Thay đổi dân tộc theo cha mẹ nuôi thì có cần đổi lại căn cước công dân?

Bấm vào đây để xem bản dịch tiếng Anh của bài viết này Click HERE to see the English translation of this article
Ngày hỏi: 15/12/2022

Thay đổi dân tộc theo cha mẹ nuôi thì có cần đổi lại căn cước công dân? Có được làm căn cước công dân tại cơ quan công an không phải là nơi thường trú? Việc thu hồi, tạm giữ thẻ Căn cước công dân được quy định như thế nào?

Chào anh chị, cho em hỏi em gia đình em có nhận một đứa bé năm nay 15 tháng tuổi làm con nuôi, cháu đã được cấp căn cước công dân. Vậy trong trường hợp gia đình nhận cháu làm con nuôi thì có cần đổi lại căn cước công dân của cháu hay không?

Nhờ anh chị tư vấn, cảm ơn anh chị đã hỗ trợ.

 

    • Thay đổi dân tộc theo cha mẹ nuôi thì có cần đổi lại căn cước công dân?

      Tại Điều 29 Bộ luật dân sự 2015 có quy định về quyền xác định, xác định lại dân tộc như sau:

      1. Cá nhân có quyền xác định, xác định lại dân tộc của mình.

      2. Cá nhân khi sinh ra được xác định dân tộc theo dân tộc của cha đẻ, mẹ đẻ. Trường hợp cha đẻ, mẹ đẻ thuộc hai dân tộc khác nhau thì dân tộc của con được xác định theo dân tộc của cha đẻ hoặc mẹ đẻ theo thỏa thuận của cha đẻ, mẹ đẻ; trường hợp không có thỏa thuận thì dân tộc của con được xác định theo tập quán; trường hợp tập quán khác nhau thì dân tộc của con được xác định theo tập quán của dân tộc ít người hơn.

      Trường hợp trẻ em bị bỏ rơi, chưa xác định được cha đẻ, mẹ đẻ và được nhận làm con nuôi thì được xác định dân tộc theo dân tộc của cha nuôi hoặc mẹ nuôi theo thỏa thuận của cha mẹ nuôi. Trường hợp chỉ có cha nuôi hoặc mẹ nuôi thì dân tộc của trẻ em được xác định theo dân tộc của người đó.

      Trường hợp trẻ em bị bỏ rơi, chưa xác định được cha đẻ, mẹ đẻ và chưa được nhận làm con nuôi thì được xác định dân tộc theo đề nghị của người đứng đầu cơ sở nuôi dưỡng trẻ em đó hoặc theo đề nghị của người đang tạm thời nuôi dưỡng trẻ em vào thời điểm đăng ký khai sinh cho trẻ em.

      3. Cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định lại dân tộc trong trường hợp sau đây:

      a) Xác định lại theo dân tộc của cha đẻ hoặc mẹ đẻ trong trường hợp cha đẻ, mẹ đẻ thuộc hai dân tộc khác nhau;

      b) Xác định lại theo dân tộc của cha đẻ hoặc mẹ đẻ trong trường hợp con nuôi đã xác định được cha đẻ, mẹ đẻ của mình.

      4. Việc xác định lại dân tộc cho người từ đủ mười lăm tuổi đến dưới mười tám tuổi phải được sự đồng ý của người đó.

      5. Cấm lợi dụng việc xác định lại dân tộc nhằm mục đích trục lợi hoặc gây chia rẽ, phương hại đến sự đoàn kết của các dân tộc Việt Nam.

      Tại Điều 23 Luật Căn cước công dân 2014 có quy định về các trường hợp đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân như sau:

      1. Thẻ Căn cước công dân được đổi trong các trường hợp sau đây:

      a) Các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 21 của Luật này;

      b) Thẻ bị hư hỏng không sử dụng được;

      c) Thay đổi thông tin về họ, chữ đệm, tên; đặc điểm nhân dạng;

      d) Xác định lại giới tính, quê quán;

      đ) Có sai sót về thông tin trên thẻ Căn cước công dân;

      e) Khi công dân có yêu cầu.

      2. Thẻ Căn cước công dân được cấp lại trong các trường hợp sau đây:

      a) Bị mất thẻ Căn cước công dân;

      b) Được trở lại quốc tịch Việt Nam theo quy định của Luật quốc tịch Việt Nam.

      Theo đó, trong trường hợp thay đổi dân tộc theo cha mẹ nuôi thì công dân có thể yêu cầu cấp lại thẻ căn cước công dân. Pháp luật không bắt buộc phải đổi lại căn cước trong trường hợp này.

      Nguồn: Internet

      Có được làm căn cước công dân tại cơ quan công an không phải là nơi thường trú?

      Tại Điều 26 Luật Căn cước công dân 2014 có quy định về nơi làm thủ tục cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân như sau:

      Công dân có thể lựa chọn một trong các nơi sau đây để làm thủ tục cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân:

      1. Tại cơ quan quản lý căn cước công dân của Bộ Công an;

      2. Tại cơ quan quản lý căn cước công dân của Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;

      3. Tại cơ quan quản lý căn cước công dân của Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và đơn vị hành chính tương đương;

      4. Cơ quan quản lý căn cước công dân có thẩm quyền tổ chức làm thủ tục cấp thẻ Căn cước công dân tại xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị hoặc tại chỗ ở của công dân trong trường hợp cần thiết.

      Theo đó, pháp luật không bắt buộc công dân phải làm căn cước tại nơi thường trú, công dân có thể làm căn cước công dân tại các cơ quan trên.

      Việc thu hồi, tạm giữ thẻ Căn cước công dân được quy định như thế nào?

      Tại Điều 28 Luật Căn cước công dân 2014 có quy định về thu hồi, tạm giữ thẻ Căn cước công dân như sau:

      1. Thẻ Căn cước công dân bị thu hồi trong trường hợp công dân bị tước quốc tịch, thôi quốc tịch Việt Nam hoặc bị hủy bỏ quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam.

      2. Thẻ Căn cước công dân bị tạm giữ trong trường hợp sau đây:

      a) Người đang chấp hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;

      b) Người đang bị tạm giữ, tạm giam, chấp hành án phạt tù.

      3. Trong thời gian bị tạm giữ thẻ Căn cước công dân, công dân được cơ quan tạm giữ thẻ Căn cước công dân cho phép sử dụng thẻ Căn cước công dân của mình để thực hiện giao dịch theo quy định của pháp luật.

      Công dân được trả lại thẻ Căn cước công dân khi hết thời hạn tạm giữ, tạm giam, chấp hành xong án phạt tù, chấp hành xong quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.

      4. Thẩm quyền thu hồi, tạm giữ thẻ Căn cước công dân:

      a) Cơ quan quản lý căn cước công dân có thẩm quyền thu hồi thẻ Căn cước công dân trong trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này;

      b) Cơ quan thi hành lệnh tạm giữ, tạm giam, cơ quan thi hành án phạt tù, thi hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc có thẩm quyền tạm giữ thẻ Căn cước công dân trong trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

      Như vậy, việc thu hồi, tạm giữ thẻ Căn cước công dân sẽ được thực hiện theo quy định trên.

      Trân trọng!

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn