Để được cấp Thẻ giám định viên quyền tác giả, quyền liên quan phải đáp ứng điều kiện gì?

Bấm vào đây để xem bản dịch tiếng Anh của bài viết này Click HERE to see the English translation of this article
Ngày hỏi: 11/05/2023

Xin hỏi: Để được cấp Thẻ giám định viên quyền tác giả, quyền liên quan phải đáp ứng điều kiện gì?- Câu hỏi của chị Phương (Hà Nội).

    • Thành phần hồ sơ cấp Thẻ giám định viên quyền tác giả, quyền liên quan bao gồm những nội dung gì?

      Tại khoản 1 Điều 98 Nghị định 17/2023/NĐ-CP quy định về thành phần hồ sơ cấp Thẻ giám định viên quyền tác giả, quyền liên quan như sau:

      Thủ tục cấp, cấp lại, thu hồi Thẻ giám định viên quyền tác giả, quyền liên quan

      1. Cá nhân đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 3 Điều 201 của Luật Sở hữu trí tuệ yêu cầu cấp Thẻ giám định viên quyền tác giả, quyền liên quan nộp 01 bộ hồ sơ yêu cầu cấp Thẻ giám định viên trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính tới cơ quan chuyên môn quản lý nhà nước về quyền tác giả, quyền liên quan của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Hồ sơ bao gồm:

      a) Tờ khai yêu cầu cấp Thẻ giám định viên quyền tác giả, quyền liên quan (theo Mẫu số 10 của Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này);

      b) Bản chính hoặc bản sao chứng thực Kết quả đạt yêu cầu kiểm tra nghiệp vụ giám định hoặc văn bản của Hội đồng kiểm tra chấp nhận được miễn kiểm tra nghiệp vụ giám định;

      c) 02 ảnh màu cỡ 3 x 4 cm.

      ...

      Như vậy, thành phần hồ sơ cấp Thẻ giám định viên quyền tác giả, quyền liên quan gồm các giấy tờ bao gồm:

      - Tờ khai yêu cầu cấp Thẻ giám định viên quyền tác giả, quyền liên quan.

      - Bản chính hoặc bản sao chứng thực Kết quả đạt yêu cầu kiểm tra nghiệp vụ giám định hoặc văn bản của Hội đồng kiểm tra chấp nhận được miễn kiểm tra nghiệp vụ giám định;

      - 02 ảnh màu cỡ 3 x 4 cm.

      Để được cấp Thẻ giám định viên quyền tác giả, quyền liên quan phải đáp ứng điều kiện gì? (Hình từ Internet)

      Để được cấp Thẻ giám định viên quyền tác giả, quyền liên quan phải đáp ứng điều kiện gì?

      Tại khoản 1 Điều 93 Nghị định 17/2023/NĐ-CP và khoản 3 Điều 201 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 được sửa đổi bởi khoản 26 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2009, có quy định để được cấp Thẻ giám định viên quyền tác giả, quyền liên quan phải đáp ứng những điều kiện bao gồm:

      - Có đủ trình độ kiến thức, nghiệp vụ chuyên môn để đánh giá, kết luận về những vấn đề có liên quan đến nội dung cần giám định

      - Là công dân Việt Nam, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;

      - Thường trú tại Việt Nam;

      - Có phẩm chất đạo đức tốt;

      - Có trình độ đại học trở lên về chuyên ngành phù hợp với lĩnh vực đề nghị cấp thẻ giám định, đã qua thực tế hoạt động chuyên môn trong lĩnh vực đó từ năm năm trở lên và đạt yêu cầu kiểm tra nghiệp vụ về giám định.

      - Được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận và cấp Thẻ giám định viên quyền tác giả, quyền liên quan.

      Thủ tục cấp Thẻ giám định viên quyền tác giả, quyền liên quan được tiến hành như thế nào?

      Tại khoản 1 và khoản 2 Điều 98 Nghị định 17/2023/NĐ-CP quy định về thủ tục cấp thẻ giám định viên quyền tác giả, quyền liên quan được thực hiện theo các bước sau:

      Bước 1: Cá nhân nộp 01 bộ hồ sơ yêu cầu cấp Thẻ giám định viên trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính tới cơ quan chuyên môn quản lý nhà nước về quyền tác giả, quyền liên quan của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

      Bước 2: Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày Cơ quan chuyên môn quản lý nhà nước về quyền tác giả, quyền liên quan của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

      - Nếu đáp ứng các điều kiện thì Cơ quan chuyên môn quản lý nhà nước về quyền tác giả, quyền liên quan của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ra quyết định cấp Thẻ giám định viên.

      - Trường hợp không đáp ứng điều kiện cơ quan có thẩm quyền sẽ từ chối cấp Thẻ giám định viên đồng thời ra thông báo bằng văn bản nêu rõ lý do.

      Trân trọng!

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn