Tự ý vào nhà người khác có bị coi là xâm phạm chỗ ở?

Chưa có bản dịch tiếng Anh của bài viết này, nhấn vào đây để quay về trang chủ tiếng Anh There is no English translation of this article. Click HERE to turn back English Homepage
Ngày hỏi: 08/10/2019

Tự ý vào nhà người khác có bị coi là xâm phạm chỗ ở không? Hành vi xâm phạm chỗ ở người khác bị xử phạt thế nào?Cảm ơn!

    • Khoản 9 Điều 2 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định:

      Chỗ ở là nhà ở, phương tiện hoặc nhà khác mà công dân sử dụng để cư trú. Chỗ ở thuộc quyền sở hữu của công dân hoặc được cơ quan, tổ chức, cá nhân cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ theo quy định của pháp luật.

      Điều 22 Hiến pháp 2013 quy định:

      1. Công dân có quyền có nơi ở hợp pháp.

      2. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở. Không ai được tự ý vào chỗ ở của người khác nếu không được người đó đồng ý.

      3. Việc khám xét chỗ ở do luật định.

      Như vậy, việc việc tự ý vào nhà người khác khi không được đồng ý được xem là hành vi xâm phạm chỗ ở người khác. Tùy trường hợp mà hành vi xâm phạm chỗ ở của người khác có thể bị phạt hành chính hoặc bị truy cứu TNHS.

      Xử phạt hành chính:

      Hiện nay không có quy định cụ thể về hành vi xâm phạm chỗ ở người khác sẽ bị phạt hành chính, theo đó hành vi xâm phạm chỗ ở có thể bị xử phạt từ 2 đến 3 triệu đồng theo Khoản 4h Điều 13 Nghị định 167/2013/NĐ-CP: Thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, xâm hại quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức. Ngoài ra, trường hợp xâm phạm trái phép chỗ ở để gây thiệt hại đến tài sản của người khác thì có thể bị xử phạt theo Điều 15 Nghị định này.

      Xử lý Hình sự: Điều 158 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017 quy định:

      1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây xâm phạm chỗ ở của người khác, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:

      a) Khám xét trái pháp luật chỗ ở của người khác;

      b) Đuổi trái pháp luật người khác ra khỏi chỗ ở của họ;

      c) Chiếm giữ chỗ ở hoặc cản trở trái pháp luật người đang ở hoặc người đang quản lý hợp pháp vào chỗ ở của họ;

      d) Xâm nhập trái pháp luật chỗ ở của người khác.

      2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

      a) Có tổ chức;

      b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

      c) Phạm tội 02 lần trở lên;

      d) Làm người bị xâm phạm chỗ ở tự sát;

      đ) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

      3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

      Trân trọng!

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn