Thủ tục kêu oan thế nào?

Chưa có bản dịch tiếng Anh của bài viết này, nhấn vào đây để quay về trang chủ tiếng Anh There is no English translation of this article. Click HERE to turn back English Homepage
Ngày hỏi: 09/02/2017

Tôi cho rằng con trai bị kết án oan 7 năm tù với cáo buộc cố ý gây thương tích thì phải gửi đơn đến cơ quan nào để tố cáo?

    • Hiện tại pháp luật chưa có văn bản nào quy định cụ thể thủ tục kêu oan khi phát hiện có dấu hiệu “oan sai”. Do đó, khi phát hiện có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong việc xử lý vụ án hoặc có tình tiết mới làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án hoặc quyết định mà tòa án không biết được khi ra bản án hoặc quyết định đó, người bị kết án hoặc thân nhân, những người biết sự việc… có thể làm đơn xin giám đốc thẩm hoặc tái thẩm gửi đến cơ quan có thẩm quyền đề nghị cơ quan này xem xét lại bản án của tòa án đã có hiệu lực pháp luật.

      Thủ tục giám đốc thẩm được quy định cụ thể tại chương XXX Bộ luật Tố tụng hình sự 2003 như sau:

      “Điều 272: Tính chất của giám đốc thẩm

      Giám đốc thẩm là xét lại bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị vì phát hiện có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong xử lý vụ án.

      Điều 273: Căn cứ để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm

      Bản án hoặc quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, khi có một trong những căn cứ sau đây:

      1. Việc điều tra xét hỏi tại phiên tòa phiến diện hoặc không đầy đủ;

      2. Kết luận trong bản án hoặc quyết định không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án;

      3. Có sự vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong khi điều tra, truy tố hoặc xét xử;

      4. Có những sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng Bộ luật hình sự.

      Điều 274: Phát hiện bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật cần xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm

      Người bị kết án, cơ quan, tổ chức và mọi công dân có quyền phát hiện những vi phạm pháp luật trong các bản án và quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật và thông báo cho những người có quyền kháng nghị quy định tại Điều 275 của Bộ luật này.

      Trong trường hợp phát hiện thấy những vi phạm pháp luật trong bản án hoặc quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật, Viện kiểm sát, Tòa án phải thông báo cho người có quyền kháng nghị quy định tại Điều 275 của Bộ luật này.

      Điều 275: Những người có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm

      1. Chánh án TAND Tối cao và Viện trưởng VKSND Tối cao có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật của tòa án các cấp, trừ quyết định của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao.

      2. Chánh án Tòa án quân sự trung ương và Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự trung ương có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án quân sự cấp dưới.

      3. Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Chánh án Tòa án quân sự cấp quân khu và Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án cấp dưới.

      Điều 278: Thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm

      1. Việc kháng nghị theo hướng không có lợi cho người bị kết án chỉ được tiến hành trong thời hạn một năm, kể từ ngày bản án hoặc quyết định có hiệu lực pháp luật.

      2. Việc kháng nghị theo hướng có lợi cho người bị kết án có thể được tiến hành bất cứ lúc nào, kể cả trường hợp người bị kết án đã chết mà cần minh oan cho họ.

      3. Việc kháng nghị về dân sự trong vụ án hình sự đối với nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án được tiến hành theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự…”.

      Thủ tục tái thẩm được quy định tại chương XXXI Bộ luật Tố tụng hình sự 2003 như sau:

      “Điều 290: Tính chất của tái thẩm

      Thủ tục tái thẩm được áp dụng đối với bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị vì có những tình tiết mới được phát hiện có thể làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án hoặc quyết định mà Tòa án không biết được khi ra bản án hoặc quyết định đó.

      Điều 291: Những căn cứ để kháng nghị theo thủ tục tái thẩm

      Những tình tiết được dùng làm căn cứ để kháng nghị tái thẩm là:

      1. Lời khai của người làm chứng, kết luận giám định, lời dịch của người phiên dịch có những điểm quan trọng được phát hiện là không đúng sự thật;

      2. Điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán, Hội thẩm đã có kết luận không đúng làm cho vụ án bị xét xử sai;

      3. Vật chứng, biên bản điều tra, biên bản các hoạt động tố tụng khác hoặc những tài liệu khác trong vụ án bị giả mạo hoặc không đúng sự thật;

      4. Những tình tiết khác làm cho việc giải quyết vụ án không đúng sự thật.

      Điều 292: Thông báo và xác minh những tình tiết mới được phát hiện

      1. Người bị kết án, cơ quan, tổ chức và mọi công dân có quyền phát hiện những tình tiết mới của vụ án và báo cho Viện kiểm sát hoặc Tòa án. Viện trưởng Viện kiểm sát có thẩm quyền kháng nghị tái thẩm ra quyết định xác minh những tình tiết đó.

      2. Nếu có một trong những căn cứ quy định tại Điều 291 của Bộ luật này thì Viện trưởng Viện kiểm sát ra quyết định kháng nghị tái thẩm và chuyển hồ sơ vụ án cho tòa án có thẩm quyền. Nếu không có căn cứ thì Viện trưởng Viện kiểm sát trả lời cho cơ quan, tổ chức hoặc người đã phát hiện biết rõ lý do của việc không kháng nghị.

      Điều 293: Những người có quyền kháng nghị theo thủ tục tái thẩm

      1. Viện trưởng VKSND Tối cao có quyền kháng nghị theo thủ tục tái thẩm đối với những bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án các cấp, trừ quyết định của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao.

      2. Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự trung ương có quyền kháng nghị theo thủ tục tái thẩm đối với những bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án quân sự cấp dưới.

      3. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh có quyền kháng nghị theo thủ tục tái thẩm đối với những bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp huyện. Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu có quyền kháng nghị theo thủ tục tái thẩm đối với những bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án quân sự khu vực.

      4. Bản kháng nghị của những người quy định tại Điều này phải được gửi cho người bị kết án và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc kháng nghị.

      Điều 295. Thời hạn kháng nghị theo thủ tục tái thẩm

      1. Tái thẩm theo hướng không có lợi cho người bị kết án phải tiến hành trong thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 23 của Bộ luật hình sự và thời hạn kháng nghị không được quá một năm, kể từ ngày Viện kiểm sát nhận được tin báo về tình tiết mới được phát hiện.

      2. Tái thẩm theo hướng có lợi cho người bị kết án thì không hạn chế về thời gian và được tiến hành trong cả trường hợp người bị kết án đã chết mà cần minh oan cho họ.

      3. Việc kháng nghị về dân sự trong vụ án hình sự đối với nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án được tiến hành theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự…”.

      Với trường hợp của gia đình bạn, nếu cho rằng phát hiện ra những vi phạm pháp luật trong các bản án và quyết định đã có hiệu lực pháp luật của tòa án đã tuyên đối với con mình thì có thể làm đơn xin giám đốc thẩm.

      Còn trong trường hợp phát hiện những tình tiết mới có thể làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án hoặc quyết định mà cho rằng tòa án không biết được khi ra bản án hoặc quyết định đó thì có thể làm đơn xin tái thẩm gửi đến các cơ quan có thẩm quyền theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự 2003 vừa trích dẫn ở trên.

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn