Nội dung thể hiện trên nhãn hàng hóa xuất khẩu không tiêu thụ trong nước có bắt buộc phải ghi bằng tiếng Việt không?

Bấm vào đây để xem bản dịch tiếng Anh của bài viết này Click HERE to see the English translation of this article
Ngày hỏi: 07/10/2022

Nội dung thể hiện trên nhãn hàng hóa xuất khẩu không tiêu thụ trong nước có bắt buộc phải ghi bằng tiếng Việt không? Nhãn phụ gắn trên hàng hóa đè lên nhãn gốc được không? 

Xin chào ban biên tập, doanh nghiệp của tôi có xuất khẩu sản phẩm sang nước ngoài không tiêu thụ trong nước, bây giờ ghi nội dụng trên nhãn hàng hóa thì có bắt buộc phải ghi bằng tiếng Việt không? Xin được giải đáp.

    • 1. Nội dung thể hiện trên nhãn hàng hóa xuất khẩu không tiêu thụ trong nước có bắt buộc phải ghi bằng tiếng Việt không?

      Căn cứ Điều 7 Nghị định 43/2017/NĐ-CP sửa đổi bởi Khoản 3 Điều 1 Nghị định 111/2021/NĐ-CP quy định ngôn ngữ trình bày nhãn hàng hóa như sau:

      1. Những nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn hàng hóa lưu thông tại thị trường Việt Nam phải ghi bằng tiếng Việt, trừ hàng hóa xuất khẩu không tiêu thụ trong nước và trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này.

      2. Hàng hóa được sản xuất và lưu thông trong nước, ngoài việc thực hiện quy định tại khoản 1 Điều này, nội dung thể hiện trên nhãn có thể được ghi bằng ngôn ngữ khác. Nội dung ghi bằng ngôn ngữ khác phải tương ứng nội dung tiếng Việt. Kích thước chữ được ghi bằng ngôn ngữ khác không được lớn hơn kích thước chữ của nội dung ghi bằng tiếng Việt.

      3. Hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam mà trên nhãn chưa thể hiện hoặc thể hiện chưa đủ những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt thì phải có nhãn phụ thể hiện những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt và giữ nguyên nhãn gốc của hàng hóa. Nội dung ghi bằng tiếng Việt phải tương ứng với nội dung ghi trên nhãn gốc.

      4. Các nội dung sau được phép ghi bằng các ngôn ngữ khác có gốc chữ cái La tinh:

      a) Tên quốc tế hoặc tên khoa học của thuốc dùng cho người trong trường hợp không có tên tiếng Việt;

      b) Tên quốc tế hoặc tên khoa học kèm công thức hóa học, công thức cấu tạo của hóa chất, dược chất, tá dược, thành phần của thuốc;

      c) Tên quốc tế hoặc tên khoa học của thành phần, thành phần định lượng của hàng hóa trong trường hợp không dịch được ra tiếng Việt hoặc dịch được ra tiếng Việt nhưng không có nghĩa;

      d) Tên và địa chỉ doanh nghiệp nước ngoài có liên quan đến sản xuất hàng hóa.

      Như vậy, đối với những nội dung ghi trên nhãn hàng hóa xuất khẩu không tiêu thụ trong nước thì không bắt buộc phải ghi bằng tiếng Việt. Doanh nghiệp anh/chị có thể ghi hoặc không ghi nội dung nhãn hàng hóa bằng tiếng Việt nhưng phải tuân thủ các quy định pháp luật về nhãn hàng hóa.

      2. Nhãn phụ gắn trên hàng hóa đè lên nhãn gốc được không?

      Theo Điều 8 Nghị định 43/2017/NĐ-CP sửa đổi bởi Điều 2 Nghị định 111/2021/NĐ-CP quy định ghi nhãn phụ như sau:

      1. Nhãn phụ sử dụng đối với hàng hóa nhập khẩu theo quy định tại khoản 3 Điều 7 của Nghị định này.

      2. Nhãn phụ được sử dụng đối với hàng hóa không xuất khẩu được hoặc bị trả lại, đưa ra lưu thông trên thị trường. (đã bị bãi bỏ)

      3. Nhãn phụ phải được gắn trên hàng hóa hoặc bao bì thương phẩm của hàng hóa và không được che khuất những nội dung bắt buộc của nhãn gốc.

      4. Nội dung ghi trên nhãn phụ là nội dung dịch nguyên ra tiếng Việt từ các nội dung bắt buộc ghi trên nhãn gốc và bổ sung các nội dung bắt buộc khác còn thiếu theo tính chất của hàng hóa theo quy định tại Nghị định này. Tổ chức, cá nhân ghi nhãn phải chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của nội dung ghi. Nội dung ghi trên nhãn phụ gồm cả nội dung được ghi bổ sung không làm hiểu sai nội dung trên nhãn gốc và phải phản ánh đúng bản chất và nguồn gốc của hàng hóa.

      Đối với hàng hóa không xuất khẩu được hoặc bị trả lại, đưa ra lưu thông trên thị trường thì trên nhãn phụ phải có dòng chữ in đậm “Được sản xuất tại Việt Nam”. (đã bị bãi bỏ)

      5. Những hàng hóa sau đây không phải ghi nhãn phụ:

      a) Linh kiện nhập khẩu để thay thế các linh kiện bị hỏng trong dịch vụ bảo hành hàng hóa của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đối với hàng hóa đó, không bán ra thị trường;

      b) Nguyên liệu, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, linh kiện nhập khẩu về để sản xuất, không bán ra thị trường.

      Theo đó, nhãn phụ phải được gắn trên hàng hóa hoặc bao bì thương phẩm của hàng hóa và không được che khuất những nội dung bắt buộc của nhãn gốc. Do đó, nhãn phụ có thể gắn đè lên nhãn gốc nhưng không được che khuất nội dung bắt buộc của nhãn gốc.

      Trân trọng!

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn