Rừng là gì? Nguyên tắc bảo vệ và phát triển rừng

Chưa có bản dịch tiếng Anh của bài viết này, nhấn vào đây để quay về trang chủ tiếng Anh There is no English translation of this article. Click HERE to turn back English Homepage
Ngày hỏi: 13/09/2016

Rừng là gì? Lâm sản là gì? Căn cứ vào mục đích sử dụng chủ yếu, rừng được phân vào những loại nào? Bảo vệ và phát triển rừng phải tuân theo nguyên tắc nào? Để bảo vệ và phát triển rừng, hành vi nào bị nghiêm cấm?

    • Theo Điều 3, Điều 4, Điều 9 và Điều 12 Luật bảo vệ và phát triển rừng năm 2004 thì rừng là một hệ sinh thái bao gồm quần thể thực vật rừng, động vật rừng, vi sinh vật rừng, đất rừng và các yếu tố môi trường khác, trong đó có cây gỗ, tre nứa hoặc hệ thực vật đặc trưng là thành phần chính có độ che phủ của tán rừng từ 0.1 trở lên. Rừng gồm rừng trồng và rừng tự nhiên trên đất rừng sản xuất, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng. Lâm sản là sản phẩm khai thác từ rừng gồm thực vật rừng, động vật rừng và các sinh vật rừng khác. Lâm sản gồm gỗ và lâm sản ngoài gỗ.

      Căn cứ vào mục đích sử dụng chủ yếu, rừng được phân thành ba loại sau đây: Rừng phòng hộ được sử dụng chủ yếu để bảo vệ nguồn nước, bảo vệ đất, chống xói mòn, chống sa mạc hóa, hạn chế thiên tai, điều hòa khí hậu, góp phần bảo vệ môi trường, bao gồm: rừng phòng hộ đầu nguồn; rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay; rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển, rừng phòng hộ bảo vệ môi trường; Rừng đặc dụng được sử dụng chủ yếu để bảo tồn thiên nhiên, mẫu chuẩn hệ sinh thái rừng của quốc gia, nguồn gen sinh vật rừng; nghiên cứu khoa học; bảo vệ di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh; phục vụ nghỉ ngơi, du lịch, kết hợp phòng hộ, góp phần bảo vệ môi trường, bao gồm: vườn quốc gia; khu bảo tồn thiên nhiên gồm khu dự trữ thiên nhiên, khu bảo tồn loài - sinh cảnh; khu bảo vệ cảnh quan gồm khu rừng di tích lịch sử, văn hóa. danh lam thắng cảnh; khu rừng nghiên cứu, thực nghiệm khoa học; Rừng sản xuất được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh gỗ, lâm sản ngoài gỗ và kết hợp phòng hộ, góp phần bảo vệ môi trường, bao gồm: rừng sản xuất là rừng tự nhiên; rừng sản xuất là rừng trồng, rừng giống gồm rừng trồng và rừng tự nhiên qua bình tuyển, công nhận.

      Bảo vệ và phát triển rừng phải tuân theo nguyên tắc sau: Hoạt động bảo vệ và phát triển rừng phải bảo đảm phát triển bền vững về kinh tế xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh; phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, chiến lược phát triển lâm nghiệp; đúng quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng của cả nước và địa phương; tuân theo quy chế quản lý rừng do Thủ tướng Chính phủ quy định. Bảo vệ rừng là trách nhiệm của mọi cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân. Hoạt động bảo vệ và phát triển rừng phải đảm bảo nguyên tắc quản lý rừng bền vững; kết hợp bảo vệ và phát triển rừng với khai thác hợp lý để phát hiệu quả tài nguyên rừng; kết hợp chặt chẽ giữa trồng rừng, khoanh nuôi tái sinh phục hồi rừng, làm giầu rừng với bảo vệ diện tích rừng hiện có; kết hợp lâm nghiệp với nông nghiệp và ngư nghiệp; đẩy mạnh trồng rừng kinh tế gắn với phát triển công nghiệp chế biến lâm sản nhằm nâng cao giá trị sản phẩm rừng. Việc bảo về và phát triển rừng phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Việc giao, cho thuê, thu hồi, chuyển mục đích sử dụng rừng và đất phải tuân theo các quy định của Luật bảo vệ và phát triển rừng, Luật đất đai và các quy định khác của pháp luật có liên quan, bảo đảm ổn định lâu dài theo hướng xã hội hóa nghề rừng. Bảo đảm hài hòa lợi ích kinh tế của rừng với lợi ích giữa Nhà nước với chủ rừng; giữa lợi ích kinh tế của rừng với lợi ích phòng hộ, bảo vệ môi trường và bảo tồn thiên nhiên; giữa lợi ích trước mắt và lợi ích lâu dài; bảo đảm cho người làm nghề rừng sống chủ yếu bằng nghề rừng. Chủ rừng thực hiện các quyền, nghĩa vụ của mình trong thời hạn sử dụng rừng theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật không làm tổn hại đến lợi ích chính đáng của chủ rừng khác.

      Để bảo vệ và phát triển rừng, những hành vi sau đây bị nghiêm cấm: Chặt phá rừng, khai thác rừng trái phép. Săn, bắn, bắt, bẫy, nuôi nhốt, giết mổ động vật rừng trái phép. Thu thập mẫu vật trái phép trong rừng. Hủy hoại trái phép tài nguyên rừng, hệ sinh thái rừng. Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy rừng. Vi phạm quy định về phòng, trừ sinh vật hại rừng. Lấn, chiếm, chuyển mục đích sử dụng rừng trái phép. Khai thác trái phép cảnh quan, môi trường và các dịch vụ lâm nghiệp. Vận chuyển, chế biến, quảng cáo, kinh doanh, sử dụng, tiêu thụ, tàng trữ, xuất khẩu, nhập khẩu thực vật rừng, động vật rừng trái với quy định của pháp luật. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái quy định về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Chăn thả gia súc trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của khu rừng đặc dụng, trong rừng mới trồng, rừng non. Nuôi, trồng, thả vào rừng đặc dụng các loài động vật không có nguồn gốc bản địa khi chưa được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Khai thác trái phép tài nguyên sinh vật, tài nguyên khoáng sản và các tài nguyên thiên nhiên khác; làm thay đổi cảnh quan thiên nhiên, diễn biến tự nhiên của rừng; làm ảnh hưởng xấu đến đời sống tự nhiên của các loài sinh vật rừng; mang trái phép hóa chất độc hại, chất nổ, chất dễ cháy vào rừng. Giao rừng, cho thuê rừng, chuyển đổi, chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho, thế chấp, bảo lãnh, góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng rừng, giá trị rừng sản xuất là rừng trồng trái pháp luật. Phá hoại các công trình phục vụ việc bảo vệ và phát triển rừng. Các hành vi khác xâm hại đến tài nguyên rừng, hệ sinh thái rừng.

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn