Chỉ được làm xét nghiệm phù hợp với bệnh và danh mục quy định

Chưa có bản dịch tiếng Anh của bài viết này, nhấn vào đây để quay về trang chủ tiếng Anh There is no English translation of this article. Click HERE to turn back English Homepage
Ngày hỏi: 14/09/2016

Gửi ý kiến đến Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII, cử tri tỉnh An Giang phản ánh, hiện nay người dân khi đến khám bệnh, bệnh viện thường làm nhiều xét nghiệm, có những xét nghiệm không liên quan đến bệnh; bệnh nhân chuyển viện từ dưới lên tuyến trên, bệnh viện không sử dụng kết quả xét nghiệm của bệnh viện tuyến dưới mà buộc phải làm lại tất cả các xét nghiệm để bác sĩ chuẩn đoán bệnh. Điều này đã gây thắc mắc, phiền hà, nghi ngờ và lãng phí tiền của người dân. Cử tri đề nghị Bộ Y tế có quy định cụ thể việc xét nghiệm và khám chữa bệnh cho bệnh viện ở các tuyến và có công khai để người dân hiểu.

    • Để nâng cao chất lượng và quản lý việc xét nghiệm ở các tuyến y tế, Bộ Y tế đã triển khai nhiều giải pháp và ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, như:

      Tại Thông tư số 43/2013/TT-BYT của Bộ Y tế quy định chi tiết phân tuyến chuyên môn kỹ thuật đối với hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, Điều 5 về Xây dựng danh mục kỹ thuật của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có quy định:

      "1. Trên cơ sở Danh mục kỹ thuật ban hành kèm theo Thông tư này, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh căn cứ vào các điều kiện sau đây để xây dựng Danh mục kỹ thuật thực hiện tại cơ sở mình trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định (Bộ Y tế hoặc sở y tế).

      a) Phạm vi hoạt động chuyên môn, hình thức tổ chức, quy mô hoạt động của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

      b) Điều kiện thực tế về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực và trình độ chuyên môn của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh".

      Như vậy các bệnh viện chỉ được làm các xét nghiệm phù hợp với bệnh và danh mục đã quy định, tránh lạm dụng các xét nghiệm

      Đối với các bệnh viện tuyến dưới thường chỉ được làm các xét nghiệm ít hơn tuyến trên, khi người bệnh được chuyển lên tuyến trên thường được làm thêm các xét nghiệm để chẩn đoán và theo dõi bệnh tốt hơn.

      Ngay từ năm 2010, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành “Chương trình hành động quốc gia về nâng cao năng lực quản lý phòng xét nghiệm y học từ nay đến năm 2020” để từng bước chuẩn hóa các xét nghiệm, qua đó góp phần tránh lạm dụng xét nghiệm.

      Ngày 11/1/2013 Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 01/2013/TT-BYT về Hướng dẫn thực hiện quản lý chất lượng xét nghiệm tại cơ sở khám bệnh, quy định nhiệm vụ, trách nhiệm của bệnh viện, các cá nhân, tập thể trong bảo đảm chất lượng xét nghiệm.

      Bộ Y tế cũng đã thành lập 2 trung tâm kiểm chuẩn chất lượng, cùng với trung tâm kiểm chuẩn chất lượng TP Hồ Chí Minh, việc này đã hình thành mạng lưới 3 trung tâm kiểm chuẩn cho cả nước, thực hiện các hoạt động kiểm chuẩn chất lượng xét nghiệm để bảo đảm chất lượng xét nghiệm được chính xác, qua đó cũng góp phần tăng độ tin cậy của các xét nghiệm và hạn chế việc người bệnh phải làm lại các xét nghiệm.

      Ngày 3/12/2013, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành thí điểm Bộ Tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện, trong đó có tiêu chí đánh giá chất lượng xét nghiệm nhằm hạn chế, tiến tới loại bỏ tình trạng không công nhận kết quả xét nghiệm giữa các bệnh viện là phổ biến, gây khó khăn, tốn kém cho người bệnh.

      Bộ Y tế cũng đẩy mạnh việc đôn đốc, tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về nâng cao chất lượng khám chữa bệnh nói chung và nâng cao chất lượng xét nghiệm, cận lâm sàng nói riêng; tiếp tục chỉ đạo các Sở Y tế kiểm tra, hướng dẫn các đơn vị y tế nghiêm túc thực hiện.

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn