Vay tiền rồi bỏ trốn, người bị lừa phải làm gì?

Chưa có bản dịch tiếng Anh của bài viết này, nhấn vào đây để quay về trang chủ tiếng Anh There is no English translation of this article. Click HERE to turn back English Homepage
Ngày hỏi: 30/08/2016

Vay nợ tiền là một trong những giao dịch phổ biến trong đời sống xã hội. Pháp luật dân sự có những quy định cụ thể cho việc ký kết các hợp đồng vay...

    • Cuộc sống hội nhập, nhiều người đổ lên thành phố kiếm sống, dù công việc lương cao hay lương ít họ cũng cố bám trụ, lèo lái cuộc sống của mình để có thu nhập nuôi sống bản thân, nuôi sống gia đình.

      Mọi thứ sẽ bình yên hơn nếu không có những cạm bẫy những thúc giục động lực kiếm tiền nhanh chóng của nhiều người, họ vay tiền của người thân, bạn bè, người yêu rồi đổ vào những mơ tưởng đổi đời của mình, rồi đến lúc những mơ mộng đổ vỡ, tiền mất, thì cũng là lúc họ không biết xoay xở thế nào khi trả số tiền đã vay, rồi bỏ trốn để lại những người cho họ vay tiền những nỗi lo lắng, mất mát vì không những mất tiền họ đã mất niềm tin về một mối quan hệ thân thiết đã có khi trước.

      Thực tế đời sống, bạn sẽ gặp rất nhiều trường hợp như thế. Bạn tin tưởng cho họ vay tiền, họ hứa hẹn ngày trả nhưng đến hẹn họ trốn biệt tăm, không ở nơi sinh sống nữa. Số tiền nếu ít thì không sao nhưng số tiền lên đến hàng triệu đồng bạn cần phải tỉnh táo và giải quyết đúng theo pháp luật để có thể lấy lại số tiền mà mình đã cho vay khi trước.

      Thứ nhất, hãy lập một hợp đồng cho vay tiền khi cho vay

      Bạn nên lập một hợp đồng cho vay tiền khi cho người nào đó vay. Hợp đồng là bằng chứng rõ ràng cho sự thỏa thuận giữa bên vay và bên cho vay thông qua nội dung của hợp đồng cũng như chữ ký hay điểm chỉ của hai bên. Hợp đồng được xây dựng có thủ tục nội dung, hình thức hợp pháp căn cứ theo quy định pháp luật dân sự.

      Thứ hai, hiểu biết pháp luật để đề phòng trường hợp người vay tiền bỏ trốn

      - Người cho vay nên chủ động nắm bắt ngày giờ đến hạn của khoản vay được trả lại. Xác định điều này nhằm chủ động tìm kiếm người đã vay tiền và nhắc họ hoàn thành nghĩa vụ của hợp đồng đồng thời tại thời điểm này, nếu thấy hành vi của họ là đã bỏ trốn thì bạn sẽ kịp thời tố cáo lên cơ quan công an, viện kiểm sát hay tòa án theo quy định pháp luật hình sự.

      Trong trường hợp, bạn và người vay tiền đã lập hợp đồng vay nợ hợp pháp. Khoản vay lên tới hơn 1 triệu đồng. Tuy nhiên sau đó người vay tiền bỏ trốn để chiếm đoạt khoản vay đó. Thì theo quy định luật hình sự hiện hành người cho vay tiền có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Mức hình phạt này có thể thay đổi trên thực tế tùy thuộc vào nhân thân và hoàn cảnh của người phạm tội theo các quy định cụ thể của bộ luật hình sự.

      Nếu bạn gặp trường hợp như trên, bạn nên làm đơn tố cáo rồi gửi đến nơi công an bạn đang cư trú. Sau khi xem xét và xác định cơ quan có thẩm quyền, cơ quan công an sẽ làm thủ tục chuyển quyền điều tra vụ án cho cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật. Nội dung đơn tố cáo bao gồm : họ tên, địa chỉ của người tố cáo; họ tên, chức vụ, hành vi vi phạm pháp luật của người bị tố cáo; những yêu cầu liên quan của người tố cáo. Dựa theo đơn tố cáo của bạn, vụ việc sẽ được xem xét có đủ căn cứ để khởi tố vụ án hình sự hay không, cụ thể:

      + Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát có trách nhiệm tiếp nhận đầy đủ mọi tố giác, tin báo về tội phạm do cá nhân, cơ quan, tổ chức và kiến nghị khởi tố do cơ quan nhà nước chuyển đến. Viện kiểm sát có trách nhiệm chuyển ngay các tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố kèm theo các tài liệu có liên quan đã tiếp nhận cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền.

      + Trong thời hạn hai mươi ngày, kể từ ngày nhận được tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, Cơ quan điều tra trong phạm vi trách nhiệm của mình phải kiểm tra, xác minh nguồn tin và quyết định việc khởi tố hoặc quyết định không khởi tố vụ án hình sự. Trong trường hợp sự việc bị tố giác, tin báo về tội phạm hoặc kiến nghị khởi tố có nhiều tình tiết phức tạp hoặc phải kiểm tra, xác minh tại nhiều địa điểm thì thời hạn để giải quyết tố giác và tin báo có thể dài hơn, nhưng không quá hai tháng.

      + Kết quả giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm hoặc kiến nghị khởi tố của cơ quan nhà nước phải được gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp và thông báo cho cơ quan, tổ chức đã báo tin hoặc người đã tố giác tội phạm biết. Cơ quan điều tra phải áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo vệ người đã tố giác tội phạm.

      + Viện kiểm sát có trách nhiệm kiểm sát việc giải quyết của Cơ quan điều tra đối với tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố.

      - Không được chờ đợi, cả tin vào lời dễ nghe, đường mật của người đã vay mà bỏ quên thời gian mà pháp luật hình sự quy định về thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là thời hạn do Bộ luật hình sự quy định mà khi hết thời hạn đó thì người phạm tội không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Cụ thể là năm năm đối với các tội phạm ít nghiêm trọng; mười năm đối với các tội phạm nghiêm trọng; mười lăm năm đối với các tội phạm rất nghiêm trọng; hai mươi năm đối với các tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Như vậy, nếu bạn để thời hạn kéo dài quá thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự tính từ thời điểm người vay tiền cầm tiền bỏ trốn thì bạn không có cơ hội nhờ tới pháp luật giải quyết khoản tiền cho vay nữa, cũng có nghĩa là bạn sẽ rất khó trong việc lấy lại tiền mình đã cho người kia vay.

      Trên đây là những gì công ty luật Vinabiz chia sẻ giúp các bạn có kỹ năng tốt hơn nhằm giải quyết hợp lý, hợp pháp với trường hợp vay tiền rồi bỏ trốn tương tự.

      Căn cứ pháp lý

      Điều 140 Bộ luật hình sự 1999 quy định về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản như sau:

      "1. Người nào có một trong những hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ bốn triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới bốn triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm:

      a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó;

      b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.

      2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:

      a) Có tổ chức;

      b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

      c) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

      d) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;

      đ) Tái phạm nguy hiểm;

      e) Gây hậu quả nghiêm trọng.

      3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:

      a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;

      b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

      4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân:

      a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;

      b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

      5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm và bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản hoặc một trong hai hình phạt này.”

      Điều 103 Bộ luật hình sự 1999:

      "1. Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát có trách nhiệm tiếp nhận đầy đủ mọi tố giác, tin báo về tội phạm do cá nhân, cơ quan, tổ chức và kiến nghị khởi tố do cơ quan nhà nước chuyển đến. Viện kiểm sát có trách nhiệm chuyển ngay các tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố kèm theo các tài liệu có liên quan đã tiếp nhận cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền.

      2. Trong thời hạn hai mươi ngày, kể từ ngày nhận được tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, Cơ quan điều tra trong phạm vi trách nhiệm của mình phải kiểm tra, xác minh nguồn tin và quyết định việc khởi tố hoặc quyết định không khởi tố vụ án hình sự. Trong trường hợp sự việc bị tố giác, tin báo về tội phạm hoặc kiến nghị khởi tố có nhiều tình tiết phức tạp hoặc phải kiểm tra, xác minh tại nhiều địa điểm thì thời hạn để giải quyết tố giác và tin báo có thể dài hơn, nhưng không quá hai tháng.

      3. Kết quả giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm hoặc kiến nghị khởi tố của cơ quan nhà nước phải được gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp và thông báo cho cơ quan, tổ chức đã báo tin hoặc người đã tố giác tội phạm biết. Cơ quan điều tra phải áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo vệ người đã tố giác tội phạm.

      4. Viện kiểm sát có trách nhiệm kiểm sát việc giải quyết của Cơ quan điều tra đối với tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố."

      Điều 23 Bộ luật hình sự 1999

      "Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự

      1. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là thời hạn do Bộ luật này quy định mà khi hết thời hạn đó thì người phạm tội không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

      2. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được quy định như sau:

      a) Năm năm đối với các tội phạm ít nghiêm trọng;
      b) Mười năm đối với các tội phạm nghiêm trọng;
      c) Mười lăm năm đối với các tội phạm rất nghiêm trọng;
      d) Hai mươi năm đối với các tội phạm đặc biệt nghiêm trọng"

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn