Trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp về hôn nhân và gia đình

Chưa có bản dịch tiếng Anh của bài viết này, nhấn vào đây để quay về trang chủ tiếng Anh There is no English translation of this article. Click HERE to turn back English Homepage
Ngày hỏi: 10/09/2016

Em và chồng kết hôn được 10 năm và có 2 con chung (6 tuổi và 4 tuổi). Vợ chồng em đã có những mâu thuẫn trầm trọng. Sau nhiều lần nói chuyện nhưng vẫn không đạt được kết quả nên vợ chồng em đã ly thân được gần 1 năm nay. Trong thời gian này hai vợ chồng vẫn thường xuyên cãi nhau, làm ảnh hưởng lớn đến tâm lý con cái. Nhưng em đề nghị ly hôn anh lại không chấp nhận nên em quyết định xin đơn phương ly hôn. Giấy tờ và tiền tạm ứng án phí 200 ngàn em đã nộp đầy đủ từ cuối tháng 6/2014. Từ cuối tháng 6 đến giữa tháng 10/2014, tòa có 5 lần triệu tập hòa giải nhưng chồng em đều không đến. Thẩm phán bảo sẽ chuyển hồ sơ đến Viện Kiểm sát để tống đạt xét xử. Nhưng đến đầu tháng 12 vẫn không thấy tòa gọi nên tôi đã chủ động liên lạc. Tòa trả lời là đã mời đến vào ngày 28/11 nhưng không ai đến (thì ra trong lúc em đi công tác, chồng em đã giấu giấy triệu tập nên em không biết). Ngay sau đó em đã đến tòa giải thích, vị thẩm phán thụ lý vụ án nói sẽ sắp xếp mời lại. Đến ngày 9/1/2015, tòa lại mời hòa giải nữa, anh ấy tiếp tục không đến. Vị thẩm phán nói với em là mấy lần trước tuy anh ấy không đến đúng ngày tòa mời nhưng có điện thoại và đến gặp tòa sau và nói là vợ chồng vẫn sống bình thường, vì em có người yêu nên đòi ly hôn rồi anh đề nghị đình chỉ việc giải quyết hồ sơ. Những điều anh nói không đúng sự thật nên em đã trình bày và khẳng định lại mâu thuẫn 2 vợ chồng với Thẩm phán. Vị ấy bảo ngày 15/1/2015, 2 vợ chồng em cùng lên để đối chất tại tòa (tòa cũng trực tiếp gọi cho anh ấy và anh ấy có hứa ngày 15.1 sẽ lên tòa với em). Thế nhưng, sau đó, anh ấy lại bảo em nếu đồng ý rút đơn thì anh mới lên, em không chấp nhận, vậy là đến ngày 15.1 anh ấy lại không có mặt, vị thẩm phán nói, anh ấy không có mặt thì không có cơ sở làm biên bản hòa giải, đề nghị em tiếp tục cho chồng em thêm cơ hội nữa hoặc là phải thuyết phục anh ấy cùng lên tòa trong khi chồng em thì chắc chắn sẽ không chịu hợp tác. Cho em hỏi, tòa án xử lý hồ sơ của em như vậy đúng trình tự không? Em phải làm thế nào để giải quyết vụ việc này?

    • Căn cứ trên nội dung chị trình bày, chúng tôi xin trả lời chị như sau:

      Theo quy định tại khoản 1 Điều 179 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 thì thời hạn chuẩn bị xét xử đối với những tranh chấp về hôn nhân và gia đình là 04 tháng kể từ ngày thụ lý vụ án. Đối với vụ án có tính chất phức tạp hoặc do trở ngại khách quan thì Chánh án Toà án có thể quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử, nhưng không quá 02 tháng (ngày thụ lý vụ án là ngày Tòa án nhận được biên lai nộp tiền tạm ứng án phí của người khởi kiện). Trong thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án, Toà án tiến hành hoà giải để các đương sự thoả thuận với nhau về việc giải quyết vụ án.

      Như vậy, trong khoảng thời gian từ cuối tháng 6 đến giữa tháng 10/2014 (trong khoảng thời gian 4 tháng), Tòa án đã tiến hành triệu tập để hòa giải là đúng quy định của pháp luật. Nhưng theo chị trình bày thì Tòa án đã triệu tập 05 lần mà chồng chị không đến. Trong khi căn cứ khoản 1 Điều 182 Bộ luật Tố tụng dân sự 2004, Điều 16 Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐTP ngày 03/12/2012 hướng dẫn thi hành một số quy định trong Phần thứ hai “Thủ tục giải quyết vụ án tại Tòa án cấp sơ thẩm” của Bộ luật Tố tụng dân sự đã được sửa đổi, bổ sung theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự ngày 29 tháng 3 năm 2011 thì trong trường hợp bị đơn đã được Toà án triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn cố tình vắng mặt, thì Toà án lập biên bản về việc không tiến hành hoà giải được do bị đơn vắng mặt và ra quyết định đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục chung.

      Tuy nhiên, cần xét đến tính hợp lệ của các lần triệu tập của Tòa án. Căn cứ quy định tại Chương X Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 đã được sửa đổi, bổ sung theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự ngày 29 tháng 3 năm 2011 thì việc cấp, tống đạt hoặc thông báo văn bản tố tụng được thực hiện theo quy định của Bộ luật này thì được coi là hợp lệ. Theo đó, việc triệu tập đương sự có thể thực hiện thông qua thủ tục tống đạt, thông báo trực tiếp, qua bưu điện hoặc người thứ ba được uỷ quyền, niêm yết công khai hoặc thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng. Việc tiến hành các thủ tục triệu tập này phải thực hiện theo đúng thủ tục được quy định tại các Điều 151, 152, 153, 154, 155, 156 của BLTTDS được xác định là triệu tập hợp lệ. Vì vậy, nếu Toà án đã triệu tập đương sự nhưng việc triệu tập đó được thực hiện không theo đúng thủ tục do BLTTDS quy định thì việc triệu tập đó được xác định là không hợp lệ. Toà án triệu tập không hợp lệ đương sự thì về nguyên tắcviệc triệu tập đó không có giá trị pháp lý.

      Như vậy, để áp dụng quy định trên và ra quyết định đưa vụ án ra xét xử trong trường hợp bị đơn đã được Toà án triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn cố tình vắng mặt thì cần phải khẳng định việc triệu tập trên là hợp lệ. Nếu việc triệu tập đã được thực hiện đúng quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự thì việc Tòa án không đưa vụ án ra xét xử là vi phạm quy định về thủ tục tố tụng. Trong trường hợp có căn cứ cho rằng thẩm phán được phân công thụ lý giải quyết vụ án vi phạm quy định về thủ tục tố tụng, cố tình kéo dài thời gian giải quyết vụ án, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của mình thì căn cứ Điều 396 Bộ luật Tố tụng dân sự 2004, chị có thể gửi đơn khiếu nại đến Chánh án Tòa án nhân dân cấp huyện giải quyết; trường hợp thẩm phán thụ lý giải quyết vụ án là Chánh án Tòa án nhân dân cấp huyện thì gửi đơn khiếu nại đến Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh giải quyết

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn