Xác định tài sản riêng khi ly hôn và thủ tục phân chia tài sản khi không lập di chúc.

Chưa có bản dịch tiếng Anh của bài viết này, nhấn vào đây để quay về trang chủ tiếng Anh There is no English translation of this article. Click HERE to turn back English Homepage
Ngày hỏi: 07/09/2016

Kính thưa luật sư, Tôi có 02 câu hỏi liên quan đến vấn đề xác định tài sản riêng khi ly hôn và thủ tục phân chia tài sản khi không lập di chúc. Xin nhờ luật sư tư vấn giúp. 1. Dì tôi có một khu đất được làm sổ đỏ vào khoảng năm 1996. Trước thời điểm đó, khu đất này do bà ngoại tôi sử dụng và đóng thuế (nhưng được biết vào thời điểm đó bà tôi chưa được làm sổ đỏ). Đến khoảng năm 1996 bà tôi cho riêng dì tôi mảnh đất trên (không làm giấy cho tặng nhưng tất cả mọi thành viên trong dòng họ tôi đều biết điều này) và dì tôi thực hiện đăng ký quyền sử dụng đất và được cấp sổ từ đó đến nay. Dì tôi kết hôn với dượng tôi trước thời điểm dì được cho mảnh dất trên. Hiện tại, dì dượng tôi đang định ly hôn nhưng dì tôi rất lo lắng vì không biết làm sao để chứng minh mảnh dất trên là do bà ngoại cho riêng dì. Tôi xin hỏi luật sư trong tường hợp này thì có cách nào giúp dì tôi chứng minh mảnh đất trên là tài sản riêng hay không, có thể nhờ bà con họ hàng là người làm chứng được không? 2. Ngoại tôi mất nhưng không để lại di chúc, hiện tại ngoại còn đang đứng tên trên sổ đỏ một mảnh đất. Dì út tôi sống với ngoại tôi và chăm sóc bà cho đến khi bà qua đời. Khi ngoại còn sống, ngoại có bảo với các người con của mình là mảnh đất này ngoại cho dì út nhưng chưa làm giấy cho tặng. Sau khi ngoại mất, con của cậu tôi (cậu tôi đã qua đời) muốn chia đều phần đất này cho họ (nhưng chưa chính thức yêu cầu chia tài sản) và các con của ngoại. Nhưng các dì và mẹ tôi không đồng ý vì cho rằng mảnh đất này ngoại đã cho dì út tôi nên không chia cho ai hết. Xin hỏi luật sư, trong tình huống này, gia đình dì út tôi phải làm gì để có lợi cho mình nhất. Liệu dì tôi có thể được hưởng mảnh  đất trên mà không cần chia cho các con của cậu tôi hay không. Trong trường hợp phải chia đều mảnh đất trên,  mẹ tôi và các dì khác của tôi mong muốn được từ bỏ quyền thừa kế của mình cho dì tôi thì giấy từ bỏ quyền thừa kế này có giá trị trong bao lâu vì hiện tai các con của cậu tôi vẫn chưa chính thức yêu cầu chia tài sản và các dì của tôi cũng chưa muốn. Giấy từ bỏ quyền thừa kế này có thể lập trước khi tiến hành phân chia tài sản được không? Xin chân thành cám ơn luật sư rất nhiều.

    • 1. Theo quy định tại Điều 43 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 thì tài sản riêng vợ, chồng là:

      "1. Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định tại các điều 38, 39 và 40 của Luật này; tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng.

      2. Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của vợ, chồng cũng là tài sản riêng của vợ, chồng. Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 33 và khoản 1 Điều 40 của Luật này.".

      Căn cứ vào quy định pháp luật này, nếu dì bạn chứng minh được thửa đất đó là tài sản do dì bạn được thừa kế riêng trong thời kỳ hôn nhân thì thửa đất đó sẽ là tài sản riêng của dì bạn. Căn cứ để chứng minh là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (chỉ có tên mình dì bạn), trong hồ sơ, sổ sách của chính quyền địa phương qua các thời kỳ trước đây có tên bà ngoại bạn trong, sau đó có tên của dì bạn; các anh, chị em của dì bạn xác nhận là bà bạn cho riêng dì bạn.... những chứng cứ đó đủ để chứng minh thửa đất là tài sản riêng của dì bạn. Tuy nhiên, trong quá trình vợ chồng dì bạn sử dụng đất có công tôn tạo phát triển giá trị khối bất động sản đó thì chồng của dì bạn cũng được chia một phần giá trị tài sản tạo lập thêm trên thửa đất đó (ví dụ: phần diện tích đất mà vợ chồng dì bạn khai phá, mở rộng thêm, phần giá trị tài sản trên đất do vợ chồng cùng nhau xây dựng...).

      2. Đối với thửa đất là di sản do bà bạn để lại không có di chúc thì các con của bà bạn sẽ được hưởng thừa kế theo pháp luật theo quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 676 Bộ luật dân sự. Nếu không thống nhất được việc chia thừa kế thì một trong các con của bà bạn có quyền khởi kiện để yêu cầu tòa án giải quyết phân chia thừa kế theo quy định pháp luật. Nếu người con nào không muốn nhận di sản thì có thể nhường quyền nhận di sản đó cho người thừa kế khác. Việc khước từ di sản được thực hiện trong thời gian 6 tháng kể từ thời điểm mở thừa kế. Nếu có người khước từ di sản thì phần giá trị di sản đó được chia đều theo pháp luật cho các thừa kế khác.

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn