Chất thải rắn sinh hoạt từ hộ gia đình được phân loại như thế nào?

Bấm vào đây để xem bản dịch tiếng Anh của bài viết này Click HERE to see the English translation of this article
Ngày hỏi: 12/09/2022

Chất thải rắn sinh hoạt từ hộ gia đình được phân loại như thế nào? Việc thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt được quy định như thế nào?

Chào anh/chị, nơi tôi cư trú có thông báo hộ gia đình phải phân loại chất thải rắn sinh hoạt. Tôi không biết là chất thải rắn sinh hoạt từ hộ gia đình được phân loại thế nào? Nhờ anh/chị tư vấn.

    • 1. Chất thải rắn sinh hoạt từ hộ gia đình được phân loại như thế nào?

      Căn cứ Điều 75 Luật Bảo vệ môi trường 2020 có quy định về phân loại, lưu giữ, chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt như sau:

      1. Chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân được phân loại theo nguyên tắc như sau:

      a) Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế;

      b) Chất thải thực phẩm;

      c) Chất thải rắn sinh hoạt khác.

      2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định việc phân loại cụ thể chất thải rắn sinh hoạt quy định tại điểm c khoản 1 Điều này trên địa bàn theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường; có chính sách khuyến khích việc phân loại riêng chất thải nguy hại trong chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân.

      3. Hộ gia đình, cá nhân ở đô thị phải chứa, đựng chất thải rắn sinh hoạt sau khi thực hiện phân loại theo quy định tại khoản 1 Điều này vào các bao bì để chuyển giao như sau:

      a) Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế được chuyển giao cho tổ chức, cá nhân tái sử dụng, tái chế hoặc cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt;

      b) Chất thải thực phẩm và chất thải rắn sinh hoạt khác phải được chứa, đựng trong bao bì theo quy định và chuyển giao cho cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt; chất thải thực phẩm có thể được sử dụng làm phân bón hữu cơ, làm thức ăn chăn nuôi.

      4. Hộ gia đình, cá nhân ở nông thôn phát sinh chất thải rắn sinh hoạt sau khi thực hiện phân loại theo quy định tại khoản 1 Điều này thực hiện quản lý như sau:

      a) Khuyến khích tận dụng tối đa chất thải thực phẩm để làm phân bón hữu cơ, làm thức ăn chăn nuôi;

      b) Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế được chuyển giao cho tổ chức, cá nhân tái sử dụng, tái chế hoặc cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt;

      c) Chất thải thực phẩm không thực hiện theo quy định tại điểm a khoản này phải được chuyển giao cho cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt;

      d) Chất thải rắn sinh hoạt khác phải được chứa, đựng trong bao bì theo quy định và chuyển giao cho cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt.

      5. Khuyến khích hộ gia đình, cá nhân ở nông thôn phát sinh chất thải rắn sinh hoạt thực hiện phân loại, lưu giữ và chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt theo quy định tại khoản 3 Điều này.

      6. Việc phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải cồng kềnh được thực hiện theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

      7. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội các cấp vận động cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Cộng đồng dân cư, tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở có trách nhiệm giám sát việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân.

      Như vậy, theo quy định như trên, chất thải rắn sinh hoạt từ hộ gia đình được phân loại theo nguyên tắc phân loại riêng chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế với chất thải thực phẩm và chất thải rắn sinh hoạt khác.

      2. Việc thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt được quy định như thế nào?

      Tại Điều 77 Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định việc thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt được quy định như sau:

      1. Ủy ban nhân dân các cấp lựa chọn cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt thông qua hình thức đấu thầu theo quy định của pháp luật về đấu thầu; trường hợp không thể lựa chọn thông qua hình thức đấu thầu thì thực hiện theo hình thức đặt hàng hoặc giao nhiệm vụ theo quy định của pháp luật.

      2. Cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt có quyền từ chối thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân không phân loại, không sử dụng bao bì đúng quy định và thông báo cho cơ quan có thẩm quyền để kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp hộ gia đình, cá nhân sử dụng bao bì của chất thải rắn sinh hoạt khác theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 75 của Luật này.

      3. Cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt có trách nhiệm phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã, cộng đồng dân cư, đại diện khu dân cư trong việc xác định thời gian, địa điểm, tần suất và tuyến thu gom chất thải rắn sinh hoạt và công bố rộng rãi.

      4. Cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt phải sử dụng thiết bị, phương tiện được thiết kế phù hợp đối với từng loại chất thải rắn sinh hoạt đã được phân loại, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường; việc vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt phải thực hiện theo tuyến đường, thời gian theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

      5. Hộ gia đình, cá nhân có trách nhiệm chuyển chất thải rắn sinh hoạt đã được phân loại đến điểm tập kết theo quy định hoặc chuyển giao cho cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt.

      6. Chủ dự án đầu tư, chủ sở hữu, ban quản lý khu đô thị mới, chung cư cao tầng, tòa nhà văn phòng phải bố trí thiết bị, công trình lưu giữ chất thải rắn sinh hoạt phù hợp với các loại chất thải theo quy định tại khoản 1 Điều 75 của Luật này; tổ chức thu gom chất thải từ hộ gia đình, cá nhân và chuyển giao cho cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt.

      7. Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm sau đây:

      a) Kiểm tra việc tuân thủ quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trong việc thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt; xử lý hành vi vi phạm pháp luật về quản lý chất thải rắn sinh hoạt theo thẩm quyền; xem xét, giải quyết kiến nghị, phản ánh của tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân có liên quan đến việc thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt;

      b) Chủ trì, phối hợp với cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt, cộng đồng dân cư, tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở để xác định thời gian, địa điểm, tần suất và tuyến thu gom chất thải rắn sinh hoạt;

      c) Hướng dẫn hộ gia đình, cá nhân chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt cho cơ sở thu gom, vận chuyển hoặc đến điểm tập kết đúng quy định; hướng dẫn cộng đồng dân cư giám sát và công khai trường hợp không tuân thủ quy định về phân loại, thu gom chất thải rắn sinh hoạt.

      Theo đó, việc thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt được thực hiện theo quy định như trên.

      Trân trọng!

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn