Bệnh Nhiệt thán trong phòng chống dịch bệnh động vật trên cạn được hiểu như thế nào?

Bấm vào đây để xem bản dịch tiếng Anh của bài viết này Click HERE to see the English translation of this article
Ngày hỏi: 05/09/2022

Bệnh Nhiệt thán trong phòng chống dịch bệnh động vật trên cạn được hiểu như thế nào? Tiêm phòng khẩn cấp khi có ổ dịch bệnh Nhiệt thán xảy ra như thế nào?

Mong anh chị ban biên tập tư vấn. Tôi cảm ơn. 

    • Bệnh Nhiệt thán trong phòng chống dịch bệnh động vật trên cạn được hiểu như thế nào?
      (ảnh minh họa)
    • 1. Bệnh Nhiệt thán trong phòng chống dịch bệnh động vật trên cạn được hiểu như thế nào?

      Theo mục 1 Phụ lục 12 ban hành kèm theo Thông tư 07/2016/TT-BNNPTNT quy định như sau:

      1. Giới thiệu về bệnh Nhiệt thán

      1.1. Khái niệm bệnh

      a) Bệnh Nhiệt thán (Anthrax) là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm của các loài động vật máu nóng (gia súc, động vật hoang dã) và con người. Bệnh gây ra bởi vi khuẩn Bacillus anthracis thuộc giống Bacillus, họ Bacillaceae. Khi gặp điều kiện bất lợi ở ngoài môi trường, vi khuẩn Bacillus anthracis sẽ sinh nha bào; nha bào Nhiệt thán có thể tồn tại nhiều năm trong môi trường tự nhiên;

      b) Sức đề kháng của vi khuẩn: Vi khuẩn Nhiệt thán bị tiêu diệt ở 50°C- 55°C trong 15-40 phút, 75°C trong 01-02 phút, trong phủ tạng động vật chết 1-2 tuần. Nha bào của vi khuẩn Nhiệt thán có sức đề kháng rất cao, đun sôi ở 100°C tồn tại trong 15 phút, hấp ướt 121 °C trong 15 phút, sấy khô 150°C trong 60 phút. Các chất sát trùng có thể tiêu diệt vi khuẩn như beta-propiolactone, ethylene oxide hoặc chất sát trùng pha đặc như phoóc-môn 1% trong 2 giờ, axit fenic 5% trong 24 giờ, nước vôi đặc trong 48 giờ,...

      1.2. Nguồn bệnh và đường truyền lây

      a) Loài mắc: Các loài động vật ăn cỏ như trâu, bò, ngựa, dê, cừu, hươu, nai; động vật ăn tạp như lợn nhà, lợn rừng; động vật ăn thịt như chó, mèo cũng có thể bị mắc bệnh Nhiệt thán. Người có thể mắc bệnh do vi khuẩn Nhiệt thán hoặc nha bào Nhiệt thán xâm nhập vào cơ thể thông qua vết thương hở trên da hoặc ăn thịt gia súc mắc bệnh Nhiệt thán hoặc hít phải nha bào Nhiệt thán trong môi trường;

      b) Nguồn bệnh: Các chất bài tiết, dịch tiết, máu từ hậu môn, mũi, miệng, phủ tạng, cơ quan sinh dục, dịch mật, nước tiểu, sữa của động vật mắc bệnh;

      Ở ngoài môi trường, đặc biệt ở những nơi chôn động vật mắc bệnh Nhiệt thán hoặc nơi bị nhiễm chất bài tiết của động vật mắc bệnh, vi khuẩn Nhiệt thán sẽ sinh nha bào để tồn tại trong thời gian dài; giun đất ăn phải nha bào rồi đùn lên mặt đất theo phân; nha bào sẽ theo nước mưa phát tán đi xa, bám vào cây cỏ, động vật ăn cỏ và ăn phải nha bào; khi vào đường tiêu hóa, nha bào đi vào mạch máu thông qua niêm mạc đường tiêu hóa bị tổn thương (do ký sinh trùng hoặc ngoại vật), phát triển thành vi khuẩn và gây bệnh. Ngoài ra, động vật khỏe mạnh có thể hít phải bụi có nha bào Nhiệt thán, nha bào xâm nhập đường hô hấp, phát triển thành vi khuẩn Nhiệt thán, từ đó xâm nhập vào các cơ quan, tổ chức trong cơ thể gây bệnh;

      c) Đường truyền lây: Chủ yếu qua đường tiêu hóa và hô hấp do động vật khỏe mạnh hít hoặc ăn phải nha bào Nhiệt thán trong quá trình chăn thả tự do ngoài bãi chăn.

      1.3. Triệu chứng lâm sàng

      Thời gian ủ bệnh trung bình từ 3 đến 7 ngày, một số trường hợp có thời gian ủ bệnh ngắn từ vài giờ đến 2 ngày; lợn ủ bệnh từ 1 đến 2 tuần. Gia súc mắc bệnh Nhiệt thán thường có biểu hiện lưỡi lè ra ngoài, phần bụng chướng to, lòi dom, các lỗ tự nhiên như mồm, mũi, hậu môn, cơ quan sinh dục chảy dịch nhầy lẫn máu sẫm màu khó đông hoặc không đông.

      a) Loài nhai lại

      - Thể quá cấp tính: Thể bệnh này thường gặp ở trâu, bò, dê, cừu. Con vật sốt cao từ 40,5°C đến 42,5°C, run rẩy, thở gấp hoặc khó thở, các niêm mạc đỏ ửng hay tím bầm, nghiến răng, thè lưỡi, đầu gục xuống, mắt đỏ, đi loạng choạng, đứng không vững, con vật co giật toàn thân. Một số trường hợp quan sát thấy con vật nhảy xuống ao hoặc đâm sầm vào bụi rậm, ngã quỵ rồi chết. Con vật chết nhanh sau khi xuất hiện triệu chứng từ một đến vài giờ. Nhiều trường hợp con vật chết khi chưa có triệu chứng của bệnh. Sau khi chết, các lỗ tự nhiên (miệng, lỗ mũi, hậu môn và cơ quan sinh dục) chảy máu đen và khó đông. Thường quan sát thấy xác chết cứng không hoàn toàn;

      - Thể cấp tính: Thể bệnh này thường gặp ở trâu, bò, cừu, ngựa. Con vật sốt cao từ 40°C đến 42°C, tim đập nhanh, thở nhanh, niêm mạc đỏ thẫm. Trong thời gian sốt, con vật đi táo; khi thân nhiệt hạ, đi ỉa chảy, có thể quan sát thấy phân màu đen lẫn máu, nước tiểu lẫn máu; mồm, mũi có bọt màu hồng lẫn máu; hầu, ngực và bụng bị sưng, nóng; sản lượng sữa giảm, những con có chửa bị sảy thai. Chảy máu ở các lỗ tự nhiên như miệng, mũi, hậu môn và lỗ sinh dục; con vật thường chết sau 1 - 3 ngày;

      - Thể á cấp tính: Thể bệnh này thường gặp ở chó, mèo và lợn. Con vật thường mắc bệnh qua đường tiêu hóa do ăn phải thức ăn nhiễm nha bào Nhiệt thán. Con vật sốt cao, biếng ăn hoặc bỏ ăn, nôn mửa, ỉa chảy hoặc táo bón; xuất hiện các ung sưng thủy thũng dưới da ở cổ, họng, vai, có thể lan rộng; những chỗ da mỏng thường sưng, nóng rồi cứng lại, không đau, về sau chỗ da sưng bị loét và chảy nước hơi vàng, có lẫn ít máu; niêm mạc mắt, miệng, hậu môn màu đỏ;

      - Thể ngoài da: Thể bệnh này con vật có các ung Nhiệt thán ở vùng cổ, mông, ngực. Ban đầu trên da có các vùng sưng, nóng, đau, về sau lạnh dần, không đau, giữa ung nhiệt thán bị thối, có lúc thành mụn loét màu đỏ thẫm, chảy nước vàng;

      b) Ngựa: Có biểu hiện sốt từ 41°C đến 42°C, đau bụng dữ dội, khó thở. Con vật run rẩy, nước tiểu lẫn máu, phân lẫn máu và mủ, mũi và miệng có thể chảy máu, con vật chết nhanh, sau khi chết bụng chướng to, lòi dom;

      c) Lợn: Sưng hầu, có khi lan xuống cả ngực, bụng, lên mặt. Chỗ sưng có màu đỏ sẫm, tím bầm. Lợn khó nuốt, khó thở, không kêu được.

      1.4. Bệnh tích

      Bệnh tích chủ yếu là hạch hầu, hạch trước vai, hạch đùi sưng to và tụ máu; thịt tím tái thẫm máu; lách sưng to, tím sẫm và nát nhũn như bùn; máu đen, không đông ở các xoang cơ thể; da vùng cổ, ngực, hông có nhiều mụn loét màu đỏ thẫm, có dịch màu vàng.

      2. Tiêm phòng khẩn cấp khi có ổ dịch bệnh Nhiệt thán xảy ra như thế nào?

      Theo mục 2 Phụ lục 12 ban hành kèm theo Thông tư 07/2016/TT-BNNPTNT quy định như sau:

      2. Phòng bệnh bắt buộc bằng vắc-xin

      2.1. Đối tượng tiêm phòng: Trâu, bò, ngựa, dê, cừu.

      2.2. Phạm vi tiêm phòng: Thực hiện tiêm phòng vắc-xin Nhiệt thán cho gia súc tại vùng có ổ dịch cũ, vùng bị dịch uy hiếp và địa bàn có nguy cơ cao do cơ quan quản lý chuyên ngành thú y xác định; tiêm phòng trong vòng ít nhất 10 năm liên tục tính từ năm có ổ dịch Nhiệt thán cuối cùng.

      2.3. Thời gian tiêm phòng

      a) Tiêm phòng một lần trong một năm, ngoài ra cần thực hiện tiêm phòng bổ sung đối với gia súc mới phát sinh, đàn gia súc đã hết thời gian còn miễn dịch bảo hộ;

      b) Liều lượng, đường tiêm theo hướng dẫn của nhà sản xuất vắc-xin.

      2.4. Căn cứ vào điều kiện chăn nuôi, khí hậu thời tiết, đặc điểm của từng vùng, miền, cơ quan quản lý chuyên ngành thú y địa phương xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch tiêm phòng cho phù hợp, đảm bảo hiệu quả tiêm phòng.

      2.5. Trong quá trình thực hiện tiêm phòng, không được làm rơi vãi vắc-xin Nhiệt thán ra ngoài môi trường. Sau khi tiêm phòng, toàn bộ dụng cụ tiêm phòng phải được tiệt trùng, vỏ chai, lọ vắc xin phải được thu hồi, tiêu hủy.

      Trân trọng!

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn