Trách nhiệm của các cơ quan nhà nước về nuôi con nuôi

Chưa có bản dịch tiếng Anh của bài viết này, nhấn vào đây để quay về trang chủ tiếng Anh There is no English translation of this article. Click HERE to turn back English Homepage
Ngày hỏi: 30/08/2016
Luật Nuôi con nuôi quy định như thế nào về trách nhiệm của các cơ quan nhà nước về nuôi con nuôi? Gửi bởi: Lê Hồng Quang
    • Việc nuôi con nuôi nhằm xác lập quan hệ cha, mẹ và con lâu dài, bền vững, vì lợi ích tốt nhất của người được nhận làm con nuôi, bảo đảm cho con nuôi được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trong môi trường gia đình. Do đó các cơ quan nhà nước phải có trách nhiệm đối với công tác nuôi con nuôi.

      Điều 44 Luật Nuôi con nuôi quy định chung về các cơ quan quản lý nhà nước về nuôi con nuôi như sau:

      - Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về nuôi con nuôi.

      - Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về nuôi con nuôi.

      - Bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Tư pháp thực hiện quản lý nhà nước về nuôi con nuôi.

      - Ủy ban nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước về nuôi con nuôi tại địa phương.

      Trong đó, quy định tại Điều 45 Bộ Tư pháp có trách nhiệm:

      1. Ban hành hoặc trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật về nuôi con nuôi.

      2. Ban hành và tổ chức thực hiện thống nhất biểu mẫu giấy tờ, sổ sách về nuôi con nuôi; cấp, gia hạn, sửa đổi, thu hồi giấy phép hoạt động của tổ chức con nuôi nước ngoài tại Việt Nam.

      3. Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về nuôi con nuôi theo thẩm quyền.

      4. Hợp tác quốc tế về nuôi con nuôi.

      5. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của Luật này.

      Điều 46 quy định trách nhiệm của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội:

      1. Hướng dẫn, kiểm tra việc tiếp nhận trẻ em vào cơ sở nuôi dưỡng và cho trẻ em ở cơ sở nuôi dưỡng làm con nuôi, bảo đảm đúng đối tượng theo quy định của pháp luật.

      2. Chỉ đạo, hướng dẫn ngành lao động, thương binh và xã hội trong việc quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em, có biện pháp phòng ngừa tình trạng trẻ em bị bỏ rơi.

      3. Kiểm tra, theo dõi việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng các khoản hỗ trợ, tài trợ từ các tổ chức, cá nhân vì mục đích bảo vệ, chăm sóc trẻ em.

      Bộ Công an có trách nhiệm:

      1. Chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, điều tra, xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực nuôi con nuôi.

      2. Hướng dẫn Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xác minh nguồn gốc của trẻ em bị bỏ rơi được cho làm con nuôi.

      Đối với Bộ Ngoại giao, Luật Nuôi con nuôi quy định trách nhiệm:

      1. Chỉ đạo Cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo vệ trẻ em Việt Nam được cho làm con nuôi ở nước ngoài.

      2. Hướng dẫn Cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài đăng ký việc nuôi con nuôi theo quy định của Luật này.

      Tại Điều 49 trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp được quy định như sau:

      1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm sau đây:

      a) Quyết định việc nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài theo quy định của Luật này;

      b) Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về nuôi con nuôi tại địa phương;

      c) Báo cáo Bộ Tư pháp về tình hình giải quyết việc nuôi con nuôi và thực hiện pháp luật về nuôi con nuôi tại địa phương;

      d) Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực nuôi con nuôi theo thẩm quyền.

      2. Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm sau đây:

      a) Giải quyết các việc hộ tịch liên quan đến nuôi con nuôi;

      b) Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về nuôi con nuôi tại địa phương;

      c) Kiểm tra, theo dõi tình hình nuôi con nuôi ở địa phương; giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực nuôi con nuôi theo thẩm quyền;

      d) Báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về tình hình giải quyết việc nuôi con nuôi và thực hiện pháp luật về nuôi con nuôi tại địa phương.

      3. Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm sau đây:

      a) Đăng ký, theo dõi việc nuôi con nuôi trong nước, ghi chú việc nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài;

      b) Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về nuôi con nuôi tại địa phương;

      c) Giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực nuôi con nuôi theo thẩm quyền;

      d) Báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện về tình hình giải quyết việc nuôi con nuôi và thực hiện pháp luật về nuôi con nuôi tại địa phương.

      Trên đây là quy định của Luật Nuôi con nuôi về trách nhiệm của các cơ quan nhà nước về nuôi con nuôi.

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn