha tôi mất năm 2010 và mẹ tôi mất 2012 và không để lại di chúc. Sổ đỏ được cấp từ năm 2009 mang tên bố mẹ tôi. Hiện tại 03 anh em chúng tôi vẫn đang sinh sống tại căn nhà trên. Nay, chúng tôi muốn được làm thủ tục khai nhận di sản thừa kế nhà và đất đối với căn nhà trên thì chúng tôi sẽ phải tiến hành thủ tục ở đâu và phải chuẩn bị những hồ sơ gì? Rất mong Ban biên tập phúc đáp cho gia đình chúng tôi. Tôi xin cảm ơn!

    • Căn cứ theo Điểm a Khoản 1 Điều 651 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết; Theo như thông tin bạn cung cấp, hiện tại 3 anh chị em của bạn thuộc hàng thừa kế thứ nhất.

      Do bố mẹ bạn không để lại di chúc nên di sản được chia cho người thừa kế theo pháp luật.

      Việc khai nhận di sản thừa kế:

      - Thẩm quyền: Gia đình bạn có thể công chứng văn bản khai nhận di sản thừa kế là quyền sở hữu nhà ở tại bất kỳ tổ chức công chứng nào trên địa bàn nơi có bất động sản.

      - Hồ sơ thừa kế gồm:

      + Phiếu yêu cầu công chứng theo mẫu;

      + Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở;

      + Giấy chứng tử của bố mẹ bạn;

      + Giấy tờ tùy thân của các thừa kế;

      + Những giấy tờ khác (như: giấy khai sinh, giấy kết hôn …).

      - Trình tự khai nhận di sản thừa kế:

      Sau khi kiểm tra hồ sơ thấy đầy đủ và hợp lệ, cơ quan công chứng tiến hành niêm yết công khai tại trụ sở Uỷ ban nhân dân cấp xã (phường), nơi thường trú trước đây của người để lại di sản; trong trường hợp không có nơi thường trú, thì niêm yết tại Uỷ ban nhân dân cấp xã, nơi tạm trú có thời hạn của người đó. Nếu không xác định được cả hai nơi này, thì niêm yết tại Uỷ ban nhân dân cấp xã (phường), nơi có bất động sản của người để lại di sản.

      Sau 15 ngày niêm yết, nếu không có khiếu nại, tố cáo thì cơ quan công chứng chứng nhận văn bản thừa kế. Các đồng thừa kế có thể lập Văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế (Theo Điều 57 Luật Công chứng 2014) hoặc Văn bản khai nhận di sản thừa kế (Theo Điều 58 Luật Công chứng 2014). Sau khi công chứng văn bản thừa kế, người được hưởng di sản thực hiện thủ tục đăng ký quyền tài sản tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thuộc Phòng tài nguyên và môi trường cấp huyện nơi có đất.

      Đăng ký sang tên quyền sở hữu nhà ở:

      - Thẩm quyền: Văn phòng đăng ký đất đai

      - Hồ sơ:

      + Bản chính văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế có công chứng;

      + Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở;

      + Giấy chứng tử của bố mẹ bạn;

      + Giấy tờ tùy thân của các thừa kế;

      + Những giấy tờ khác (như: giấy khai sinh, giấy kết hôn …) của các hàng thừa kế.

      - Trình tự:

      Văn phòng đăng ký nhà đất sau khi nhận hồ sơ sẽ có trách nhiệm thẩm tra hồ sơ, làm trích sao hồ sơ địa chính; gửi số liệu địa chính cho cơ quan thuế để xác định nghĩa vụ tài chính (nếu có); chỉnh lý giấy chứng nhận đã cấp hoặc thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận đối với trường hợp phải cấp mới giấy chứng nhận; Sau khi bên nhận thừa kế thực hiện xong nghĩa vụ tài chính, Văn phòng đăng ký nhà đất có trách nhiệm trao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất quyền sở hữu nhà cho chủ sở hữu mới.

      => Như vậy, để làm thủ tục khai nhận di sản thừa kế nhà và đất đối với căn nhà trên thì cần thực hiện đúng các thủ tục trên. Yêu cầu bắt buộc cho mỗi hồ sơ thừa kế phải có đầy đủ giấy khai sinh của con để chứng minh mối quan hệ huyết thống. Hồ sơ ngày tháng năm sinh, tên họ phải trùng khớp với các loại giấy tờ khác. Trường hợp ngày tháng năm sinh khác với chứng minh nhân dân/ Thẻ căn cước, khác sổ hộ khẩu, khác giấy khai sinh cần phải đi đính chính lại tại các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Về nguyên tắc giấy tờ khai sinh sẽ là giấy tờ gốc làm căn cứ để làm lại các giấy tờ khác.

      Trân trọng!

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn