Các thông tin như thế nào cần khai thác khi gặp người bệnh ho tại cơ sở bán lẻ thuốc?

Bấm vào đây để xem bản dịch tiếng Anh của bài viết này Click HERE to see the English translation of this article
Ngày hỏi: 21/12/2021

Mong nhận được giải đáp sau: Khi có bệnh nhân bị bệnh ho tại cơ sở bán lẻ thuốc thì cần phải khai thác những thông tin gì?

    • Căn cứ Mục 2 Chương IIIA Sổ tay thực hành tại cơ sở bán lẻ thuốc (Ban hành kèm theo Quyết định 696/QĐ-QLD năm 2021' onclick="vbclick('79288', '356200');" target='_blank'>Quyết định 696/QĐ-QLD năm 2021) quy định về việc khai thác thông tin từ người bệnh như sau:
      Người bán thuốc cần khai thác thông tin và đánh giá tình trạng của người bệnh trước khi quyết định xử trí và tư vấn.

      (1) Đặc điểm người bệnh

      Cần xem xét:

      - Tuổi

      - Tình trạng mang thai, cho con bú

      - Tiền sử dị ứng hoặc quá mẫn với thuốc (ví dụ đang dùng thuốc ức chế men chuyển)

      (2) Triệu chứng

      Ho là triệu chứng của rất nhiều bệnh. Người bán thuốc cần khai thác thông tin về thời gian ho, tính chất ho (ho có đờm/ho không đờm), đặc điểm dịch tiết, thời gian khởi phát ho, tần suất ho, thời điểm xuất hiện ho, tính chu kỳ, tình trạng sốt, tình trạng đường thở (khò khè, khó thở) và các triệu chứng khác kèm theo để phân biệt. Căn cứ thời gian ho của người bệnh để phân loại gồm ho cấp tính (dưới 3 tuần), ho kéo dài (trên 3 tuần).

      Ho cấp tính:

      Do nhiễm virus: khởi phát đột ngột, có thể có đờm (đờm trong/ trắng) hoặc không có đờm, thường kèm theo các triệu chứng của cảm lạnh (đau họng, hắt hơi, viêm mũi, sốt); Các triệu chứng thường nặng hơn vào buổi tối.

      Do dị ứng: thường theo mùa, không có đờm, kèm theo hắt hơi, chảy nước mũi hoặc ngạt mũi và ngứa mắt, ngứa cổ họng.

      Do viêm thanh-khí-phế quản: thường xảy ra ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ; trước đó sẽ có các triệu chứng của cảm lạnh, ho và kèm khó thở, khò khè khi hít thở.

      Viêm phổi: Ho khan, đau và có thể kèm theo sốt, khó chịu, khó thở, ớn lạnh, nhức đầu. Ban đầu ho không có đờm nhưng sau đó chuyển thành ho có đờm màu đỏ.

      Ho kéo dài (ho bán cấp, mạn tính)

      Ho bán cấp thường do nhiễm trùng đường thở, có thể xảy ra sau khi người bệnh bị nhiễm trùng đường hô hấp và dẫn đến ho dai dẳng, không có đờm có thể kéo dài đến 8 tuần. Triệu chứng này thường sẽ tự khỏi và không cần điều trị.

      Ho mạn tính có thể do các bệnh lý hoặc do sử dụng thuốc có các tác dụng phụ gây ho (chi tiết xem tại mục 2.3. tiền sử và lối sống)

      (3) Tiền sử và lối sống

      - Tiền sử bệnh có thể góp phần gây ra ho mạn tính bao gồm:

      Viêm phế quản mạn tính: Thường là do hút thuốc lá, đây là nguyên nhân phổ biến nhất của ho mạn tính.

      Hội chứng ho từ đường dẫn khí trên (hội chứng chảy dịch mũi sau): có thể do dị ứng hoặc viêm mũi vận mạch, viêm xoang mạn tính, viêm mũi sau nhiễm trùng, viêm mũi có liên quan thai kỳ. Đặc điểm là ho khi cười hoặc khi nói trong thời gian dài và ho trầm trọng hơn khi nằm, họng thường sạch.

      Bệnh hen phế quản: Kèm theo thở khò khè, tức ngực; trầm trọng hơn do lạnh hoặc khi tập thể dục; tăng lên vào ban đêm; tiếp xúc với dị nguyên.

      Hội chứng trào ngược dạ dày thực quản: ho tăng lên khi nằm, vào lúc đói. Có triệu chứng ợ chua, đau thượng vị, cảm giác nóng rát sau xương ức chỉ xảy ra ở một số ít người.

      Các nguyên nhân khác: bệnh lý (lao, tràn khí màng phổi, giãn phế quản, ung thư phổi, bệnh phổi kẽ, ho gà, suy tim), ho do tâm lý, ho liên quan đến tiền sử dùng thuốc

      - Tiền sử dùng thuốc do người bệnh sử dụng các thuốc có tác dụng phụ gây ho như sử dụng các thuốc ức chế men chuyển, chẹn beta giao cảm, các thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs).

      - Lối sống: tiếp xúc với chất kích ứng hô hấp (ví dụ: khói thuốc lá), hút thuốc lá.

      Trân trọng!

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn