Sau khi ly hôn vợ muốn đưa con định cư ở nước ngoài thì có cần sự đồng ý của chồng

Chưa có bản dịch tiếng Anh của bài viết này, nhấn vào đây để quay về trang chủ tiếng Anh There is no English translation of this article. Click HERE to turn back English Homepage
Ngày hỏi: 06/07/2020

Chào chuyên viên, tôi và chồng tôi đã ly hôn được hơn 1 năm có cùng một bé trai 8 tuổi hiện tôi đang nuôi dưỡng. Hiện nay công việc của tôi có chuyển sang làm việc tại nước ngoài và có tôi có hướng định cư nơi đó, tôi muốn mang con của mình theo cùng nhưng chồng trước không đồng ý. Trong trường hợp này, tôi nên giải quyết như thế nào?

    • Theo quy định tại Điều 83 Luật hôn nhân và gia đình 2014 thì nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ trực tiếp nuôi con đối với người không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn được quy định như sau:

      1. Cha, mẹ trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu người không trực tiếp nuôi con thực hiện các nghĩa vụ theo quy định tại Điều 82 của Luật này; yêu cầu người không trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình tôn trọng quyền được nuôi con của mình.

      2. Cha, mẹ trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình không được cản trở người không trực tiếp nuôi con trong việc thăm nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.

      Việc xuất cảnh của trẻ em dưới 14 tuổi quy định tại Khoản 3 Điều 15 Nghị định 136/2007/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 94/2015/NĐ-CP) về hồ sơ xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam như sau:

      Hồ sơ đề nghị cấp hộ chiếu (01 bộ):

      a) Đối với trường hợp trực tiếp nộp hồ sơ, nêu tại điểm a, điểm c khoản 1 Điều này:

      - Tờ khai đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông theo mẫu quy định.

      Đối với trẻ em dưới 14 tuổi thì cha, mẹ hoặc người giám hộ của trẻ em đó khai và ký vào tờ khai; nếu cha hoặc mẹ có nhu cầu cho con dưới 9 tuổi đi cùng hộ chiếu thì khai chung vào tờ khai của mình.

      - Bản sao giấy khai sinh của trẻ em dưới 14 tuổi.

      Khi nộp hồ sơ phải xuất trình giấy chứng minh nhân dân còn giá trị của người đề nghị cấp hộ chiếu để kiểm tra, đối chiếu; trường hợp ở nơi tạm trú thì xuất trình thêm sổ tạm trú do cơ quan có thẩm quyền cấp.

      Như vậy, việc bạn đưa con ra nước ngoài pháp luật không quy định bắt buộc cần phải có văn bản thể hiện sự đồng ý của chồng. Bạn hoàn toàn có thể tự mình điền vào tờ khai đề nghị cấp hộ chiếu cho con. Bản án, quyết định ly hôn của Tòa án là căn cứ để chứng minh quyền chăm sóc, nuôi dưỡng con của bạn, chứng tỏ việc có quyền đưa con ra nước ngoài cư trú.

      Tuy nhiên bạn có thể lưu ý rằng chồng bạn có thể yêu cầu về việc thay đổi quyền nuôi con tại Điều 84 Luật hôn nhân và gia đình 2014:

      1. Trong trường hợp có yêu cầu của cha, mẹ hoặc cá nhân, tổ chức được quy định tại khoản 5 Điều này, Tòa án có thể quyết định việc thay đổi người trực tiếp nuôi con.

      2. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con được giải quyết khi có một trong các căn cứ sau đây:

      a) Cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con;

      b) Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.

      3. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phải xem xét nguyện vọng của con từ đủ 07 tuổi trở lên.

      4. Trong trường hợp xét thấy cả cha và mẹ đều không đủ điều kiện trực tiếp nuôi con thì Tòa án quyết định giao con cho người giám hộ theo quy định của Bộ luật dân sự.

      5. Trong trường hợp có căn cứ theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều này thì trên cơ sở lợi ích của con, cá nhân, cơ quan, tổ chức sau có quyền yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con:

      a) Người thân thích;

      b) Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình;

      c) Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em;

      d) Hội liên hiệp phụ nữ.

      Trường hợp chồng bạn có đơn yêu cầu Tòa án về việc thay đổi quyền nuôi con sau khi ly hôn, chứng minh được rằng việc bạn đưa con sang nước ngoài sẽ hạn chế việc thăm nom, chăm sóc, ảnh hưởng đến sự phát triển của con thì có thể Tòa án sẽ thay đổi quyền nuôi con của bạn. Khi đó, bạn sẽ không thể đưa con sang nước ngoài được nữa.

      Trân trọng!

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn