Quyền thừa kế của Việt kiều?

Chưa có bản dịch tiếng Anh của bài viết này, nhấn vào đây để quay về trang chủ tiếng Anh There is no English translation of this article. Click HERE to turn back English Homepage
Ngày hỏi: 25/08/2016
Căn nhà tại TP.HCM (sau đây gọi là “Căn nhà”) nguyên do cha tôi (Nguyen Huu D) và mẹ tôi (Nguyen Quy N) mua có văn tự đoạn mãi lập ngày 15/5/1964, trước bạ và chứng nhận của Hội đồng xã PN. Tháng 5/1975, Căn nhà bị tiếp quản và lấy làm kho gạo nhưng sau nhiều năm gia đình khiếu nại, UBND phường và UBND quận đã chính thức trả lại Căn nhà cho mẹ tôi (có quyết định bằng văn bản). Tháng 5/1989, gia đình tôi xuất cảnh hợp pháp sang Hoa Kỳ, mẹ tôi có khai báo tất cả bất động sản ở Việt Nam và có nhờ người nhà thỉnh thoảng đến trông nom, dọn dẹp Căn nhà. Tháng 3/1992, mẹ tôi về nước có viết giấy ủy quyền (viết tay, không có công chứng) cho anh tôi là Nguyen Huu H trông coi Căn nhà, trong đó có nhấn mạnh không được phép sang nhượng hay cho thuê dưới bất kỳ hình thức nào. Tháng 6/1992, mẹ tôi làm tờ hủy bỏ giấy ủy quyền năm 1992 (có chứng thực của UBND phường) do anh tôi trước đó đã tự ý cho thuê. Người thuê nhà đã dọn ra khỏi nhà tôi ngay sau đó. Tháng 02/1994, mẹ tôi về nước và phát hiện có người lạ ở trong nhà, mẹ tôi báo cho Công an phường và Công an quận yêu cầu giải quyết nhưng vì lý do sức khỏe nên mẹ tôi phải trở về Mỹ. Sau đó, chúng tôi có liên lạc với chị L.T (người ở trong Căn nhà), chị nói là mua nhà từ anh tôi và đã trả 50 lượng nhưng do biết anh tôi không phải là chủ sở hữu nên việc mua bán bị tạm ngưng lại. Tháng 7/2005, chị em tôi liên lạc và yêu cầu chị T thu xếp dọn ra khỏi nhà vì chúng tôi sẽ khởi kiện đòi lại nhà. Sau đó, theo lời chị T, chúng tôi được biết chị T đã đưa thêm 10 cây vàng và yêu cầu anh tôi bán Căn nhà cho Nguyen Duc L (chúng tôi không biết họ dùng giấy tờ nào để mua bán). Tháng 4/2007, Nguyen Duc L đã bán Căn nhà cho bà Nguyen Thi T.. Ngày 22/10/2007, mẹ tôi nhờ anh Bui Van P nộp đơn đòi lại nhà và yêu cầu trục xuất người chiếm nhà bất hợp pháp, đơn được gửi đến UBND phường và quận và có giấy biên nhận đơn. Ngày 26/11/2007, cán bộ tiếp dân của UBND quận và bí thư phường mời anh P đến P. 14 làm việc và yêu cầu anh P sửa lại là Đơn đòi nhà, đồng thời cho biết trong vòng 2 năm (2006 và 2007) cơ quan có thẩm quyền đã ra 04 quyết định thu hồi, hoá giá, cấp nhà tiêu chuẩn…, trong đó, 02 quyết định do phó chủ tịch UBND quận ký và 02 quyết định do phó chủ tịch UBND thành phố ký. Ngày 18/02/2008, mẹ tôi qua đời. Ngày 12/5/2008, tôi đến UBND quận yêu cầu giải quyết đơn khởi tố nộp ngày 22/10/2007 thì được cán bộ tiếp dân cho biết đơn của chúng tôi đã bị thất lạc và yêu cầu nộp đơn lại và hức hẹn sẽ giải quyết. Ngày 18/5/2008, chúng tôi nộp đơn lần thứ hai và tiếp tục chờ đợi. Cha tôi đã qua đời năm 1998. Cha mẹ tôi qua đời không để lại di chúc và ông bà nội, ngoại của tôi cũng đã qua đời từ lâu. Cha tôi và chúng tôi mang quốc tịch Mỹ, còn mẹ tôi vẫn còn quốc tịch Việt Nam. Xin hỏi: 1. Chúng tôi có phải là người thừa kế hợp pháp theo pháp luật Việt Nam hiện hành hay không? 2. Tôi có quyền tiếp tục đơn của mẹ tôi trong vụ kiện đòi nhà hay không? 3. Người anh không phải là chủ sở hữu Căn nhà có quyền đứng ra hiến Căn nhà cho Nhà nước hay không và khi hiến nhà phải xuất trình những giấy tờ gì? 4. Nếu tôi là người thừa kế và được quyền tiếp tục đơn kiện, xin hỏi tôi phải làm thủ tục gì để đòi lại Căn nhà? Chúng tôi là người Việt Nam mang quốc tịch nước ngoài, vậy chúng tôi có được quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết đối với những cán bộ nhà nước đã ban hành những quyết định trái pháp luật hay không? Chúng tôi làm như vậy có vi phạm pháp luật Việt Nam về vấn đề an ninh trật tự nhà nước hay không? (Kristina Nguyen)
    • Mẹ của bà có quốc tịch Việt Nam nên khi mẹ của bà qua đời mà không để lại di chúc (ông bà nội ngoại đã qua đời trước mẹ của bà) thì những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của mẹ bà, bao gồm: bà và các anh, chị, em của bà, kể cả con nuôi của mẹ bà (nếu có), có quyền thừa kế đối với di sản của mẹ bà theo quy định tại Điều 631 BLDS. Tuy nhiên, đối với di sản là bất động sản ở tại Việt Nam thì việc thừa kế theo pháp luật còn phải tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam điều chỉnh đối với bất động sản đó, ví dụ Luật Nhà ở, Luật Đất đai v.v..

      2. Theo quy định của pháp luật Việt Nam thì khi quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm, bà có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết, thông qua việc khiếu nại, tố cáo đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo hoặc khởi kiện tại Tòa án v.v.. Việc xác định quyền sở hữu của mẹ bà đối với căn nhà có ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của những người thừa kế của mẹ bà, trong đó có bà và các anh, chị, em của bà. Do vậy, bà và các anh, chị, em của bà hoàn toàn có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết vấn đề nói trên.

      3. Theo quy định tại Điều 164 BLDS thì chỉ có chủ sở hữu mới có quyền định đoạt đối với tài sản thuộc sở hữu của mình. Do vậy, người anh của bà nếu không phải là chủ sở hữu (không có căn cứ chứng minh mình là chủ sở hữu) thì không có quyền định đoạt đối với Căn nhà, nghĩa là không có quyền hiến Căn nhà cho Nhà nước.

      Tuy nhiên, xin giải thích thêm trong trường hợp người anh của bà không chứng minh được mình là chủ sở hữu và Căn nhà thuộc diện nhà vắng chủ (không xác định được chủ sở hữu) hoặc những trường hợp được phân tích ở bên dưới đây thì có thể Căn nhà được Nhà nước quản lý, bố trí sử dụng theo các quy định pháp luật, chứ không phải là người anh này hiến Căn nhà cho Nhà nước.

      4. Để xác định được thủ tục mà bà phải thực hiện để đòi lại Căn nhà thì trước hết phải làm rõ các quy định của pháp luật đối với trường hợp nhà vắng chủ do chủ sở hữu xuất cảnh (trước ngày 01/7/1991). Theo quy định pháp luật, có thể chia thành ba trường hợp như sau:

      (i) Trường hợp Căn nhà thuộc diện Nhà nước quản lý, bố trí sử dụng theo quy định tại Nghị quyết 23 đồng thời Nhà nước đã có văn bản quản lý và đã bố trí cho người khác sử dụng thì Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại nhà đất. Do đó, nếu thuộc trường hợp này thì gia đình bà không thể đòi lại Căn nhà.

      (ii) Trường hợp Căn nhà thuộc diện Nhà nước quản lý, bố trí sử dụng theo quy định tại Nghị quyết 23 nhưng trên thực tế Nhà nước Việt Nam vẫn chưa có văn bản quản lý và cũng chưa bố trí cho ai sử dụng, đến nay Căn nhà vẫn còn do khi đi xuất cảnh cha mẹ của bà có cho người khác thuê, mượn, ở nhờ hoặc giao cho người thân thích quản lý và sử dụng nhà và đất, thì nay gia đình bà có thể lấy lại Căn nhà theo quy định tại Nghị quyết 755.

      (iii) Trường hợp Căn nhà không thuộc diện Nhà nước quản lý, bố trí sử dụng và trước khi đi xuất cảnh, gia đình bà có cho người khác ở thuê, mượn, ở nhờ hoặc ủy quyền cho người thân thích quản lý và sử dụng nhà ở, thì nay gia đình bà có thể lấy lại Căn nhà theo quy định của Nghị quyết 1037.

      Như vậy, nếu thuộc trường hợp được lấy lại nhà theo quy định pháp luật (tức là thuộc trường hợp (ii) hoặc (iii) nêu trên) thì mẹ bà (hoặc những người thừa kế của mẹ bà) có thể thực hiện các thủ tục để lấy lại nhà theo quy định tại Nghị quyết 1037. Cụ thể, phải thực hiện thủ tục thông báo trước cho bên thuê, mượn, ở nhờ nhà ở hoặc người đang quản lý, sử dụng nhà ở một khoảng thời gian và phải thanh toán cho người đó các khoản tiền liên quan đến việc cải tạo, sửa chửa, nâng cấp, v.v... Trong trường hợp đã thực hiện đúng và đầy đủ các thủ tục luật định mà người đang quản lý, sử dụng Căn nhà không trả lại nhà thì chị em bà có thể khởi kiện để yêu cầu Tòa án có thẩm quyền giải quyết.

      Mặt khác, nếu thuộc trường hợp đã có văn bản của cơ quan có thẩm quyền về việc quản lý, bố trí Căn nhà cho người khác sử dụng nhưng bà có căn cứ cho rằng quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình thì bà có thể thực hiện thủ tục khiếu nại, tố cáo đối với quyết định hành chính, hành vi hành đó (theo quy định của Luật khiếu nại, tố cáo). Tuy nhiên, cần lưu ý thời hiệu khiếu nại là 90 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định hành chính hoặc biết được có hành vi hành chính. Trong trường hợp vì ốm đau, thiên tai, địch hoạ, đi công tác, học tập ở nơi xa hoặc vì những trở ngại khách quan khác mà bà không thực hiện được quyền khiếu nại theo đúng thời hiệu, thì thời gian có trở ngại đó không tính vào thời hiệu khiếu nại.

      5. Theo Điều 1 Luật Khiếu nại, tố cáo thì công dân có quyền khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình (lưu ý phải còn thời hiệu khiếu nại như đã phân tích ở trên đây).

      Như vậy theo quy định nói trên, bà hoàn toàn có quyền khiếu nại quyết định hành chính trái pháp luật của người (hoặc cơ quan) có thẩm quyền ban hành khi có căn cứ cho rằng quyết định đó là trái pháp luật và xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của bà.

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn