Thủ tục giải quyết ly hôn đối với một bên mắc bệnh tâm thần

Chưa có bản dịch tiếng Anh của bài viết này, nhấn vào đây để quay về trang chủ tiếng Anh There is no English translation of this article. Click HERE to turn back English Homepage
Ngày hỏi: 30/08/2016
Thủ tục giải quyết ly hôn đối với một bên mắc bệnh tâm thần
    • Về căn cứ cho ly hôn được quy định tại Luật Hôn nhân và gia đình Tòa án căn cứ để giải quyết như sau: Tòa án xem xét yêu cầu ly hôn, nếu xét thấy tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được, thì Tòa án quyết định cho ly hôn. Nhưng chúng ta biết rằng người bị bệnh tâm thần là người không có khả năng nhận thức, không làm chủ được hành vi của mình. Do đó khi có một bên có yêu cầu ly hôn thì có thể giải quyết ly hôn thông qua một trong các thủ tục sau:

      Cơ sở pháp lý

      -Luật hôn nhân và gia đình năm 2014

      -Bộ luật dân sự 2005

      -Bộ luật tố tụng dân sự 2004 sửa đổi, bổ sung 2011

      -Nghị quyết 05/2012/NQ-HĐTP Hướng dẫn thi hành một số quy định trong Phần thứ hai “Thủ tục giải quyết vụ án tại Tòa án cấp sơ thẩm” của Bộ Luật Tố tụng dân sự đã được sửa đổi theo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật Tố tụng dân sự

      Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ.

      Một người được coi là mất năng lực hành vi dân sự khi thuộc quy định tại Điều 22 BLDS 2005 như sau:

      Khi một người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan, Toà án ra quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận của tổ chức giám định.

      Như vậy, trong trường hợp người bị mất năng lực hành vi dân sự là nạn nhân của bạo lực gia đình làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ thì cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn cho họ.

      Trường hợp họ chỉ mất năng lực hành vi dân sự mà không phải nạn nhân của bạo lực gia đình thì việc ly hôn được giải quyết theo quy định của bộ luật tố tụng dân sự như sau:

      Theo quy định tại khoản 3 Điều 73 BLTTDS quy định người mất năng lực hành vi dân sự không được ủy quyền cho người khác thay mặt mình tham gia tố tụng: "Người đại diện theo uỷ quyền được quy định trong Bộ luật dân sự là người đại diện theo uỷ quyền trong tố tụng dân sự; đối với việc ly hôn, đương sự không được uỷ quyền cho người khác thay mặt mình tham gia tố tụng”.

      Tuy nhiên, Nghị quyết 05/2012/NQ-HĐTP quy định về quyền khởi kiện đối với người mất năng lực hành vi dân sự như sau:

      Đối với cá nhân là người chưa thành niên (trừ trường hợp được hướng dẫn tại khoản 2 Điều này), người mất năng lực hành vi dân sự, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, thì người đại diện hợp pháp của họ (đại diện theo pháp luật) có thể tự mình hoặc nhờ người khác làm hộ đơn khởi kiện vụ án. Tại mục tên, địa chỉ của người khởi kiện trong đơn phải ghi họ tên, địa chỉ của người đại diện hợp pháp của cá nhân đó. Đồng thời, ở phần cuối đơn, người đại diện hợp pháp đó phải ký tên hoặc điểm chỉ.

      Người đại diện theo pháp luật của người bị mất năng lực hành vi dân sự là người giám hộ theo quy định tại Điều 141 BLDS.

      Như vậy, người mất năng lực hành vi dân sự có thể thông qua người giám hộ của mình để thực hiện việc ly hôn. Để xác định được quyền khởi kiện trong trường hợp này thì việc đầu tiên là phải yêu cầu Tòa án tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự.

      Khoản 2 Điều 35 BLTTDS sửa đổi, bổ sung 2011 quy định về thẩm quyền giải quyết theo lãnh thổ của Tòa án trong trường hợp này là Tòa án nhân dân cấp huyện nơi người bị tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự đang cư trú: Tòa án nơi người bị yêu cầu tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự cư trú, làm việc có thẩm quyền giải quyết yêu cầu tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự;

      Về thủ tục tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự:

      * Nộp hồ sơ yêu cầu tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự

      Hồ sơ gồm:

      - Đơn yêu cầu Toà án tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự

      - Kết luận của cơ quan chuyên môn và các chứng cứ khác để chứng minh người đó bị bệnh tâm thần

      - Bản sao có chứng thực chứng minh nhân dân của người yêu cầu

      -Bản sao có chứng thực sổ hộ khẩu hoặc giấy tờ chứng minh nơi cư trú của người bị tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự

      * Chuẩn bị và xét đơn yêu cầu

      Thời hạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu không quá 30 ngày kể từ ngày thụ lý đơn yêu cầu, hết thời hạn này Tòa án phải ra quyết định mở phiên họp xét đơn yêu cầu.

      Theo đề nghị của đương sự, Toà án có thể trưng cầu giám định sức khoẻ, bệnh tật của người bị yêu cầu tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự. Trong trường hợp này, khi nhận được kết luận giám định Toà án phải ra quyết định mở phiên họp để xét đơn yêu cầu.

      Trong trường hợp chấp nhận đơn yêu cầu thì Toà án ra quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự

      Sau khi đã có quyết định tuyên một người mất năng lực hành vi dân sự thì cần xác lập người giám hộ cho người mất năng lực hành vi dân sự theo quy định tại Điều 63 BLDS:

      Trong trường hợp người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự không có người giám hộ đương nhiên theo quy định tại Điều 61 và Điều 62 của Bộ luật này thì Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi cư trú của người được giám hộ có trách nhiệm cử người giám hộ hoặc đề nghị một tổ chức đảm nhận việc giám hộ.

      Trong trường hợp vợ mất năng lực hành vi dân sự thì chồng là người giám hộ; nếu chồng mất năng lực hành vi dân sự thì vợ là người giám hộ.

      Điều kiện của cá nhân làm người giám hộ:

      1. Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;

      2. Có tư cách đạo đức tốt; không phải là người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc người bị kết án nhưng chưa được xoá án tích về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản của người khác;

      3. Có điều kiện cần thiết bảo đảm thực hiện việc giám hộ.

      Thủ tục cử người giám hộ

      1. Việc cử người giám hộ phải được lập thành văn bản, trong đó ghi rõ lý do cử người giám hộ, quyền, nghĩa vụ cụ thể của người giám hộ, tình trạng tài sản của người được giám hộ.

      2. Việc cử người giám hộ phải được sự đồng ý của người được cử làm người giám hộ.

      Về thủ tục ly hôn: Người giám hộ thực hiện thủ tục ly hôn thay cho người được giám hộ theo quy định của pháp luật.

      Ly hôn trong trường hợp người bị bệnh tâm thần là người khởi kiện: Vấn đề đặt ra ở đây người bị bệnh không phải là chấm dứt hôn nhân vì họ đã bị bệnh tâm thần nên không có khả năng nhận thức, không làm chủ được hành vi của mình nên họ không thể biết việc ly hôn là thế nào, cuộc sống của họ hoàn toàn lệ thuộc vào người khác nên việc giải quyết ly hôn là để được giải quyết phần tài sản chung của vợ chồng nhằm đáp ứng cuộc sống của họ (Vì trong thực tế có một số trường hợp khi một bên bị bệnh tâm thần thì phía bên vợ hoặc bên chồng bình thường không quan tâm, không có trách nhiệm gì hoặc đối xử không tốt với người chồng hoặc người vợ mất năng lực hành vi dân sự và có thể họ còn khai thác tài sản chung của vợ chồng cho những lợi ích riêng của riêng mình).

      Việc giải quyết ly hôn của họ ở đây sẽ được thông qua người giám hộ, đại diện như trường hợp trên, người bị bệnh tâm thần là nguyên đơn do người đại diện thực hiện.

      Về chia tài sản chung của vợ chồng theo quy định tại khoản 2 Điều 27 BLTTDS: “Tranh chấp về tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân”. Vậy người đại diện cho người mất năng lực hành vi dân sự có thể đại diện cho họ để khởi kiện chia tài sản chung theo thủ tục người đại diện, vì ở đây không giải quyết về hôn nhân nên không liên quan đến quyền nhân thân (mà họ không được chuyển giao), Tòa án chỉ giải quyết về việc chia tài sản chung, thực hiện thông qua người đại diện và để tránh xung đột, đối lập về quyền lợi thì Tòa án có thể chỉ định người đại diện theo quy định tại khoản 3 Điều 141 BLTTDS. Việc giải quyết vụ án về tranh chấp tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân được giải quyết theo thủ tục chung được quy định ở BLTTDS mà vẫn đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho người vợ hoặc người chồng bị mất năng lực hành vi dân sự.

      Luật gia Đồng Xuân Thuận

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn