Sống khác nơi đăng ký thường trú nhưng cùng một tỉnh thì có cần phải đăng ký tạm trú không?

Bấm vào đây để xem bản dịch tiếng Anh của bài viết này Click HERE to see the English translation of this article
Ngày hỏi: 26/11/2022

Sống khác nơi đăng ký thường trú nhưng cùng một tỉnh thì có cần phải đăng ký tạm trú không? Không đăng ký tạm trú bị xử phạt hành chính như thế nào? Hồ sơ và thủ tục đăng ký tạm trú như thế nào?

Chào Ban biên tập, tôi có vấn đề cần được giải đáp. Tôi đăng ký thường trú tại thành phố Hội An nhưng nơi làm việc của tôi là thành phố Tam Kỳ (cả 2 thành phố đều thuộc tỉnh Quảng Nam). Để tiện cho việc đi làm nên tôi có thuê trọ để ở thì cho tôi hỏi nếu sống khác nơi đăng ký thường trú nhưng trong một tỉnh thì có cần phải đăng ký tạm trú không?

Rất mong được Ban biên tập giải đáp, tôi cảm ơn.

    • Sống khác nơi đăng ký thường trú nhưng cùng một tỉnh thì có cần phải đăng ký tạm trú không?
      (ảnh minh họa)
    • 1. Sống khác nơi đăng ký thường trú nhưng cùng một tỉnh thì có cần phải đăng ký tạm trú không?

      Tại Điều 27 Luật cư trú 2020 quy định điều kiện đăng ký tạm trú như sau:

      1. Công dân đến sinh sống tại chỗ ở hợp pháp ngoài phạm vi đơn vị hành chính cấp xã nơi đã đăng ký thường trú để lao động, học tập hoặc vì mục đích khác từ 30 ngày trở lên thì phải thực hiện đăng ký tạm trú.

      2. Thời hạn tạm trú tối đa là 02 năm và có thể tiếp tục gia hạn nhiều lần

      3. Công dân không được đăng ký tạm trú mới tại chỗ ở quy định tại Điều 23 của Luật này.

      Như vậy, theo quy định trên dù có ở trong cùng một tỉnh mà bạn đăng ký thường trú tại Hội An và thuê trọ sinh sống để đi làm tại Tam Kỳ thì bạn vẫn phải đăng ký tạm trú (nếu như bạn sinh sống từ 30 ngày trở lên). Nếu bạn không đăng ký tạm trú thì bạn sẽ bị xử phạt hành chính.

      2. Không đăng ký tạm trú bị xử phạt hành chính như thế nào?

      Theo Khoản 1 Điều 9 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định vi phạm quy định về đăng ký và quản lý cư trú như sau:

      1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

      a) Không thực hiện đúng quy định về đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú, xóa đăng ký thường trú, xóa đăng ký tạm trú, tách hộ hoặc điều chỉnh thông tin về cư trú trong Cơ sở dữ liệu về cư trú;

      b) Không thực hiện đúng quy định về thông báo lưu trú, khai báo tạm vắng;

      c) Không xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, xác nhận thông tin về cư trú, giấy tờ khác liên quan đến cư trú theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.

      Căn cứ Khoản 2 Điều 4 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định mức phạt tiền như sau:

      2. Mức phạt tiền quy định tại Chương II Nghị định này là mức phạt được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

      Do đó, theo quy định trên khi bạn không đăng ký tạm trú theo quy định của pháp luật thì bạn sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng.

      3. Hồ sơ và thủ tục đăng ký tạm trú như thế nào?

      Tại Điều 28 Luật cư trú 2020 quy định hồ sơ, thủ tục đăng ký tạm trú, gia hạn tạm trú như sau:

      1. Hồ sơ đăng ký tạm trú bao gồm:

      a) Tờ khai thay đổi thông tin cư trú; đối với người đăng ký tạm trú là người chưa thành niên thì trong tờ khai phải ghi rõ ý kiến đồng ý của cha, mẹ hoặc người giám hộ, trừ trường hợp đã có ý kiến đồng ý bằng văn bản;

      b) Giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp.

      2. Người đăng ký tạm trú nộp hồ sơ đăng ký tạm trú đến cơ quan đăng ký cư trú nơi mình dự kiến tạm trú.

      Khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký tạm trú, cơ quan đăng ký cư trú kiểm tra và cấp phiếu tiếp nhận hồ sơ cho người đăng ký; trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ thì hướng dẫn người đăng ký bổ sung hồ sơ.

      Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thẩm định, cập nhật thông tin về nơi tạm trú mới, thời hạn tạm trú của người đăng ký vào Cơ sở dữ liệu về cư trú và thông báo cho người đăng ký về việc đã cập nhật thông tin đăng ký tạm trú; trường hợp từ chối đăng ký thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

      3. Trong thời hạn 15 ngày trước ngày kết thúc thời hạn tạm trú đã đăng ký, công dân phải làm thủ tục gia hạn tạm trú.

      Hồ sơ, thủ tục gia hạn tạm trú thực hiện theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này. Sau khi thẩm định hồ sơ, cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm cập nhật thông tin về thời hạn tạm trú mới của người đăng ký vào Cơ sở dữ liệu về cư trú và thông báo cho người đăng ký về việc đã cập nhật thông tin đăng ký tạm trú; trường hợp từ chối đăng ký thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

      Trên đây là hồ sơ và thủ tục để đăng ký tạm trú, bạn có thể tham khảo để có thể nắm rõ hơn những giấy tờ cần phải chuẩn bị.

      Trân trọng!

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn