Trường hợp đối với pháp nhân có đương nhiên được hưởng thừa kế không?

Bấm vào đây để xem bản dịch tiếng Anh của bài viết này Click HERE to see the English translation of this article
Ngày hỏi: 28/06/2022

Trường hợp đối với pháp nhân có đương nhiên được hưởng thừa kế không? Con trai có quyền hưởng thừa kế nhiều hơn con gái không? Việc thừa kế không phụ thuộc vào di chúc được quy định như thế nào?

    • Trường hợp đối với pháp nhân có đương nhiên được hưởng thừa kế không?

      Cho em hỏi khi chủ sở hữu của pháp nhân chết thì pháp nhân có được hưởng thừa kế từ người chủ hay không? Văn bản pháp luật nào quy định về vấn đề này? Mong sớm nhận được sự phản hồi từ Ban biên tập. Em cảm ơn rất nhiều!

      Trả lời: Đối với câu hỏi của bạn thì tại Điều 609 Bộ luật dân sự 2015 có quy định như sau:

      Cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật; hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật.

      Người thừa kế không là cá nhân có quyền hưởng di sản theo di chúc.

      Như vậy, theo quy định này thì pháp nhân cũng có thể được hưởng thừa kế nhưng quyền này không phải là đương nhiên đối với pháp nhân. Cụ thể thì pháp nhân chỉ được hưởng di sản thừa kế nếu có di chúc để lại di sản cho pháp nhân.

      Con trai có quyền hưởng thừa kế nhiều hơn con gái không?

      Ba mẹ tôi mất nhưng không để lại di chúc. Ông bà có 4 căn nhà, 2 căn mặt phố và 2 căn ở chợ đang cho thuê, thêm 2 cái ao và 280 triệu trong ngân hàng. Ba mẹ tôi có 4 người con: 2 trai, 2 gái. Chúng tôi đều có gia đình riêng và sống riêng. Vừa qua, anh hai tôi có mời cả nhà họp mặt để chia tài sản. Lấy lý do là tôi và em gái tôi đã đi lấy chồng nên chỉ được chia 50 triệu/người. Phần còn lại 2 anh trai sẽ hưởng hết. Anh hai tôi chia như vậy có đúng không, con trai sẽ hưởng được thừa kế nhiều hơn con gái?

      Trả lời: Theo quy định tại Điều 651 Bộ Luật dân sự 2015 thì:

      1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

      a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

      b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

      c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

      2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

      ...

      Như vậy, ba mẹ Chị có 4 người con thuộc hàng thừa kế thứa nhất (nếu không còn ai cùng hàng thừa kế) thì mỗi người sẽ được hưởng phần di sản bằng nhau. Hiện nay, không có quy định nào phân biệt giữa con trai và con gái ai được hưởng di sản thừa kế nhiều hơn mà chỉ quy định con đẻ, con nuôi đều được hưởng phần di sản bằng nhau. Do đó, Chị và em gái Chị đương nhiên được hưởng một phần di sản của ba mẹ Chị để lại ngang bằng với hai anh trai.

      Việc thừa kế không phụ thuộc vào di chúc được quy định như thế nào?

      Tôi tên là Trường Sơn. Gần nhà tôi đang xảy ra một vụ việc mà tôi không biết phải giải quyết như thế nào nên muốn nhờ Ban biên tập giải đáp giúp tôi. Cụ thể vụ việc như sau: "Ông K có hai người con. Người con đầu có với vợ trước tên L, đã có gia đình riêng. Sau khi vợ mất, ông K kết hôn với bà T, hai người có một người con chung, năm nay lên 9 tuổi. Khi biết mình bị bệnh nặng khó qua khỏi, ông K đã ra Ủy ban nhân dân xã lập di chúc để lại toàn bộ tài sản là căn nhà đang ở cho người con lớn (đây là tài sản của ông có trước khi lấy bà T). Vài tháng sau, ông K chết.

      Trả lời: Do có mâu thuẫn từ trước nên sau khi bố mất, anh L có ý đuổi mẹ và em trai 9 tuổi ra khỏi nhà. Vậy trong trường hợp này anh L có được đuổi bà T và con của bà ra khỏi nhà hay không?

      Đối với vấn đề này thì Ban biên tập sẽ trả lời cho bạn dựa vào căn cứ tại Điều 612 và Điều 644 Bộ Luật dân sự 2015. Cụ thể, hai Điều này quy định như sau:

      "Điều 612. Di sản

      Di sản bao gồm tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác."

      "Điều 644. Người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc

      1. Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó:

      a) Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;

      b) Con thành niên mà không có khả năng lao động.

      2. Quy định tại khoản 1 Điều này không áp dụng đối với người từ chối nhận di sản theo quy định tại Điều 620 hoặc họ là những người không có quyền hưởng di sản theo quy định tại khoản 1 Điều 621 của Bộ luật này."

      Từ hai quy định trên, có thể thấy dù trong trường hợp này ông K đã có chúc để lại di sản là tài sản riêng của mình cho anh L nhưng bà T và con của bà với ông K là những người thuộc trường hợp được quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 644 Bộ Luật dân sự 2015 nên họ vẫn sẽ được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật tương ứng với mỗi người mà không phụ thuộc vào nội dung di chúc của ông K.

      Như vậy, trước mắt thì anh K vẫn không được quyền đuổi bà T và con của bà ra khỏi nhà, tuy nhiên, anh K vẫn có thể yêu cầu họ rời khỏi nhà nếu thỏa thuận được với bà T về mức chia di sản và bà đồng ý rời đi.

      Trân trọng!

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn