Nhà hát phải thực hiện báo cáo định kỳ bao nhiêu tháng về công tác phòng cháy chữa cháy?

Bấm vào đây để xem bản dịch tiếng Anh của bài viết này Click HERE to see the English translation of this article
Ngày hỏi: 17/08/2022

Nhà hát phải thực hiện báo cáo định kỳ bao nhiêu tháng về công tác phòng cháy chữa cháy? Nhà hát không thực hiện báo cáo định kỳ về công tác phòng cháy chữa cháy bị phạt bao nhiêu tiền?

Chào Ban biên tập, tôi có vấn đề này cần được giải đáp. Tôi là giám đốc nhà hát tại thành phố Hội An. Tôi có thắc mắc là nhà hát phải thực hiện báo cáo định kỳ bao nhiêu tháng về công tác phòng cháy, chữa cháy? Nếu không thực hiện thì có bị xử phạt không?

Rất mong được Ban biên tập giải đáp, tôi cảm ơn.

    • 1. Nhà hát phải thực hiện báo cáo định kỳ bao nhiêu tháng về công tác phòng cháy chữa cháy?

      Tại Khoản 3 Điều 16 Nghị định 136/2020/NĐ-CP quy định kiểm tra về phòng cháy và chữa cháy như sau:

      3. Kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy được tiến hành theo hình thức kiểm tra thường xuyên, định kỳ, đột xuất, cụ thể:

      a) Người đứng đầu cơ sở, chủ phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy, chủ hộ gia đình, chủ rừng có trách nhiệm tổ chức kiểm tra thường xuyên về an toàn phòng cháy và chữa cháy trong phạm vi quản lý của mình;

      b) Người đứng đầu cơ sở thuộc danh mục quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này có trách nhiệm kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy thường xuyên; định kỳ 06 tháng gửi báo cáo kết quả kiểm tra về cơ quan Công an quản lý trực tiếp và chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả kiểm tra;

      c) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy định kỳ một năm một lần; kiểm tra đột xuất khi phát hiện các trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 17 Nghị định này hoặc vi phạm quy định an toàn về phòng cháy và chữa cháy mà có nguy cơ phát sinh cháy, nổ hoặc phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự theo văn bản chỉ đạo của cơ quan có thẩm quyền đối với các cơ sở thuộc danh mục quy định tại Phụ lục IVban hành kèm theo Nghị định này, khu dân cư thuộc phạm vi quản lý;

      Theo Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định 136/2020/NĐ-CP quy định danh mục cơ sở do cơ quan công an quản lý như sau:

      1. Trụ sở cơ quan nhà nước từ cấp huyện trở lên.

      2. Nhà chung cư cao từ 5 tầng trở lên hoặc có khối tích từ 5.000 m3 trở lên; nhà tập thể, nhà ở ký túc xá cao từ 5 tầng trở lên hoặc có khối tích từ 2.500 m3 trở lên; nhà hỗn hợp cao từ 5 tầng trở lên hoặc có khối tích từ 1.500 m3 trở lên.

      3. Nhà trẻ, trường mẫu giáo, mầm non có từ 100 cháu trở lên hoặc có tổng khối tích từ 1.000 m3 trở lên; trường tiểu học, trung học cơ sở có tổng khối tích từ 2.000 m3 trở lên; trường trung học phổ thông, trường phổ thông có nhiều cấp học; trường cao đẳng, đại học, học viện; trường trung cấp chuyên nghiệp; trường dạy nghề; cơ sở giáo dục thường xuyên; cơ sở giáo dục khác được thành lập theo Luật Giáo dục có tổng khối tích từ 1.000 m3 trở lên.

      4. Bệnh viện; phòng khám đa khoa, khám chuyên khoa, nhà điều dưỡng, phục hồi chức năng, chỉnh hình, nhà dưỡng lão, cơ sở phòng chống dịch bệnh, trung tâm y tế, cơ sở y tế khác được thành lập theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh cao từ 3 tầng trở lên hoặc có tổng khối tích từ 1.000 m3 trở lên.

      5. Nhà hát, rạp chiếu phim, rạp xiếc; trung tâm hội nghị, tổ chức sự kiện cao từ 3 tầng trở lên hoặc có tổng khối tích từ 1.500 m3 trở lên; nhà văn hóa, cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường cao từ 3 tầng trở lên hoặc khối tích từ 1.000 m3 trở lên; quán bar, câu lạc bộ, thẩm mỹ viện, kinh doanh dịch vụ xoa bóp, công viên giải trí, vườn thú, thủy cung cao từ 3 tầng trở lên hoặc có tổng khối tích từ 1.500 m3 trở lên.

      Như vậy, bạn là giám đốc của nhà hát Hội An nên bạn sẽ có nghĩa vụ làm báo cáo định kỳ 6 tháng về công tác phòng cháy, chữa cháy cho cơ quan Công an quản lý. Nếu bạn không thực hiện làm báo cáo định kỳ bạn sẽ bị xử phạt hành chính.

      2. Nhà hát không thực hiện báo cáo định kỳ về công tác phòng cháy chữa cháy bị phạt bao nhiêu tiền?

      Căn cứ Khoản 2 Điều 30 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định vi phạm quy định về kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ như sau:

      2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

      a) Không tổ chức thực hiện văn bản hướng dẫn, chỉ đạo về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ của cơ quan có thẩm quyền;

      b) Không thực hiện văn bản yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ của cơ quan có thẩm quyền;

      c) Không xuất trình hồ sơ, tài liệu phục vụ kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ;

      d) Không bố trí người có thẩm quyền, trách nhiệm làm việc với người có thẩm quyền kiểm tra khi đã nhận được thông báo về việc kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ;

      đ) Không tự kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo quy định của pháp luật;

      e) Không gửi báo cáo kết quả kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy theo quy định của pháp luật.

      Theo Khoản 2 Điều 4 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định mức phạt tiền:

      2. Mức phạt tiền quy định tại Chương II Nghị định này là mức phạt được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

      Do đó, nếu bạn không thực hiện báo cáo định kỳ về công tác phòng cháy, chữa cháy cho cơ quan Công an quản lý bạn sẽ bị xử phạt từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.

      Trân trọng!

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn