Tài liệu đăng ký biện pháp bảo đảm được sử dụng tiếng nước ngoài hay không?

Bấm vào đây để xem bản dịch tiếng Anh của bài viết này Click HERE to see the English translation of this article
Ngày hỏi: 06/02/2023

Xin hỏi tôi sử dụng tài liệu bằng tiếng nước ngoài đăng ký biện pháp bảo đảm thế chấp quyền sử dụng đất được không? - Câu hỏi của Minh Tài (Quảng Bình).

    • Tài liệu đăng ký biện pháp bảo đảm được sử dụng tiếng nước ngoài hay không?

      Căn cứ Điều 7 Nghị định 99/2022/NĐ-CP quy định ngôn ngữ sử dụng trong đăng ký như sau:

      Ngôn ngữ sử dụng trong đăng ký, cung cấp thông tin

      1. Biểu mẫu, tài liệu và việc kê khai trong đăng ký, cung cấp thông tin phải được lập bằng tiếng Việt hoặc bằng cả tiếng Việt và tiếng nước ngoài trong trường hợp pháp luật có quy định.

      Trường hợp hồ sơ đăng ký có tài liệu bằng tiếng nước ngoài thì phải kèm theo bản dịch tiếng Việt có công chứng hoặc có chứng thực chữ ký người dịch, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này.

      Trường hợp tài liệu trong hồ sơ đăng ký, Phiếu yêu cầu cung cấp thông tin được lập bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài thì bản tiếng Việt được sử dụng để đăng ký, cung cấp thông tin.

      Trường hợp theo quy định của pháp luật liên quan, ngôn ngữ sử dụng trong đăng ký, cung cấp thông tin là cả tiếng Việt và tiếng nước ngoài mà tài liệu trong hồ sơ đăng ký, Phiếu yêu cầu cung cấp thông tin được lập theo hai ngôn ngữ này thì bản tiếng Việt và bản tiếng nước ngoài có giá trị sử dụng như nhau, nếu giữa hai bản này không thống nhất về nội dung thì sử dụng bản tiếng Việt.

      2. Trường hợp người yêu cầu đăng ký hoặc người yêu cầu cung cấp thông tin là người nước ngoài, tổ chức mang quốc tịch nước ngoài hoặc được thành lập theo quy định của pháp luật nước ngoài mà thông tin của chủ thể này không được viết bằng tiếng Anh hoặc bằng chữ Latinh khác thì kê khai theo họ, tên của cá nhân thể hiện trên hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu; tên của tổ chức thể hiện trên quyết định của cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp.

      3. Trường hợp tài sản bảo đảm có tên riêng không bằng tiếng Việt nhưng phù hợp với quy định của pháp luật liên quan của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc phù hợp với quyết định có hiệu lực pháp luật của cơ quan có thẩm quyền của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thì kê khai theo tên riêng của tài sản.

      4. Giấy tờ, tài liệu quy định tại Điều này không phải hợp pháp hóa lãnh sự.

      Như vậy, tài liệu đăng ký biện pháp bảo đảm có thể được lập bằng cả tiếng Việt và tiếng nước ngoài.

      (Hình từ Internet)

      Bên nhận thế chấp quyền sử dụng đất là công dân Việt Nam trở thành công dân nước ngoài có phải xoá đăng ký biện pháp bảo đảm không?

      Theo điểm k khoản 1 Điều 20 Nghị định 99/2022/NĐ-CP quy định các trường hợp xoá đăng ký biện pháp bảo đảm như sau:

      Xóa đăng ký

      1. Người yêu cầu đăng ký nộp hồ sơ xóa đăng ký khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

      ...

      k) Bên nhận thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất của cá nhân, hộ gia đình sử dụng đất là tổ chức kinh tế không phải là tổ chức tín dụng trở thành doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, là công dân Việt Nam trở thành công dân nước ngoài và không chuyển giao quyền nhận bảo đảm cho tổ chức, cá nhân khác có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trừ trường hợp Luật Đất đai, Luật Nhà ở, luật khác có liên quan quy định khác;

      Theo đó, bên nhận thế chấp quyền sử dụng đất là công dân Việt Nam trở thành công dân nước ngoài phải xoá đăng ký biện pháp bảo đảm.

      Quyền của người yêu cầu đăng ký biện pháp bảo đảm là gì?

      Tại khoản 1 Điều 9 Nghị định 99/2022/NĐ-CP quy định về quyền của người yêu cầu đăng ký biện pháp bảo đảm như sau:

      +) Nhận kết quả đăng ký, kết quả cung cấp thông tin; kiểm tra, đối chiếu thông tin được đăng ký, được cung cấp; đề nghị cơ quan đăng ký quy định tại khoản 2, khoản 3 hoặc khoản 5 Điều 10 Nghị định này cấp bản sao văn bản chứng nhận đăng ký đối với trường hợp đăng ký thuộc thẩm quyền của cơ quan này;

      +) Đề nghị cơ quan đăng ký trả lời bằng văn bản về việc từ chối đăng ký, từ chối hủy đăng ký, từ chối khôi phục việc đăng ký đã bị hủy hoặc từ chối cung cấp thông tin theo đúng quy định tại các điều 15, 18, 20, 21 hoặc 51 Nghị định này;

      +) Yêu cầu cơ quan đăng ký chỉnh lý thông tin có sai sót trong nội dung đã được đăng ký do lỗi của cơ quan đăng ký hoặc yêu cầu đăng ký thay đổi thông tin có sai sót do lỗi của người yêu cầu đăng ký;

      +) Sử dụng kết quả đăng ký, kết quả cung cấp thông tin để thực hiện quyền, nghĩa vụ hợp pháp của mình tại cơ quan, tổ chức có thẩm quyền; để xác lập, thực hiện giao dịch dân sự;

      +) Được miễn nghĩa vụ nộp phí, thanh toán giá dịch vụ, nghĩa vụ thanh toán khác trong trường hợp pháp luật về phí, lệ phí, pháp luật về giá, pháp luật khác có liên quan có quy định;

      +) Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện hoặc yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật liên quan trong trường hợp cơ quan đăng ký từ chối đăng ký, từ chối hủy đăng ký, từ chối khôi phục việc đăng ký đã bị hủy, từ chối cung cấp thông tin quy định tại điểm b khoản này hoặc từ chối thực hiện miễn nghĩa vụ nộp phí, thanh toán giá dịch vụ, nghĩa vụ thanh toán khác quy định tại điểm đ khoản này; đăng ký thay đổi, xóa đăng ký, hủy đăng ký hoặc khôi phục việc đăng ký đã bị hủy không có căn cứ quy định tại Nghị định này.

      Trân trọng!

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn