Tham gia vào công ty đa cấp làm sao để lấy lại tiền

Chưa có bản dịch tiếng Anh của bài viết này, nhấn vào đây để quay về trang chủ tiếng Anh There is no English translation of this article. Click HERE to turn back English Homepage
Ngày hỏi: 10/02/2017

Em tham gia công ty đa cấp Thiên Ngọc Minh Uy được hơn 1 tháng rồi ạ. Nhưng vì không có nhiều thời gian nên em muốn huỷ hợp đồng và lấy lại số tiền em đã phải đóng để mua máy khử độc ozon nhưng em chưa nhận máy. Em phải làm thế nào ạ? Mong nhận được tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật. Chân thành cảm ơn!

    • Hợp đồng dân sự là sự thoả thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự. Khi các bên giao kết hợp đồng thì việc thực hiện hợp đồng phải tuân theo các nguyên tắc sau đây (Điều 412 Bộ luật dân sự năm 2005):

      1. Thực hiện đúng hợp đồng, đúng đối tượng, chất lượng, số lượng, chủng loại, thời hạn, phương thức và các thoả thuận khác;

      2. Thực hiện một cách trung thực, theo tinh thần hợp tác và có lợi nhất cho các bên, bảo đảm tin cậy lẫn nhau;

      3. Không được xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền, lợi ích hợp pháp của người khác

      Như vậy, các bên có nghĩa vụ phải thực hiện theo những gì đã thỏa thuận trong hợp đồng. Để xác định cụ thể việc chị muốn hủy hợp đồng thì cần phải xem xét rõ nội dung hợp đồng, các điều khoản phạt hợp đồng nếu mỗi bên vi phạm. Nếu hai bên không có thỏa thuận về vấn đề này thì căn cứ quy định tại Điều 424, Bộ luật dân sự năm 2005 thì hợp đồng chấm dứt trong các trường hợp sau đây:

      1. Hợp đồng đã được hoàn thành;

      2. Theo thoả thuận của các bên;

      3. Cá nhân giao kết hợp đồng chết, pháp nhân hoặc chủ thể khác chấm dứt mà hợp đồng phải do chính cá nhân, pháp nhân hoặc chủ thể đó thực hiện;

      4. Hợp đồng bị hủy bỏ, bị đơn phương chấm dứt thực hiện;

      5. Hợp đồng không thể thực hiện được do đối tượng của hợp đồng không còn và các bên có thể thoả thuận thay thế đối tượng khác hoặc bồi thường thiệt hại;

      6. Các trường hợp khác do pháp luật quy định.

      Cụ thể trường hợp hủy bỏ hợp đồng dân sự được quy định tại Điều 425, Bộ luật dân sự năm 2005 như sau:

      “Điều 425. Hủy bỏ hợp đồng dân sự

      1. Một bên có quyền hủy bỏ hợp đồng và không phải bồi thường thiệt hại khi bên kia vi phạm hợp đồng là điều kiện hủy bỏ mà các bên đã thoả thuận hoặc pháp luật có quy định.

      2. Bên hủy bỏ hợp đồng phải thông báo ngay cho bên kia biết về việc hủy bỏ, nếu không thông báo mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.

      3. Khi hợp đồng bị hủy bỏ thì hợp đồng không có hiệu lực từ thời điểm giao kết và các bên phải hoàn trả cho nhau tài sản đã nhận; nếu không hoàn trả được bằng hiện vật thì phải trả bằng tiền.

      4. Bên có lỗi trong việc hợp đồng bị hủy bỏ phải bồi thường thiệt hại.”

      Cụ thể trường hợp đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng dân sự theo quy định Điều 426, Bộ luật dân sự năm 2005 như sau:

      “Điều 426. Đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng dân sự

      1. Một bên có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng nếu các bên có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định.

      2. Bên đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng phải thông báo ngay cho bên kia biết về việc chấm dứt hợp đồng, nếu không thông báo mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.

      3. Khi hợp đồng bị đơn phương chấm dứt thực hiện thì hợp đồng chấm dứt từ thời điểm bên kia nhận được thông báo chấm dứt. Các bên không phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ. Bên đã thực hiện nghĩa vụ có quyền yêu cầu bên kia thanh toán.

      4. Bên có lỗi trong việc hợp đồng bị đơn phương chấm dứt phải bồi thường thiệt hại.”

      Vì vậy, nếu chị muốn chấm dứt hợp đồng mà lấy lại số tiền chị đã đóng thì chị phải xem xét các điều khoản trong hợp đồng mà hai bên đã giao kết, bên công ty có vi phạm nghĩa vụ trong việc thực hiện hợp đồng để làm căn cứ hủy bỏ hợp đồng hoặc hai bên thương lượng với nhau về việc chị muốn đơn phương chấm dứt hợp đồng.

      Ngoài ra, Nếu công ty mà bạn đang ký hợp đồng vi phạm những hành vi bị cấm trong hoạt động bán hàng đa cấp theo quy định tại Điều 5 Nghị định 42/2014/NĐ-CP như sau:

      “Điều 5. Những hành vi bị cấm trong hoạt động bán hàng đa cấp

      1. Cấm doanh nghiệp bán hàng đa cấp thực hiện những hành vi sau đây:

      a) Yêu cầu người muốn tham gia bán hàng đa cấp phải đặt cọc hoặc đóng một khoản tiền nhất định dưới bất kỳ hình thức nào để được quyền tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp;

      b) Yêu cầu người muốn tham gia bán hàng đa cấp phải mua một số lượng hàng hóa dưới bất kỳ hình thức nào để được quyền tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp;

      c) Yêu cầu người tham gia bán hàng đa cấp phải trả thêm một khoản tiền dưới bất kỳ hình thức nào để được quyền duy trì, phát triển hoặc mở rộng mạng lưới bán hàng đa cấp của mình;

      d) Hạn chế một cách bất hợp lý quyền phát triển mạng lưới của người tham gia bán hàng đa cấp dưới bất kỳ hình thức nào;

      đ) Cho người tham gia bán hàng đa cấp nhận tiền hoa hồng, tiền thưởng, lợi ích kinh tế khác từ việc dụ dỗ người khác tham gia bán hàng đa cấp;

      e) Từ chối chi trả không có lý do chính đáng các khoản hoa hồng, tiền thưởng hay các lợi ích kinh tế khác mà người tham gia bán hàng đa cấp có quyền hưởng;

      g) Yêu cầu người tham gia bán hàng đa cấp phải tuyển dụng mới hoặc gia hạn hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp với một số lượng nhất định người tham gia bán hàng đa cấp để được quyền hưởng hoa hồng, tiền thưởng hoặc các lợi ích kinh tế khác;

      h) Yêu cầu người tham gia hội nghị, hội thảo, khóa đào tạo về một trong các nội dung quy định tại Khoản 8 Điều 3 Nghị định này phải trả tiền hoặc phí dưới bất kỳ hình thức nào, trừ chi phí hợp lý để mua tài liệu đào tạo;

      i) Ép buộc người tham gia bán hàng đa cấp phải tham gia các hội nghị, hội thảo, khóa đào tạo về các nội dung không được quy định tại Khoản 8 Điều 3 Nghị định này;

      k) Yêu cầu người tham gia hội nghị, hội thảo, khóa đào tạo về các nội dung không được quy định tại Khoản 8 Điều 3 Nghị định này phải trả tiền hoặc phí cao hơn mức chi phí hợp lý để thực hiện hoạt động đó;

      l) Thu phí cấp, đổi thẻ thành viên theo quy định tại Khoản 1 và Khoản 3 Điều 21 Nghị định này dưới bất kỳ hình thức nào;

      m) Không cam kết cho người tham gia bán hàng đa cấp trả lại hàng hóa và nhận lại khoản tiền đã chuyển cho doanh nghiệp theo quy định tại Điều 26 Nghị định này;

      n) Cản trở người tham gia bán hàng đa cấp trả lại hàng hóa theo quy định tại Điều 26 Nghị định này;

      o) Cung cấp thông tin sai lệch hoặc gây nhầm lẫn về lợi ích của việc tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp, về tính chất, công dụng của hàng hóa, về hoạt động của doanh nghiệp bán hàng đa cấp để dụ dỗ người khác tham gia bán hàng đa cấp;

      p) Duy trì nhiều hơn một vị trí kinh doanh đa cấp, hợp đồng bán hàng đa cấp, mã số kinh doanh đa cấp hoặc các hình thức khác tương đương đối với cùng một người tham gia bán hàng đa cấp;

      q) Kinh doanh theo mô hình kim tự tháp;

      r) Mua bán hoặc chuyển giao mạng lưới người tham gia bán hàng đa cấp cho doanh nghiệp khác trừ trường hợp mua lại, hợp nhất hoặc sáp nhập doanh nghiệp;

      s) Yêu cầu, xúi giục người tham gia bán hàng đa cấp thực hiện hành vi bị cấm được quy định tại Khoản 2 Điều này.

      2. Cấm người tham gia bán hàng đa cấp thực hiện những hành vi sau đây:

      a) Yêu cầu người muốn tham gia bán hàng đa cấp phải trả một khoản tiền nhất định, nộp tiền đặt cọc hoặc phải mua một lượng hàng hóa nhất định dưới bất kỳ hình thức nào để được quyền tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp;

      b) Cung cấp thông tin sai lệch hoặc gây nhầm lẫn về lợi ích của việc tham gia bán hàng đa cấp, tính chất, công dụng của hàng hóa, hoạt động của doanh nghiệp bán hàng đa cấp để dụ dỗ người khác tham gia bán hàng đa cấp;

      c) Tổ chức các buổi hội thảo, hội nghị khách hàng, hội thảo giới thiệu sản phẩm, đào tạo mà không được doanh nghiệp bán hàng đa cấp ủy quyền bằng văn bản;

      d) Lôi kéo, dụ dỗ, mua chuộc người tham gia bán hàng đa cấp của doanh nghiệp khác tham gia vào mạng lưới của doanh nghiệp mà mình đang tham gia;

      đ) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, địa vị xã hội để yêu cầu người khác tham gia vào mạng lưới bán hàng đa cấp hoặc mua hàng hóa kinh doanh theo phương thức đa cấp.”

      Nếu phát hiện ra những hành vi trên thì bạn có thể trình báo tới cục quản lý cạnh tranh hoặc cơ quản bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 36 Nghị định 71/2014/NĐ-CP và Điều 92 Nghị định 185/2013/NĐ-CP.

      Trên đây là tư vấn về việc lấy lại tiền khi tham gia vào công ty đa cấp. Bạn nên tham khảo chi tiết Nghị định 185/2013/NĐ-CP để nắm rõ quy định này.

      Trân trọng!

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn