Quyền và nghĩa vụ khi mang thai hộ là gì?

Chưa có bản dịch tiếng Anh của bài viết này, nhấn vào đây để quay về trang chủ tiếng Anh There is no English translation of this article. Click HERE to turn back English Homepage
Ngày hỏi: 09/02/2017

Chào luật sư! Tôi có một vấn đề muốn hỏi luật sư như sau: tôi có cô em gái lấy chồng được hơn 10 năm mà không thể có con. Do vậy em tôi có ý muốn nhờ tôi mang thai hộ vì mục đích giúp đỡ vợ chồng em ý chứ không phải vì mục đích nào khác. Tuy nhiên tôi muốn hỏi nếu tôi mang thai hộ vì mục đích nhân đạo thì tôi được nhận những quyền lợi gì theo quy định pháp luật và thỏa thuận mang thai hộ của tôi với em gái có cần công chứng?

    • Thứ nhất, về quyền và nghĩa vụ của bên mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.
      Theo quy định tại Điều 97 Luật hôn nhân và gia đình 2014 có quy định quyền, nghĩa vụ của bên mang thai hộ vì mục đích nhân đạo như sau:
      - Người mang thai hộ, chồng của người mang thai hộ có quyền, nghĩa vụ như cha mẹ trong việc chăm sóc sức khỏe sinh sản và chăm sóc, nuôi dưỡng con cho đến thời điểm giao đứa trẻ cho bên nhờ mang thai hộ; phải giao đứa trẻ cho bên nhờ mang thai hộ.
      - Người mang thai hộ phải tuân thủ quy định về thăm khám, các quy trình sàng lọc để phát hiện, điều trị các bất thường, dị tật của bào thai theo quy định của Bộ Y tế.
      - Người mang thai hộ được hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về lao động và bảo hiểm xã hội cho đến thời điểm giao đứa trẻ cho bên nhờ mang thai hộ. Trong trường hợp kể từ ngày sinh đến thời điểm giao đứa trẻ mà thời gian hưởng chế độ thai sản chưa đủ 60 ngày thì người mang thai hộ vẫn được hưởng chế độ thai sản cho đến khi đủ 60 ngày. Việc sinh con do mang thai hộ không tính vào số con theo chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình.
      - Bên mang thai hộ có quyền yêu cầu bên nhờ mang thai hộ thực hiện việc hỗ trợ, chăm sóc sức khỏe sinh sản.
      - Trong trường hợp vì lý do tính mạng, sức khỏe của mình hoặc sự phát triển của thai nhi, người mang thai hộ có quyền quyết định về số lượng bào thai, việc tiếp tục hay không tiếp tục mang thai phù hợp với quy định của pháp luật về chăm sóc sức khỏe sinh sản và sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản.
      - Trong trường hợp bên nhờ mang thai hộ từ chối nhận con thì bên mang thai hộ có quyền yêu cầu Tòa án buộc bên nhờ mang thai hộ nhận con.
      Theo đó, nếu bạn thực hiện việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo thì bạn được pháp luật ghi nhận một số quyền lợi rất có ích cho chính bạn như: “Được hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật, có quyền yêu cầu bên nhờ mang thai hộ thực hiện việc hỗ trợ, chăm sóc sức khỏe sinh sản...”.
      Thứ hai, về thỏa thuận mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.
      Theo quy định tại Khoản 2 Điều 96 Luật hôn nhân và gia đình 2014 có quy định như sau:
      “Điều 96. Thỏa thuận về mang thai hộ vì mục đích nhân đạo
      2. Thỏa thuận về việc mang thai hộ phải được lập thành văn bản có công chứng. Trong trường hợp vợ chồng bên nhờ mang thai hộ ủy quyền cho nhau hoặc vợ chồng bên mang thai hộ ủy quyền cho nhau về việc thỏa thuận thì việc ủy quyền phải lập thành văn bản có công chứng. Việc ủy quyền cho người thứ ba không có giá trị pháp lý.”
      Như vậy, khi bạn thỏa thuận việc mang thai hộ với em gái của mình thì phải được lập thành văn bản có công chứng theo quy định của pháp luật.

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn