Nguyên tắc phân bổ vốn ngân sách thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025

Bấm vào đây để xem bản dịch tiếng Anh của bài viết này Click HERE to see the English translation of this article
Ngày hỏi: 02/04/2022
    • Nguyên tắc phân bổ vốn ngân sách thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025
      (ảnh minh họa)
    • Nguyên tắc phân bổ vốn ngân sách thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025

      Căn cứ Điều 3 Quyết định 07/2022/QĐ-TTg nguyên tắc phân bổ vốn ngân sách thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 như sau:

      1. Nguồn vốn ngân sách trung ương phân bổ cho bộ, cơ quan trung ương và các tỉnh, cùng với nguồn vốn ngân sách địa phương thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; bảo đảm tính công bằng, công khai, minh bạch và phải tuân thủ theo quy định của Luật Đầu tư công, Luật Quản lý nợ công, Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản pháp luật có liên quan.

      2. Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững. Bảo đảm quản lý tập trung, thống nhất về mục tiêu, cơ chế, chính sách; thực hiện phân cấp trong quản lý đầu tư theo quy định của pháp luật, tạo quyền chủ động cho bộ, cơ quan trung ương và các cấp chính quyền địa phương.

      3. Ưu tiên hỗ trợ cho các xã, các huyện chưa đạt chuẩn nông thôn mới, nhất là các xã an toàn khu (trừ các xã an toàn khu thuộc khu vực I, khu vực II, khu vực III vùng dân tộc thiểu số và miền núi đã được bố trí vốn ngân sách trung ương của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 theo các tiêu chí, hệ số ưu tiên phân bổ được quy định tại Quyết định số 39/2021/QĐ-TTg ngày 30 tháng 12 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ), xã đạt dưới 15 tiêu chí.

      4. Hỗ trợ các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí nông thôn mới đã đạt chuẩn nhưng mức đạt chuẩn của một số chỉ tiêu còn chưa cao để nâng cao chất lượng các tiêu chí và bảo đảm bền vững. Các tỉnh chủ động cân đối nguồn vốn ngân sách địa phương và huy động các nguồn lực hợp pháp để thực hiện mục tiêu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu.

      5. Bố trí vốn ngân sách trung ương để thực hiện các chương trình chuyên đề được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; Chương trình đầu tư phát triển mạng lưới y tế cơ sở vùng khó khăn vay vốn Ngân hàng Phát triển Châu Á (sau đây gọi tắt là Chương trình vốn vay ADB) sau khi được Quốc hội cho phép bổ sung vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025; các nhiệm vụ đột xuất, phát sinh được cấp có thẩm quyền phê duyệt trong quá trình triển khai Chương trình.

      6. Bố trí vốn ngân sách trung ương cho các bộ, cơ quan trung ương để thực hiện công tác quản lý chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức triển khai các nội dung thành phần của Chương trình, các nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

      Cơ chế hỗ trợ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương thực hiện Chương trình

      Căn cứ Khoản 6 Điều này cơ chế hỗ trợ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương thực hiện Chương trình theo nguyên tắc:

      a) Nguồn vốn ngân sách trung ương năm 2021 (chuyển sang thực hiện năm 2022) được tiếp tục thực hiện theo cơ chế hỗ trợ như giai đoạn 2016 - 2020 và căn cứ theo dự toán ngân sách nhà nước năm 2014, theo nguyên tắc:

      Đối với các tỉnh có điều tiết về ngân sách trung ương: Không hỗ trợ vốn từ ngân sách trung ương (trừ tỉnh Quảng Ngãi).

      Đối với các tỉnh nhận hỗ trợ từ ngân sách trung ương với mức từ 50% trở lên: Ưu tiên bố trí ở mức độ cao phù hợp với tổng số xã; xã khu vực III vùng dân tộc thiểu số và miền núi đã được phê duyệt tại Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04 tháng 6 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ (trừ các phường, thị trấn, xã đã được cấp có thẩm quyền công nhận đạt chuẩn nông thôn mới), các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo đã được phê duyệt tại Quyết định số 353/QĐ-TTg ngày 15 tháng 3 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ (sau đây gọi chung là xã đặc biệt khó khăn).

      Đối với tỉnh Quảng Ngãi và các tỉnh nhận hỗ trợ từ ngân sách trung ương với mức dưới 50%: Bố trí vốn ở mức thấp hơn so với nhóm nhận hỗ trợ từ ngân sách trung ương với mức từ 50% trở lên.

      b) Nguồn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2022 - 2025, căn cứ dự toán ngân sách nhà nước năm 2022, thực hiện cơ chế hỗ trợ theo nguyên tắc:

      Ngân sách trung ương không hỗ trợ các tỉnh có điều tiết về ngân sách trung ương (trừ tỉnh Quảng Nam, tỉnh Quảng Ngãi).

      Ngân sách trung ương chỉ hỗ trợ các tỉnh nhận bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương và tỉnh Quảng Nam, tỉnh Quảng Ngãi, trong đó: Ưu tiên hỗ trợ các tỉnh miền núi, Tây Nguyên, các tỉnh còn lại nhận bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương từ 60% trở lên.

      Trân trọng!

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn