Tình huống về giá trị pháp lý của giao dịch dân sự khi một bên tạm thời bị hạn chế năng lực hành vi dân sự

Chưa có bản dịch tiếng Anh của bài viết này, nhấn vào đây để quay về trang chủ tiếng Anh There is no English translation of this article. Click HERE to turn back English Homepage
Ngày hỏi: 30/08/2016
Tại nhà chị Mai, chị Mai đang ngồi làm việc nhà thì Anh Hùng bước vào nhà chị Mai (tay cầm tờ giấy) Hùng : Anh Hoàng có nhà không vậy ? Chị Mai : Ơ chú Hùng, sao hôm nay chú sang sớm thế, đến chiều hai anh em mới đi ăn cưới mà, anh nhà chị hôm qua cũng chạy sô hai cái đám cưới, say khướt suốt từ hôm qua đến giờ vẫn chưa có tỉnh, còn vẫn đang ngủ trên nhà kia, chú vào đây ngồi chơi đã nào... Hùng : Chị à, khổ thế đấy, cứ mỗi khi có chuyện là em lại thao thức cả đêm chẳng ngủ được, mong cho trời sáng để còn giải quyết cho xong chị ạ. Chị Mai ạ, hôm nay em sang đây cũng có chuyện muốn thưa với anh chị, chả là mảnh đất mà bố để lại cho vợ chồng anh chị và vợ chồng em, thực lòng mà nói vợ chồng em cũng muốn gìn giữ cho các cháu sau này, nhưng khốn nỗi dạo này làm ăn bết bát quá ! Suy đi tính lại vợ chồng em quyết định bán mảnh đất đó cho một công ty xây dựng ở tỉnh về, họ trả giá rất cao, tiền bán đất thì anh chị với vợ chồng em mỗi người một nửa cũng là một khoản khá lắm. Chị Mai : Chú Hùng này, chuyện này tôi tưởng vợ chồng tôi đã dứt khoát với chú rồi chứ nhỉ ? Miếng đất đó khi bố mất bố để lại cho vợ chồng chú và vợ chồng tôi là đất của dòng họ, anh chị muốn giữ nó lại cho thằng Tít sau này nó làm chỗ thờ cúng tổ tiên, anh chị nói chú mãi rồi, chú không giữ lại phần đất của chú thì thôi, nhưng phần đất của anh chị thì chú cứ để đấy cho anhchị. Hùng : Thì chị để em nói hết đã, chị biết đấy, em cũng muốn là chỉ bán phần của em còn phần của anh chị em không đụng chạm đến cho đỡ phiền toái, Nhưng khốn nỗi người ta chỉ muốn mua toàn bộ mảnh đất đó, không chỉ thế họ sẵn sàng trả cao hơn mọi người, chỉ một phần của em thì bán không được giá, thậm chí họ còn đánh tiếng là không mua nữa... anh chị xem xét lại giúp em đi, gía cao hơn giá thị trường bình thường, mà thời buổi kinh tế khó khăn thế này,thú thật là vợ chồng em cũng đang cần tiền để trả gấp mấy món nợ ... Chị Mai : Thôi chú đừng mất công nữa, chú lại chơi cờ bạc rồi nợ nần chứ gì, tôi đã nói với chú bao nhiêu lần rồi, chú phá nó vừa vừa thôi, đến cả mảnh đất của bố chú cũng không giữ nốt thì làm sao còn mặt mũi nào nhìn tiên tổ nữa. Hùng : Chị làm gì mà căng thẳng thế, xỉ vả em như thế đã đủ chưa ?! Làm gì thì cũng một vừa hai phải thôi, thấy người ta nhún nhường thì lại được nước lấn tới là sao ?! Em là em muốn mọi chuyện đều đồng thuận cho vui vẻ thì em nhẹ nhàng với chị thôi, giờ chị nói thế này thì em cũng không cần phải khách sáo với chị nữa. Hôm qua anh Tùng nhà chị đã ký giấy đồng ý ủy quyền mua bán mảnh đất chung ấy cho em rồi, bây giờ quyền mua bán như thế nào là do em quyết định, em sang báo cho chị biết .... Chị Mai: (lắp bắp) : Cái..cái..cái gì cớ, lại có chuyện như thế nữa cơ à ?!... Không thể nào, nhà tôi không đời nào làm thế. Không thể nào có chuyện ông ấy ký gì cho chú được. Hùng : Chị lại không tưởng tượng ra chứ gì, không tin chị xem đi, giấy trắng mực đen rõ ràng đây này. ( Đưa giấy cho xem ) Tiện đây tôi cũng nói để chị biết nhé, đất đai là của dòng họ nhà tôi, anh em tôi là người có quyền quyết định mọi chuyện, chị là dâu trong nhà, khi chưa có yêu cầu thì đừng có mà lên tiếng ! Chị Mai : Không đúng, ông Tùng nhà tôi không bao giờ làm thế này, mà hôm qua ông ấy đi đám cưới say khướt cơ mà, chắc chắn là chú sang nhà lúc không có tôi nên ngon ngọt với ông ý để ông ý ký giấy lúc say chứ gì. Tờ giấy này không có giá trị pháp lý gì cả. Hùng : Thì đã sao nào ?! Tôi không cần biết, giấy trắng mực đen rõ ràng, ủy quyền là ủy quyền, từ giờ quyền mua bán tôi đã được ủy quyền rõ ràng. Giờ tôi chuẩn bị đi gặp người ta đây, tôi làm việc xong sẽ mang tiền về trả phần của anh chị đàng hoàng, sòng phẳng không thiếu một xu (Vừa nói vừa đi ra). Chị Mai : (Ngước mắt theo) Thế này là thế nào... ? Câu hỏi 1. Vâng thưa luật sư, rõ ràng là chú ấy đã lợi dụng khi chồng em trong tình trạng không tỉnh táo để chồng em ký giấy ủy quyền cho chú ấy. Thưa luật sư, vậy tờ giấy đó liệu có được pháp luật chấp nhận không ạ ?
    • Theo quy định tại Điều 122 BLDS về điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự thì giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây:

      - Người tham gia giao dịch có năng lực hành vi dân sự;

      - Mục đích và nội dung của giao dịch không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội;

      - Người tham gia giao dịch hoàn toàn tự nguyện.

      Hình thức giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch trong trường hợp pháp luật có quy định.

      Theo quy định tại Điều 133 BLDS về giao dịch dân sự vô hiệu thì:

      “Người có năng lực hành vi dân sự nhưng đã xác lập giao dịch vào đúng thời điểm không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình thì có quyền yêu cầu Toà án tuyên bố giao dịch dân sự đó là vô hiệu”.

      Đối chiếu với các quy định trên, thì việc chị nói rằng ông Hùng đã lợi dụng lúc chồng chị say để yêu cầu chồng chị ký Giấy ủy quyền là vi phạm điều kiện về mặt nội dung thuộc trường hợp giao dịch vô hiệu do người xác lập không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình. Do đó, chồng chị có quyền yêu cầu tuyên bố hợp đồng ủy quyền đó vô hiệu.

      Câu hỏi 2. Thưa luật sư, vậy nếu chú ấy cứ khăng khăng là không phải chồng em ký giấy trong tình trạng say rượu thì em biết phải làm thế nào ạ ?

      Nghĩa vụ chứng minh chồng chị đã ký ủy quyền trong tình trạng say thuộc về gia đình chị. Việc chứng minh có thể thực hiện thông qua lời khai của chồng chị, qua những người làm chứng đã chứng kiến việc ông Hùng lợi dụng lúc chồng chị say để ký Hợp đồng ủy quyền.

      Tuy nhiên chồng chị có quyền gặp ông Hùng để yêu cầu dừng việc giao dịch bất hợp pháp này lại trước khi ông Hùng thực hiện việc chuyển nhượng. Nếu trong trường hợp ông Hùng đã chuyển nhượng thì gia đình chị có quyền khởi kiện ra Tòa án nhân dân có thẩm quyền để yêu cầu Tòa án giải quyết.

      Câu hỏi 3. Rõ ràng lúc lâm chung bố chồng em gọi tất cả con cháu lại và công bố chia đôi mảnh đất cho vợ chồng em và vợ chồng chú ấy, ấy thế mà bây giờ chú ấy bảo em là dâu không được quyền can dự vào chuyện này... Thế là thế nào Luật sư ?

      Theo như chị trình bày thì bố chồng chị trước lúc lâm chung chỉ di chúc miệng là chia đôi mảnh đất cho vợ chồng chị và vợ chồng ông Hùng. Do đó, theo quy định của pháp luật thì Di chúc miệng được coi là hợp pháp, nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau đó những người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn năm ngày, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng hoặc chứng thực.

      Nếu việc lập di chúc của bố chị tuân thủ quy định trên thì di chúc sẽ có hiệu lực, nếu không thì di chúc đó không có hiệu lực và việc chia tài sản thừa kế theo quy định của pháp luật, khi đó chị là con dâu không phải là người có quyền hưởng thừa kế.

      Câu hỏi 4. Theo luật sư nếu có tranh chấp thì em phải nhờ tới cơ quan nào giải quyết vấn đề này ạ ? Và luật sư cho em lời khuyên để em có thể giữ được miếng đất này một cách hợp lý và an toàn nhất với ạ.

      Trường hợp giữa vợ chồng chị và ông Hùng có xảy ra tranh chấp thì pháp luật khuyến khích các bên nên tự hòa giải với nhau trước tiên, nếu không tự hòa giải được các bên có thể mời chính quyền cơ sở như thôn, xóm hoặc Ủy ban nhân dân xã để tiến hành hòa giải. Nếu hòa giải không thành thì gia đình chị có quyền khởi kiện ra Tòa án nhân dân có thẩm quyền để yêu cầu giải quyết.

      Trong trường hợp của chị thì chị và chồng nên cùng đến nhà ông Hùng để phân tích phải trái cho ông Hùng và yêu cầu ông Hùng hủy Giấy ủy quyền cũng như ngừng việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Trường hợp ông Hùng không đồng ý thì anh chị có thể làm đơn ngăn chặn việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất gửi tới Phòng tài nguyên môi trường, UBND xã phường nơi có đất hoặc một số văn phòng công chứng trong phạm vi tỉnh nơi có BĐS. Trường hợp việc chuyển nhượng đã thực hiện thì có thể khởi kiện tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu giải quyết.

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn