Tiếp nhận nhiên liệu hàng không nhập khẩu vào kho đầu nguồn

Chưa có bản dịch tiếng Anh của bài viết này, nhấn vào đây để quay về trang chủ tiếng Anh There is no English translation of this article. Click HERE to turn back English Homepage
Ngày hỏi: 27/09/2017

Tiếp nhận nhiên liệu hàng không nhập khẩu vào kho đầu nguồn được quy định như thế nào? Xin chào Ban biên tập Thư Ký Luật. Tôi tên là Trần Hào. Tôi đang làm việc tại bộ phận nhiên liệu, Cảng hàng không Cà Mau. Để phục vụ cho nhu cầu công việc, tôi có thắc mắc muốn nhờ Ban biên tập tư vấn giúp tôi, cụ thể việc tiếp nhận nhiên liệu hàng không nhập khẩu vào kho đầu nguồn được quy định như thế nào? Văn bản pháp luật nào quy định vấn đề này? Tôi hy vọng sớm nhận được tư vấn từ Ban biên tập. Tôi xin chân thành cảm ơn Ban biên tập Thư Ký Luật! (093***)

    • Tiếp nhận nhiên liệu hàng không nhập khẩu vào kho đầu nguồn được quy định tại Điều 21 Thông tư 38/2014/TT-BGTVT về bảo đảm kỹ thuật nhiên liệu hàng không tại Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành như sau:

      1. Kho đầu nguồn phải hoàn tất việc chuẩn bị tiếp nhận trước khi tàu vận chuyển nhiên liệu cập cảng trả hàng theo thời gian thông báo của chủ hàng, chủ phương tiện vận chuyển hoặc đại lý hàng hải.

      2. Chủ lô hàng nhập khẩu hoặc người được ủy quyền phải hoàn tất thủ tục hải quan, thông báo cho tổ chức giám định để giám định số lượng, chất lượng nhiên liệu theo quy định của hợp đồng.

      3. Người bán hàng phải lập và gửi theo tàu vận chuyển các loại chứng từ, hồ sơ xác nhận số lượng, chất lượng nhiên liệu vận chuyển như sau:

      a) Hóa đơn xuất hàng xác nhận chủng loại, số lượng nhiên liệu xuất xuống tàu, bao gồm cả số lượng trong từng hầm hàng. Nếu nhiên liệu xuất là của từ 2 lô khác nhau trở lên thì phải ghi rõ số lượng xuất xuống tàu của từng lô, bể chứa và xuất gọn theo từng lô, bể chứa, đảm bảo hạn chế đến mức thấp nhất lượng nhiên liệu bị lẫn của các lô, bể chứa.

      b) Chứng nhận giám định số lượng nhiên liệu trên tàu của tổ chức giám định độc lập tại cảng xuống hàng.

      c) Các chứng nhận chất lượng nhiên liệu theo quy định tại khoản 9 Điều 20 của Thông tư này.

      d) Đối với tàu không chuyên dụng, Chứng nhận kiểm tra lại của mẫu gộp lấy từ các hầm hàng sau khi cấp đủ số lượng nhiên liệu xuống phương tiện. Kết quả kiểm tra lại phải được gửi đến kho tiếp nhận trước khi phương tiện vận chuyển đến trả hàng (có thể gửi kết quả kiểm tra lại qua fax hoặc e-mail).

      đ) Xác nhận của chủ phương tiện về chủng loại nhiên liệu đã vận chuyển, biên bản làm sạch phương tiện (nếu có). Nội dung biên bản làm sạch phương tiện phải ghi rõ: chủng loại nhiên liệu đã vận chuyển, quy trình làm sạch, kết quả kiểm tra độ sạch, thời gian và xác nhận của người thực hiện, người kiểm tra và đại diện chủ phương tiện.

      e) Mẫu thuyền trưởng: lập mẫu thuyền trưởng, niêm phong có xác nhận của đại diện người bán, chủ phương tiện và tổ chức giám định độc lập; giao mẫu cho đơn vị giám định độc lập lưu mẫu. Thời gian lưu mẫu tối thiểu là 1 tháng (nếu có tranh chấp về chất lượng trong quá trình nhập tàu thì phải lưu mẫu đến khi tranh chấp được giải quyết xong). Chỉ xem xét mẫu thuyền trưởng khi có nghi vấn về chất lượng nhiên liệu tại cảng giao hàng.

      4. Kiểm tra tàu, số lượng, chất lượng nhiên liệu trước khi tiếp nhận

      a) Kiểm tra hồ sơ phương tiện (đăng kiểm, dung tích các hầm hàng, xác nhận chủng loại nhiên liệu đã vận chuyển và biên bản làm sạch phương tiện) và các chứng từ về số lượng, chất lượng hàng hóa và mẫu thuyền trưởng. Các loại hồ sơ, chứng từ phải đầy đủ và hợp lệ.

      b) Kiểm tra hệ thống công nghệ tàu dầu, các hầm phụ, hầm dầu chạy máy tàu; cô lập hệ thống công nghệ và các hầm phụ để nhiên liệu không bị rò rỉ, thất thoát trong quá trình tiếp nhận; niêm phong các hầm hàng phải còn nguyên vẹn, đúng vị trí, không bị tháo gỡ trong quá trình vận chuyển.

      c) Kiểm tra, xác định số lượng nhiên liệu, lượng nước tự do trong từng hầm hàng thì dùng thuốc thử nước hoặc thiết bị cảm biến xác định nước để kiểm tra lượng nước tự do.

      5. Kiểm tra chất lượng nhiên liệu trên tàu dầu trước khi tiếp nhận

      a) Kiểm tra sơ bộ được thực hiện: lấy từ mỗi hầm hàng 01 lít mẫu giữa, kiểm tra đối chứng và độ dẫn điện; nhiên liệu trong hầm hàng được xem xét có nghi vấn về chất lượng khi có một trong các kết quả kiểm tra như: hao hụt số lượng vượt quá định mức quy định của hợp đồng; lượng nước tự do nhiều, nhiễm bẩn tạp chất hoặc biến màu; sai lệch khối lượng riêng của nhiên liệu ở 15 °C giữa đo thực tế và trên chứng nhận chất lượng của nhà máy lớn hơn 3 kg/m3 thì người mua phải thông báo cho người bán và chủ phương tiện vận chuyển về số lượng và chất lượng nhiên liệu của các hầm có nghi vấn về chất lượng để làm rõ nguyên nhân và biện pháp xử lý.

      b) Kiểm tra lại được thực hiện khi các hầm hàng không có nghi vấn về chất lượng: lập mẫu hỗn hợp theo tỷ lệ nhiên liệu trong các hầm, kiểm tra lại chất lượng tại các phòng thử nghiệm nhiên liệu đạt tiêu chuẩn ISO/IEC 17025. Các hầm hàng có nghi vấn về chất lượng thì việc kiểm tra lại phải thực hiện với từng hầm. Không được tiếp nhận làm nhiên liệu hàng không khi kết quả kiểm tra lại không đạt tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm (ngoại trừ độ dẫn điện). Tiếp nhận nhiên liệu vào kho cảng đầu nguồn khi kết quả kiểm tra lại phù hợp yêu cầu chất lượng sản phẩm; trước khi tiếp nhận, phải lấy 5 lít mẫu hỗn hợp từ các hầm hàng để lập mẫu lưu, niêm phong mẫu và phải có xác nhận của thuyền trưởng hoặc đại diện chủ tàu, tổ chức giám định độc lập, kho nhận hàng; mẫu được lưu tại tổ chức giám định độc lập. Thời gian lưu tối thiểu là 1 tháng sau khi kết thúc nhập hàng xong vào kho, mẫu lưu được xem xét khi có nghi vấn về chất lượng nhiên liệu; trường hợp độ dẫn điện của nhiên liệu trong hầm hàng nào đó thấp hơn giới hạn tối thiểu của tiêu chuẩn sản phẩm, cho phép tiếp nhận làm nhiên liệu hàng không nhưng nếu cần thiết có thể tổ chức pha bổ sung phụ gia chống tĩnh điện vào nhiên liệu trong quá trình tiếp nhận theo phương pháp thích hợp để đảm bảo phụ gia được trộn đều với sản phẩm.

      6. Tiếp nhận nhiên liệu

      a) Chỉ tiếp nhận nhiên liệu hàng không, nhất là nhiên liệu Jet A-1 từ tàu vận chuyển vào kho đầu nguồn qua hệ thống công nghệ chuyên dụng cho Jet A-1. Nhiên liệu hàng không được tiếp nhận vào kho phải là nhiên liệu sạch và đảm bảo chất lượng, nếu nhiên liệu có nhiễm bẩn (nước, tạp chất, biến màu) thì phải tiếp nhận vào bể phân ly.

      b) Nếu tàu vận chuyển đồng thời hai loại nhiên liệu khác nhau, phải tiếp nhận nhiên liệu hàng không trước và tìm mọi biện pháp để hạn chế khả năng lẫn các loại nhiên liệu khác vào nhiên liệu hàng không.

      c) Phải lấy mẫu kiểm tra đối chứng trong quá trình tiếp nhận. Vị trí lấy mẫu trên hệ thống công nghệ càng gần tàu càng tốt. Đối với tàu chuyên dụng thì lấy mẫu sau khi bơm hàng khoảng 5 phút và trước khi kết thúc bơm hàng từ từng hầm hàng. Đối với tàu không chuyên dụng thì ngoài việc lấy mẫu, kiểm tra như tàu chuyên dụng, phải lấy mẫu kiểm tra đối chứng ít nhất 2 giờ một lần trong suốt quá trình tiếp nhận; nếu phát hiện nhiên liệu bị nhiễm bẩn (có nước, tạp chất, thay đổi màu sắc) thì phải thông báo ngay cho thuyền trưởng để làm rõ nguyên nhân; nếu bị nhiễm bẩn nhiều (màu sắc thay đổi đột biến, nước, tạp chất nhiều, sai lệch khối lượng riêng ở 15 °C vượt quá 3 kg/m3) thì phải dừng việc tiếp nhận để tìm nguyên nhân xử lý.

      d) Khi thu hồi hết nhiên liệu trong hệ thống công nghệ bằng phương pháp bơm nước, phải dùng nước ngọt hoặc nước đệm thích hợp (pH trung tính), không dùng nước biển để đẩy nhiên liệu (với các hệ thống công nghệ không tiếp nhận thường xuyên) phải kiểm soát chính xác thời điểm xuất hiện hỗn hợp nhiên liệu - nước tại khu bể chứa để chuyển, tiếp nhận vào bể phân ly.

      7. Kết thúc tiếp nhận

      a) Tiếp nhận nhiên liệu vào từng bể đến mức chứa tối đa cho phép, không để tràn nhiên liệu gây ô nhiễm môi trường gây uy hiếp an toàn cháy, nổ. Để nhiên liệu tự ổn định theo quy định, tiến hành lấy mẫu kiểm tra chất lượng theo quy định kiểm tra lại.

      b) Xác định số lượng nhiên liệu nhập kho và tỷ lệ hao hụt trong tiếp nhận;

      c) Trước khi cho tàu ra khỏi vị trí trả hàng, phải kiểm tra các hầm hàng, hầm phụ để đảm bảo nhiên liệu Jet A-1 không còn trên tàu, trừ trường hợp chỉ tiếp nhận một phần.

      d) Nhiên liệu trong các bể phân ly (nếu có) phải được để ổn định, xả tạp chất, nước. Mẫu lấy được phải trong và sạch, xác định số lượng, kiểm tra chất lượng theo quy định kiểm tra lại. Nếu chất lượng phù hợp yêu cầu nhiên liệu hàng không thì bơm chuyển vào bể chứa nhiên liệu cùng chủng loại. Trước khi cấp phát, phải lấy mẫu để kiểm tra chất lượng theo quy định về kiểm tra lại.

      Trên đây là nội dung quy định về việc tiếp nhận nhiên liệu hàng không nhập khẩu vào kho đầu nguồn. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này bạn nên tham khảo thêm tại Thông tư 38/2014/TT-BGTVT.

      Trân trọng!

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn