Có được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với phần mềm máy tính không?

Bấm vào đây để xem bản dịch tiếng Anh của bài viết này Click HERE to see the English translation of this article
Ngày hỏi: 22/03/2022

Có được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với phần mềm máy tính không? Nguyên tắc nộp đơn đầu tiên theo pháp luật về Sở hữu trí tuệ? Sở hữu trí tuệ bao gồm các đối tượng nào?

    • Có được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với phần mềm máy tính không?

      Tôi là dân IT không biết phần mềm máy tính do tôi tự lập ra có được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ không? Mong nhận được giải đáp từ anh chị.

      Trả lời: Theo Khoản 5 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2009 quy định các loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả, cụ thể như sau:

      "...

      k) Bản họa đồ, sơ đồ, bản đồ, bản vẽ liên quan đến địa hình, kiến trúc, công trình khoa học;

      l) Tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian;

      m) Chương trình máy tính, sưu tập dữ liệu."

      Như vậy, phầm mềm máy tính được xem là chương trình máy tính nếu đáp ứng đủ điều kiện bảo hộ, sẽ được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ dưới hình thức quyền tác giả.

      Điều kiện bảo hộ quyền tác giả:

      - Tác phẩm được sáng tạo;

      - Được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định.

      Ban biên tập phản hồi đến bạn.

      Nguyên tắc nộp đơn đầu tiên theo pháp luật về Sở hữu trí tuệ

      Xin hỏi, theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ hiện hành thì Nguyên tắc nộp đơn đầu tiên được hiểu sao cho đúng? Có phải sẽ ưu tiên cho những người đăng ký bảo hộ sớm hơn hay không? Mong nhận được giải đáp. Xin cảm ơn.

      Trả lời: Theo quy định tại Khoản 14 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2009 có quy định nguyên tắc nộp đơn đầu tiên như sau:

      - Trong trường hợp có nhiều đơn đăng ký các sáng chế trùng hoặc tương đương với nhau, các kiểu dáng công nghiệp trùng hoặc không khác biệt đáng kể với nhau thì văn bằng bảo hộ chỉ được cấp cho sáng chế hoặc kiểu dáng công nghiệp trong đơn hợp lệ có ngày ưu tiên hoặc ngày nộp đơn sớm nhất trong số những đơn đáp ứng các điều kiện để được cấp văn bằng bảo hộ.

      - Trong trường hợp có nhiều đơn của nhiều người khác nhau đăng ký các nhãn hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhau dùng cho các sản phẩm, dịch vụ trùng hoặc tương tự với nhau hoặc trường hợp có nhiều đơn của cùng một người đăng ký các nhãn hiệu trùng dùng cho các sản phẩm, dịch vụ trùng nhau thì văn bằng bảo hộ chỉ được cấp cho nhãn hiệu trong đơn hợp lệ có ngày ưu tiên hoặc ngày nộp đơn sớm nhất trong số những đơn đáp ứng các điều kiện để được cấp văn bằng bảo hộ.

      - Trong trường hợp có nhiều đơn đăng ký quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này cùng đáp ứng các điều kiện để được cấp văn bằng bảo hộ và cùng có ngày ưu tiên hoặc ngày nộp đơn sớm nhất thì văn bằng bảo hộ chỉ được cấp cho đối tượng của một đơn duy nhất trong số các đơn đó theo thoả thuận của tất cả những người nộp đơn; nếu không thoả thuận được thì các đối tượng tương ứng của các đơn đó bị từ chối cấp văn bằng bảo hộ.

      Nhìn chung nguyên tắc này sẽ ưu tiên những trường hợp trong đơn hợp lệ có ngày ưu tiên hoặc ngày nộp đơn sớm nhất trong số những đơn đáp ứng các điều kiện để được cấp văn bằng bảo hộ. Trường hợp những đơn cùng đáp ứng các điều kiện để được cấp văn bằng bảo hộ và cùng có ngày ưu tiên hoặc ngày nộp đơn sớm nhất thì sẽ được giải quyết theo quy định trên.

      Sở hữu trí tuệ bao gồm các đối tượng nào?

      Chào các anh/chị, tôi tên Mỹ Miều hiện sinh sống tại Long An, tôi đang tìm hiểu một số vấn đề về sở hữu trí tuệ nhưng kiến thức hạn chế nên chưa rõ lắm, Ban tư vấn vui lòng cho tôi hỏi: Sở hữu trí tuệ bao gồm các đối tượng nào? Được quy định tại đâu?

      Trả lời: Tại Khoản 1 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2009 có quy định Sở hữu trí tuệ bao gồm ba nhóm đối tượng: nhóm quyền tác giả (bản quyền tác giả), nhóm sở hữu công nghiệp (quyền sở hữu công nghiệp) và giống cây trồng. Cụ thể:

      - Đối tượng quyền tác giả bao gồm tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học; đối tượng quyền liên quan đến quyền tác giả bao gồm cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hoá.

      - Đối tượng quyền sở hữu công nghiệp bao gồm sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, bí mật kinh doanh, nhãn hiệu, tên thương mại và chỉ dẫn địa lý.

      - Đối tượng quyền đối với giống cây trồng là vật liệu nhân giống và vật liệu thu hoạch.

      Trân trọng!

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn