Xử lý hành vi phá rừng phòng hộ để làm nương rẫy trồng hoa màu?

Bấm vào đây để xem bản dịch tiếng Anh của bài viết này Click HERE to see the English translation of this article
Ngày hỏi: 30/07/2022

Xử lý hành vi phá rừng phòng hộ để làm nương rẫy trồng hoa màu? Khai thác trái pháp luật gỗ thông thường trong rừng phòng hộ bị xử phạt như thế nào?

Công an xã Y bắt gặp ông T đang trồng sắn trên diện tích khoảng 200m2 trong khu rừng phòng hộ. Dấu tích cây bị chặt và đốt cháy còn rất rõ. Tuy nhiên, ông T khai là ông đến đây thì đã thấy như vậy và ông đã về mang sắn đến để trồng, không phải người phá rừng. Qua thu thập chứng cứ, Công an xã đã xác minh ông T là người trực tiếp chặt và đốt diện tích rừng phòng hộ nói trên để làm rẫy.

Như vậy hành vi xử lý hành vi phá rừng phòng hộ để làm nương rẫy trồng hoa màu bị xử lý như thế nào? Khai thác trái pháp luật gỗ thông thường trong rừng phòng hộ bị xử phạt như thế nào?

Mong Luật sư tư vấn. Tôi cảm ơn.

    • 1. Xử lý hành vi phá rừng phòng hộ để làm nương rẫy trồng hoa màu?

      Căn cứ Khoản 1, Khoản 13, Khoản 14 Điều 20 Nghị định 35/2019/NĐ-CP được sửa đổi bởi Điểm d Khoản 11 Điều 1 Nghị định 07/2022/NĐ-CP về phá rừng trái pháp luật, theo đó:

      Hành vi chặt, đốt, phá cây rừng, đào, bới, san ủi, nổ mìn; đắp đập, ngăn dòng chảy tự nhiên, xả chất độc hoặc các hành vi khác gây thiệt hại đến rừng với bất kỳ mục đích gì (trừ hành vi quy định tại Điều 13 của Nghị định này) mà không được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, bị xử phạt như sau:

      1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với một trong các trường hợp sau:

      a) Cây trồng chưa thành rừng hoặc rừng khoanh nuôi tái sinh chưa có trữ lượng thuộc các loại rừng sản xuất, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng có diện tích dưới 3.000 m2;

      b) Rừng sản xuất có diện tích dưới 500 m2;

      c) Rừng phòng hộ có diện tích dưới 300 m2;

      d) Rừng đặc dụng có diện tích dưới 100 m2;

      đ) Thực vật rừng thông thường trị giá dưới 5.000.000 đồng; thực vật rừng thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIA trị giá dưới 4.000.000 đồng; thực vật rừng thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IA trị giá dưới 3.000.000 đồng trong trường hợp rừng bị thiệt hại không tính được bằng diện tích.

      13. Hình thức xử phạt bổ sung:

      Tịch thu tang vật, công cụ, phương tiện vi phạm đối với hành vi quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3, khoản 4, khoản 5, khoản 6, khoản 7, khoản 8, khoản 9 và khoản 10 Điều này.

      14. Biện pháp khắc phục hậu quả:

      Cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính tại khoản 1, khoản 2, khoản 3, khoản 4, khoản 5, khoản 6, khoản 7, khoản 8, khoản 9 và khoản 10 Điều này bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả như sau:

      a) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đối với hành vi đào, bới, san ủi, nổ mìn, đắp đập, ngăn dòng chảy tự nhiên gây thiệt hại đến rừng;

      b) Buộc thực hiện biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh áp dụng đối với hành vi xả chất độc gây thiệt hại đến rừng;

      c) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm hành chính;

      d) Buộc trồng lại rừng hoặc thanh toán chi phí trồng lại rừng đến khi thành rừng theo suất đầu tư được áp dụng ở địa phương tại thời điểm vi phạm hành chính.

      Theo đó, ông T có thể bị phạt tiền từ 3.000.000 đến 7.000.000 đồng, ngoài ra còn có thể bị tịch thu tang vật và trồng lại số rừng hoặc thanh toán chi phí để trồng lại rừng đến khi thành rừng.

      2. Khai thác trái pháp luật gỗ thông thường trong rừng phòng hộ bị xử phạt như thế nào?

      Tại Điểm a Khoản 2 Điều 13 Nghị định 35/2019/NĐ-CP quy định khai thác rừng trái pháp luật bị xử lý như sau:

      a) Đối với gỗ loài thông thường:

      Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với hành vi khai thác trái pháp luật dưới 0,5 m3 gỗ rừng trồng hoặc dưới 0,3 m3 gỗ rừng tự nhiên;

      Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với hành vi khai thác trái pháp luật từ 0,5 m3 đến dưới 01 m3 gỗ rừng trồng hoặc từ 0,3 m3 đến dưới 0,5 m3 gỗ rừng tự nhiên;

      Phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi khai thác trái pháp luật từ 01 m3 đến dưới 02 m3 gỗ rừng trồng hoặc từ 0,5 m3 đến dưới 01 m3 gỗ rừng tự nhiên;

      Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với hành vi khai thác trái pháp luật từ 02 m3 đến dưới 04 m3 gỗ rừng trồng hoặc từ 01 m3 đến dưới 02 m3 gỗ rừng tự nhiên;

      Phạt tiền từ 25.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi khai thác trái pháp luật từ 04 m3 đến dưới 06 m3 gỗ rừng trồng hoặc từ 02 m3 đến dưới 03 m3 gỗ rừng tự nhiên;

      Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với hành vi khai thác trái pháp luật từ 06 m3 đến dưới 10 m3 gỗ rừng trồng hoặc từ 03 m3 đến dưới 05 m3 gỗ rừng tự nhiên;

      Phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi khai thác trái pháp luật từ 10 m3 đến dưới 15 m3 gỗ rừng trồng hoặc từ 05 m3 đến dưới 07 m3 gỗ rừng tự nhiên.

      Như vậy, khi có hành vi khai thác gỗ thông thường trái phép trong rừng phòng hộ thì có thể bị phạt từ 1.000.000 đến 100.000.000 tùy theo diện tích đã khai thác trái phép.

      Trân trọng!

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn