Các biện pháp phòng ngừa rủi ro các khoản vay, khoản phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh là gì?

Bấm vào đây để xem bản dịch tiếng Anh của bài viết này Click HERE to see the English translation of this article
Ngày hỏi: 26/11/2022

Các biện pháp phòng ngừa rủi ro các khoản vay, khoản phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh là gì? Các biện pháp xử lý rủi ro các khoản vay, khoản phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh là gì? Chế độ báo cáo đối với các khoản vay, khoản phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh?

Nhờ tư vấn giúp tôi, tôi cảm ơn.

    • 1. Các biện pháp phòng ngừa rủi ro các khoản vay, khoản phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh là gì?

      Tại Điều 37 Nghị định 91/2018/NĐ-CP quy định về các biện pháp phòng ngừa rủi ro các khoản vay, khoản phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh như sau:

      1. Khoản vay, khoản phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh được Bộ Tài chính phân loại nợ định kỳ trong quá trình theo dõi và tổng hợp vào bảng phân loại nợ thuộc chương trình quản lý rủi ro về nợ công theo tình trạng thực hiện nghĩa vụ trả nợ của đối tượng được bảo lãnh:

      a) Nhóm 1: Khoản vay, khoản phát hành trái phiếu đang được trả nợ đầy đủ, đúng hạn;

      b) Nhóm 2: Khoản vay, khoản phát hành trái phiếu phải vay Quỹ Tích lũy trả nợ từ 01 đến 03 kỳ trả nợ (lãi hoặc gốc hoặc cả gốc và lãi); hiện không còn dư nợ đối với Quỹ Tích lũy trả nợ;

      c) Nhóm 3: Khoản vay, khoản phát hành trái phiếu phải vay Quỹ Tích lũy trả nợ từ 01 đến 03 kỳ trả nợ; hiện còn dư nợ trong hạn đối với Quỹ Tích lũy trả nợ;

      d) Nhóm 4: Khoản vay, khoản phát hành trái phiếu phải vay Quỹ Tích lũy trả nợ trên 03 kỳ trả nợ; hiện đang có nợ quá hạn với Quỹ Tích lũy trả nợ;

      đ) Nhóm 5: Khoản vay, khoản phát hành trái phiếu không có khả năng trả nợ cho Quỹ Tích lũy trả nợ hoặc khả năng thu hồi nợ cho Quỹ Tích lũy trả nợ thấp.

      2. Đối tượng được bảo lãnh có các khoản nợ từ Nhóm 3 đến Nhóm 5 phải chịu sự giám sát tài chính của Ngân hàng phục vụ đối với dòng tiền ra, vào Tài khoản Dự án hàng tháng để quản lý rủi ro.

      3. Đối tượng được bảo lãnh có trách nhiệm thực hiện các nghiệp vụ phòng ngừa rủi ro như trích lập dự phòng để xử lý rủi ro theo quy định của pháp luật; xây dựng phương án, lựa chọn công cụ xử lý rủi ro phù hợp để phòng ngừa và xử lý rủi ro; mua bảo hiểm rủi ro về tín dụng.

      4. Đối tượng được bảo lãnh chịu sự thanh tra, kiểm tra, giám sát của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật để phòng ngừa và trong quá trình xử lý rủi ro.

      2. Các biện pháp xử lý rủi ro các khoản vay, khoản phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh là gì?

      Tại Điều 38 Nghị định 91/2018/NĐ-CP quy định về các biện pháp xử lý rủi ro các khoản vay, khoản phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh như sau:

      1. Bộ Tài chính áp dụng các nghiệp vụ quản lý và xử lý rủi ro như sau:

      a) Không xem xét cấp bảo lãnh cho những Đối tượng được bảo lãnh đang còn dư nợ vay Quỹ Tích lũy trả nợ, cho công ty mẹ có công ty con có nợ thuộc Nhóm 4 và Nhóm 5 quy định tại khoản 1 Điều 37 Nghị định này cho tới khi đã hoàn trả toàn bộ nợ vay Quỹ Tích lũy trả nợ và nợ được Chính phủ bảo lãnh;

      b) Thực hiện các quyền xử lý tài sản thế chấp và các quyền thu hồi nợ từ đối tượng được bảo lãnh theo quy định tại Nghị định này để thu hồi nợ;

      c) Đình chỉ việc phát hành trái phiếu của doanh nghiệp nếu không thực hiện phát hành theo đúng phương án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và thông báo phát hành của Bộ Tài chính; lãi suất phát hành vượt quá khung lãi suất do Bộ Tài chính thông báo; khối lượng phát hành vượt hạn mức đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

      2. Đối tượng được bảo lãnh có các khoản nợ thuộc Nhóm 4 và Nhóm 5 phải áp dụng các biện pháp để xử lý rủi ro sau đây:

      a) Nếu có nợ thuộc Nhóm 4: Đối tượng được bảo lãnh có trách nhiệm báo cáo định kỳ hàng tháng cho Bộ Tài chính và cơ quan chủ quản (nếu có) về toàn bộ dòng tiền thu, chi của doanh nghiệp;

      b) Nếu có nợ thuộc Nhóm 5: Đối tượng được bảo lãnh có trách nhiệm xây dựng Đề án cơ cấu lại nợ và chấp hành các biện pháp xử lý theo phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, kể cả việc xử lý tài sản bảo đảm (nếu có) để thu hồi nợ.

      3. Hàng năm, Quỹ Tích lũy trả nợ bố trí kế hoạch và nguồn dự phòng trả nợ đối với các khoản vay được Chính phủ bảo lãnh thuộc Nhóm 4 và Nhóm 5 theo nguyên tắc đảm bảo số dư Quỹ Tích lũy trả nợ ít nhất bằng nghĩa vụ phải trả trong năm của các khoản này từ nguồn thu phí bảo lãnh chính phủ.

      3. Chế độ báo cáo đối với các khoản vay, khoản phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh?

      Tại Điều 39 Nghị định 91/2018/NĐ-CP quy định về chế độ báo cáo đối với các khoản vay, khoản phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh như sau:

      1. Định kỳ hàng quý, 6 tháng, hàng năm, đối tượng được bảo lãnh là doanh nghiệp đầu tư dự án có trách nhiệm gửi các báo cáo cho Bộ Tài chính theo mẫu, biểu và thuyết minh nội dung do Bộ Tài chính hướng dẫn:

      a) Báo cáo quý về rút vốn, trả nợ: Trong vòng 10 ngày đầu hàng quý trong giai đoạn rút vốn, đối tượng được bảo lãnh có trách nhiệm cung cấp cho Bộ Tài chính số liệu chi tiết từng lần rút vốn, trả nợ, trả nợ trước hạn khoản vay; rút vốn, trả nợ hoặc mua lại trái phiếu đã phát hành được Chính phủ bảo lãnh của quí trước đó;

      b) Báo cáo 6 tháng về thực hiện dự án: Trong vòng 10 ngày đầu tháng 01 và 10 ngày đầu tháng 7 hàng năm, ngoài số liệu báo cáo theo quý nêu tại điểm a khoản 1 Điều này, Đối tượng được bảo lãnh có trách nhiệm báo cáo thuyết minh cụ thể về tình hình triển khai dự án trong giai đoạn rút vốn, tình hình vận hành và sản xuất kinh doanh trong giai đoạn vận hành cho đến khi kết thúc khoản vay được bảo lãnh;

      c) Báo cáo đánh giá kết thúc giai đoạn xây dựng: Trong vòng 06 tháng sau ngày ký biên bản nghiệm thu cuối cùng, đối tượng được bảo lãnh có trách nhiệm gửi Bộ Tài chính báo cáo đánh giá kết thúc giai đoạn xây dựng;

      d) Báo cáo kết thúc khoản vay: Sau khi thực hiện trả khoản nợ đến hạn cuối cùng, đối tượng được bảo lãnh có trách nhiệm gửi Bộ Tài chính báo cáo kết thúc khoản vay kèm theo Báo cáo quý về rút vốn, trả nợ;

      đ) Báo cáo tài chính: Trong vòng 10 ngày sau ngày lưu hành chính thức báo cáo tài chính năm (đã được kiểm toán và xác nhận bởi cơ quan Kiểm toán nhà nước hoặc một công ty kiểm toán độc lập) của đối tượng được bảo lãnh và của doanh nghiệp được thành lập để quản lý, vận hành Dự án (trường hợp có thành lập doanh nghiệp), đối tượng được bảo lãnh có trách nhiệm gửi cho Bộ Tài chính bản sao có chứng thực theo quy định;

      e) Báo cáo khi gia hạn thời gian rút vốn, điều chỉnh thời gian trả nợ khoản vay: Đối tượng được bảo lãnh có trách nhiệm gửi cho Bộ Tài chính đề nghị gia hạn thời gian rút vốn hoặc điều chỉnh thời gian trả nợ kèm theo báo cáo thuyết minh 30 ngày trước ngày hết hạn rút vốn hoặc trước ngày trả nợ tiếp theo

      2. Trong vòng 10 ngày kể từ khi phát sinh bất kỳ thay đổi hoặc sự kiện nào có thể có ảnh hưởng bất lợi đối với việc thực hiện dự án và trả nợ khoản vay, đối tượng được bảo lãnh có trách nhiệm báo cáo cho Bộ Tài chính về thực trạng, tình hình, nguyên nhân và biện pháp xử lý. Các trường hợp phải báo cáo gồm:

      a) Dự án triển khai chậm tiến độ so với kế hoạch rút vốn dự kiến từ 6 tháng trở lên;

      b) Vốn chủ sở hữu được bố trí chậm 6 tháng theo cam kết tại phương án tài chính tại hồ sơ thẩm định cấp bảo lãnh (các cổ đông không đóng góp trong trường hợp công ty cổ phần và Công ty mẹ không cấp vốn trong trường hợp công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên);

      c) Dự án chỉ đạt được 50% công suất dự kiến vào năm vận hành đầu tiên;

      d) Tỷ lệ tiêu thụ sản phẩm trong năm chỉ đạt được 50% kế hoạch, ảnh hưởng tới nguồn thu của công ty và có khả năng ảnh hưởng tới nguồn trả nợ theo thỏa thuận vay được Chính phủ bảo lãnh;

      đ) Dự kiến có sự thay đổi về cơ cấu cổ đông lớn, cổ đông sáng lập hoặc mô hình công ty theo quyết định của Hội đồng quản trị công ty hoặc của cơ quan cấp trên có thẩm quyền;

      e) Phát sinh vấn đề liên quan tới tài sản thế chấp của khoản vay;

      g) Phát sinh các ảnh hưởng bất lợi khác theo quy định của thỏa thuận vay được Chính phủ bảo lãnh.

      3. Báo cáo đột xuất theo yêu cầu của cơ quan cấp và quản lý bảo lãnh: Bộ Tài chính có quyền yêu cầu đối tượng được bảo lãnh báo cáo đột xuất về tình hình dự án, doanh nghiệp hoặc khoản vay, khoản phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh trong trường hợp cần thiết. Trong vòng 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được công văn yêu cầu của Bộ Tài chính, đối tượng được bảo lãnh gửi báo cáo trực tiếp cho Bộ Tài chính bằng đường bưu điện.

      4. Báo cáo khi không đảm bảo khả năng thanh toán nợ: Đối tượng được bảo lãnh có trách nhiệm báo cáo Bộ Tài chính chậm nhất là 45 ngày trước khi kỳ trả nợ đến hạn nếu gặp khó khăn tài chính và không đảm bảo khả năng thanh toán nợ đối với khoản vay, khoản phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh, khoản vay bắt buộc từ Quỹ Tích lũy trả nợ hoặc ngân sách nhà nước.

      5. Bộ Tài chính hướng dẫn các mẫu, biểu, nội dung báo cáo áp dụng cho các đối tượng được bảo lãnh theo quy định của Nghị định này.

      Trân trọng!

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn