Giữ chứng chỉ hành nghề của nhân viên đã nghỉ việc là trái luật

Chưa có bản dịch tiếng Anh của bài viết này, nhấn vào đây để quay về trang chủ tiếng Anh There is no English translation of this article. Click HERE to turn back English Homepage
Ngày hỏi: 30/08/2016
Khi vào làm việc, tôi có nộp bản chính chứng chỉ hành nghề cho công ty. Nay tôi có đơn xin nghỉ việc. Công ty không đồng ý nên không trả sổ bảo hiểm xã hội và chứng chỉ hành nghề của tôi. Đề nghị luật sư tư vấn, việc công ty giữ giấy tờ của người lao động đã nghỉ việc có đúng luật không? (Việt Hương - Khánh Hòa)
    • Luật gia Vũ Thị Nhung - Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:

      Chúng tôi trích dẫn một số quy định của pháp luật để chị tham khảo, như sau:

      Bộ luật lao động năm 2012 (BLLĐ) quy định:

      - Trách nhiệm của người sử dụng lao động: “Người sử dụng lao động có trách nhiệm hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại sổ bảo hiểm xã hội và những giấy tờ khác mà người sử dụng lao động đã giữ lại của người lao động” (khoản 3 Điều 47).

      - Những hành vi người sử dụng lao động không được làm khi giao kết, thực hiện hợp đồng lao động: “Giữ bản chính giấy tờ tuỳ thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động” (khoản 1 Điều 20).

      Nghị định 95/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 08 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, quy định:

      - Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây: "Giữ bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động” (điểm a khoản 2 Điều 5). Đồng thời, người vi phạm phải bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả: “Buộc trả lại bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ đã giữ của người lao động đối với hành vi vi phạm quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều này” (điểm a khoản 3 Điều 5).

      Như vậy, căn cứ quy định trên công ty nơi anh (chị) đã làm việc có trách nhiệm hoàn trả lại sổ bảo hiểm và chứng chỉ hành nghể bản chính cho anh (chị) sau khi anh (chị) nghỉ việc. Nếu vi phạm, người sử dụng lao động có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng, ngoài ra còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc phải trả lại bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ đã giữ của người lao động.

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn