Rét đậm là gì? Hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn quốc gia có những phương án được sử dụng dự báo, cảnh báo rét đậm?

Bấm vào đây để xem bản dịch tiếng Anh của bài viết này Click HERE to see the English translation of this article
Ngày hỏi: 02/03/2023

Xin hỏi Rét đậm là gì? Các phương án nào được sử dụng trong dự báo, cảnh báo rét đậm tại hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn quốc gia? - Câu hỏi của Hạ Lan (Quảng Trị).

    • Rét đậm là gì?

      Căn cứ Điều 3 Thông tư 25/2022/TT-BTNMT (có hiệu lực từ ngày 15/03/2023) quy định về định nghĩa rét đậm như sau:

      Giải thích từ ngữ

      Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

      1. Hiện tượng khí tượng thủy văn nguy hiểm là trạng thái, diễn biến bất thường của thời tiết, các yếu tố thủy văn, hải văn, có thể gây thiệt hại về người, tài sản ảnh hưởng đến môi trường, điều kiện sống, cơ sở hạ tầng và các hoạt động kinh tế - xã hội.

      2. Phương án dự báo, cảnh báo là cách thức cụ thể để phân tích, tính toán, dự báo, cảnh báo các yếu tố hoặc hiện tượng khí tượng thủy văn tại địa điểm hoặc khu vực.

      3. Bổ sung bản tin dự báo là việc tăng số lượng bản tin dự báo so với quy định để điều chỉnh, hiệu chỉnh nội dung bản tin trên cơ sở những thông tin mới nhất nhằm đáp ứng kịp thời và đảm bảo độ tin cậy của dự báo.

      4. Đánh giá chất lượng dự báo là các hoạt động nhằm xác định tính đầy đủ, kịp thời của bản tin dự báo và độ tin cậy của các yếu tố, hiện tượng dự báo.

      5. Không khí lạnh là hiện tượng thời tiết nguy hiểm do khối không khí lạnh từ phía Bắc xâm nhập xuống nước ta, hệ thống gió đang tồn tại ở miền Bắc thay đổi một cách cơ bản trở thành hệ thống gió có hướng lệch Bắc và khí áp tăng.

      6. Rét đậm là dạng thời tiết đặc biệt xảy ra trong mùa đông khi nhiệt độ không khí trung bình ngày xuống dưới 15 độ C.

      7. Băng giá là hiện tượng khi hơi nước bốc lên, gặp không khí lạnh ở bề mặt ngưng tụ thành các hạt nước đá li ti.

      8. Dông là hiện tượng thời tiết khi có sự phóng điện của đám mây, biểu hiện bằng tia chớp hoặc tiếng sấm. Dông thường xuất hiện trong các đám mây đối lưu (Mây Cb) và đi kèm mưa, mưa rào, mưa đá, gió giật mạnh.

      9. Triều cường là hiện tượng thủy triều trong khu vực dâng cao vượt mốc cảnh báo mực nước thủy triều trong khu vực. Triều cường cao sẽ gây ngập tại những vùng trũng, thấp ven biển, cửa sông, khu vực ngoài đê bao, làm gia tăng nguy cơ sạt lở, vỡ đê và xâm nhập mặn, nhất là trong trường hợp kết hợp với nước dâng và sóng lớn do bão, áp thấp nhiệt đới và gió mùa có cường độ mạnh ảnh hưởng tới khu vực.

      Như vậy, rét đậm là dạng thời tiết đặc biệt xảy ra trong mùa đông khi nhiệt độ không khí trung bình ngày xuống dưới 15 độ C.

      (Hình từ Internet)

      Hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn quốc gia có những phương án được sử dụng dự báo, cảnh báo rét đậm?

      Theo Điều 17 Thông tư 25/2022/TT-BTNMT (có hiệu lực từ ngày 15/03/2023) quy định về các phương án được sử dụng trong dự báo, cảnh báo rét đậm tại hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn quốc gia như sau:

      Quy trình kỹ thuật dự báo, cảnh báo không khí lạnh và rét đậm, rét hại, băng giá, sương muối

      1. Thu thập, xử lý các loại thông tin, dữ liệu

      a) Dữ liệu về các hình thế thời tiết có không khí lạnh ảnh hưởng trên các bản đồ thời tiết;

      b) Dữ liệu quan trắc khí tượng bề mặt, hải văn khi có không khí lạnh ảnh hưởng tới nước ta;

      c) Dữ liệu về dự báo không khí lạnh thông qua các sản phẩm số trị;

      d) Dữ liệu quan trắc vệ tinh, ra đa, thám không.

      2. Phân tích, đánh giá hiện trạng

      a) Đánh giá, phân tích số liệu thu thập được để nhận dạng các hình thế thời tiết có không khí lạnh ảnh hưởng, hình thế thời tiết có tác động làm không khí lạnh mạnh hơn hay yếu đi;

      b) Xác định cường độ không khí lạnh qua yếu tố nhiệt độ thấp nhất, gió mạnh trên biển và khả năng xuất hiện rét đậm, rét hại, băng giá, sương muối;

      c) Xác định phạm vi không khí lạnh, rét đậm, rét hại, băng giá, sương muối;

      d) Xác định diễn biến không khí lạnh qua cường độ không khí lạnh và phạm vi xảy ra không khí lạnh, rét đậm, rét hại, băng giá, sương muối trong khoảng 24 đến 48 giờ trước.

      3. Thực hiện các phương án dự báo, cảnh báo

      a) Các phương án được sử dụng trong dự báo, cảnh báo không khí lạnh và rét đậm, rét hại, băng giá, sương muối tại hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn quốc gia: Phương án dựa trên phương pháp thống kê; phương án dựa trên phương pháp mô hình số trị (đơn lẻ và tổ hợp); phương án phân tích kinh nghiệm của dự báo viên căn cứ vào các kết quả dự báo thống kê, dự báo mô hình số trị; phương án dựa trên cơ sở các phương pháp khác (nếu có);

      b) Căn cứ vào điều kiện cụ thể, tổ chức, cá nhân không thuộc hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn quốc gia tự quy định việc sử dụng các phương án dự báo, cảnh báo cho phù hợp.

      Theo đó, các phương án được sử dụng trong dự báo, cảnh báo rét đậm tại hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn quốc gia như sau:

      Phương án dựa trên phương pháp thống kê;

      Phương án dựa trên phương pháp mô hình số trị (đơn lẻ và tổ hợp);

      Phương án phân tích kinh nghiệm của dự báo viên căn cứ vào các kết quả dự báo thống kê, dự báo mô hình số trị;

      Phương án dựa trên cơ sở các phương pháp khác (nếu có).

      Tần suất và thời gian ban hành bản tin rét đậm được quy định như thế nào?

      Tại Điều 18 Thông tư 25/2022/TT-BTNMT (có hiệu lực từ ngày 15/03/2023) quy định về tần suất và thời gian ban hành bản tin rét đậm như sau:

      Tần suất và thời gian ban hành bản tin không khí lạnh và rét đậm, rét hại, băng giá, sương muối

      1. Hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn quốc gia

      a) Ban hành các bản tin dự báo, cảnh báo rét hại, sương muối với tần suất và thời gian theo quy định tại khoản 2 Điều 25 Quyết định số 18/2021/QĐ-TTg;

      b) Ban hành bản tin dự báo, cảnh báo không khí lạnh, rét đậm, băng giá đầu tiên khi phát hiện khả năng xuất hiện không khí lạnh, rét đậm, băng giá trong khu vực cảnh báo, dự báo; các bản tin dự báo, cảnh báo không khí lạnh, rét đậm, băng giá tiếp theo được ban hành mỗi ngày 04 bản tin vào lúc: 03 giờ 30, 09 giờ 30, 15 giờ 30 và 21 giờ 30.

      2. Các tổ chức, cá nhân không thuộc hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn quốc gia có trách nhiệm quy định tần suất, thời gian ban hành các bản tin phù hợp với yêu cầu thực tế.

      Căn cứ quy định trên, các bản tin dự báo, cảnh báo rét đậm được ban hành mỗi ngày 04 bản tin vào lúc: 03 giờ 30, 09 giờ 30, 15 giờ 30 và 21 giờ 30.

      Trân trọng!

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    • Điều 3 Thông tư 25/2022/TT-BTNMT Tải về
    • Điều 17 Thông tư 25/2022/TT-BTNMT Tải về
    • Điều 18 Thông tư 25/2022/TT-BTNMT Tải về
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn