Xác định năm sinh đối với người mà hồ sơ không thống nhất về năm sinh khi đăng ký khai sinh?

Chưa có bản dịch tiếng Anh của bài viết này, nhấn vào đây để quay về trang chủ tiếng Anh There is no English translation of this article. Click HERE to turn back English Homepage
Ngày hỏi: 05/09/2016

Từ khi sinh ra đến nay, do hoàn cảnh lịch sử, bà B chưa được đăng ký khai sinh. Nay, bà B muốn đăng ký khai sinh cho mình nhưng các hồ sơ, giấy tờ cá nhân hiện có của bà ghi năm sinh không thống nhất, cụ thể: Bằng tốt nghiệp cấp III ghi sinh năm 1959 (cấp năm 1975); Bằng tốt nghiệp trung cấp văn thư lưu trữ ghi sinh năm 1959 (cấp năm 1978); Lý lịch cán bộ, công chức ghi sinh năm 1959 (khai năm 1980); Lý lịch đảng viên ghi sinh năm 1959 (khai năm 1990), Sổ hộ khẩu và Chứng minh nhân dân ghi sinh năm 1960 (cấp năm 1985 - hiện còn bản sao; cấp lại năm 2010). Xin hỏi bà B phải đến đăng ký khai sinh tại cơ quan nào? Bà phải nộp những giấy tờ gì? Năm sinh của bà sẽ được xác định như thế nào?

    • Điều 8 Thông tư số 15/2015/TT-BTP ngày 16/11/2015 của Bộ Tư pháp quy định đăng ký khai sinh cho người đã có hồ sơ, giấy tờ cá nhân như sau:

      “1. Trường hợp công dân Việt Nam cư trú trong nước, sinh trước ngày 01 tháng 01 năm 2016 mà chưa được đăng ký khai sinh nhưng có hồ sơ, giấy tờ cá nhân (bản chính hoặc bản sao được chứng thực hợp lệ) như: giấy tờ tùy thân theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP; Sổ hộ khẩu; Sổ tạm trú; giấy tờ khác do cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cấp và có yêu cầu đăng ký khai sinh thì Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi người đó cư trú thực hiện việc đăng ký khai sinh.

      2. Trường hợp người Việt Nam định cư ở nước ngoài, chưa được đăng ký khai sinh, nếu có hồ sơ, giấy tờ cá nhân quy định tại khoản 1 Điều này, trong đó ghi nơi sinh tại Việt Nam và có yêu cầu đăng ký khai sinh thì Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi cư trú trước khi xuất cảnh của người đó thực hiện việc đăng ký khai sinh.

      3. Hồ sơ đăng ký khai sinh đối với các trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này gồm có: Tờ khai đăng ký khai sinh, văn bản cam đoan về việc chưa được đăng ký khai sinh; các giấy tờ theo quy định tại điểm b, điểm c khoản 1 Điều 26 của Nghị định số 123/2015/NĐ-CP. Trình tự giải quyết, nội dung đăng ký khai sinh được thực hiện tương tự quy định tại khoản 2, khoản 3, khoản 5 Điều 26 của Nghị định số 123/2015/NĐ-CP và Khoản 3, Khoản 4 Điều 9, Điều 10 của Thông tư này.”

      Căn cứ quy định này, thì cơ quan có thẩm quyền đăng ký khai sinh cho bà B là Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi bà B cư trú. Về hồ sơ đăng ký khai sinh bao gồm: Tờ khai đăng ký khai sinh (theo mẫu); văn bản cam đoan về việc chưa được đăng ký khai sinh và bản sao hồ sơ, giấy tờ cá nhân của bà B (bao gồm tất cả các hồ sơ, giấy tờ hiện có của bà B nêu trên).

      Theo quy định tại Khoản 5 Điều 26 nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ quy quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch, thì:“5. Trường hợp người yêu cầu không có bản sao Giấy khai sinh nhưng hồ sơ, giấy tờ cá nhân có sự thống nhất về nội dung khai sinh thì đăng ký lại theo nội dung đó. Nếu hồ sơ, giấy tờ không thống nhất về nội dung khai sinh thì nội dung khai sinh được xác định theo hồ sơ, giấy tờ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp chính thức hợp lệ đầu tiên; riêng đối với cán bộ, công chức, viên chức, người đang công tác trong lực lượng vũ trang thì nội dung khai sinh được xác định theo văn bản của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều này.”

      Như vậy, năm sinh trong Giấy khai sinh của bà B sẽ được xác định là năm 1959 theo Bằng tốt nghiệp cấp III cấp năm 1975 (giấy tờ được cấp hợp lệ đầu tiên).

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn