Công tác giám định pháp y về xâm hại tình dục trẻ em được thực hiện như thế nào?

Chưa có bản dịch tiếng Anh của bài viết này, nhấn vào đây để quay về trang chủ tiếng Anh There is no English translation of this article. Click HERE to turn back English Homepage
Ngày hỏi: 15/03/2017

Công tác giám định pháp y về xâm hại tình dục trẻ em được thực hiện như thế nào? Chào anh/chị trong Ban biên tập Thư Ký Luật. Theo như thông tin báo chí thời gian gần đây có đưa tin về một vụ án ông cụ 76 tuổi xâm hại một bé gái 6 tuổi ở chung cư Lakeside TP. Vũng Tàu. Tuy nhiên, sau gần 8 tháng điều tra, Viện kiểm sát vẫn chưa phê duyệt quyết định khởi tố bị can do tài liệu, chứng cứ chưa đầy đủ. Như tôi được biết, các trường hợp xâm hại tình dục như thế này thì việc thu thập chứng cứ gặp rất nhiều khó khăn nhất là trong công tác giám định pháp y về xâm hại tình dục. Vì vậy, với mong muốn được hiểu rõ hơn vấn đề, tôi mong anh/chị trong Ban biên tập giải đáp giúp tôi một thắc mắc. Công tác giám định pháp y về xâm hại tình dục trẻ em được thực hiện như thế nào? Văn bản nào quy định điều này? Mong sớm nhận được phản hồi từ phía anh/chị. Tôi chân thành cám ơn Ban biên tập Thư Ký Luật

    • Công tác giám định pháp y về xâm hại tình dục trẻ em được thực hiện như thế nào?
      (ảnh minh họa)
    • Khi xảy ra hành vi xâm hại tình dục, để có căn cứ khởi tố, truy tố và xét xử thì ngoài các nhân chứng, vật chứng có liên quan, kết luận giám định pháp y được coi là một trong những bước quan trọng để làm căn cứ, khẳng định ai là người thực hiện hành vi phạm tội và sẽ bị khởi tố, truy tố, xét xử về tội gì trong các tội xâm hại tình dục phụ nữ và trẻ em được quy định trong Bộ luật hình sự.

      Theo Thông tư 47/2013/TT-BYT của Bộ Y tế về quy trình giám định pháp y, quy trình giám định xâm hại tình dục được quy định khá chặt chẽ và cụ thể.

      Tại Phần I Quy trình giám định pháp y ban hành kèm theo Thông tư số 47/2013/TT-BYT quy định về quy trình giám định xâm hại tình dục như sau:

      Hồ sơ giám định từ người trưng cầu, yêu cầu giám định có thể gửi trực tiếp hoặc gián tiếp qua bưu điện, gồm:

      - Quyết định trưng cầu, yêu cầu giám định.

      - Bản sao hợp pháp tất cả hồ sơ liên quan đến giám định.

      - Các hồ sơ về y tế có liên quan giám định pháp y.

      - Biên bản lời khai của bị hại, nghi can, nhân chứng.

      Trước khi thực hiện giám định, ngoài việc được bảo đảm an ninh, người được giám định sẽ được làm công tác tư tưởng, được giải thích các bước giám định… Nếu là trẻ em dưới 13 tuổi thì phải có người giám hộ.

      Các bước giám định được thực hiện như sau:

      1. Khám tổng quát

      - Ghi lời trình bày của người được giám định. Nếu là trẻ em dưới 13 tuổi phải có người giám hộ.

      - Tinh thần kinh: Tỉnh, mê, lú lẫn, thái độ tiếp xúc.

      - Thể trạng: Chiều cao, cân nặng, béo, trung bình, gầy.

      - Da, niêm mạc.

      - Mạch, huyết áp, thân nhiệt.

      2. Khám sinh dục nữ

      - Khám lông, mô tả lông, chiều dài, màu sắc, quăn hay thẳng, tìm kiếm lông lạ bằng mắt thường, dùng lược để chải.

      - Đánh giá sự phát triển của môi lớn, môi bé, các thương tích trên môi lớn, môi bé.

      - Phát hiện mùi khi thăm khám.

      - Khám âm hộ, ghi nhận tổn thương, bệnh lý kèm theo.

      - Khám màng trinh: Xác định loại màng trinh, đường kính của màng trinh, độ giãn của màng trinh, vị trí vết rách màng trinh, độ sâu của vết rách trên màng trinh, vết rách cũ hay mới.

      - Khám âm đạo: Có dịch từ âm đạo chảy qua lỗ màng trinh ra ngoài không, tính chất dịch dính vào găng khi khám.

      - Dùng tăm bông quệt túi cùng âm đạo.

      - Quan sát thành âm đạo, tình trạng lỗ cổ tử cung.

      - Tùy trường hợp mà sử dụng mỏ vịt hay không, khi sử dụng nên lựa chọn kích cỡ phù hợp.

      3. Khám hậu môn

      - Ghi nhận tình trạng hậu môn, các nếp gấp hậu môn.

      - Ghi nhận tình trạng tầng sinh môn.

      4. Khám hầu họng

      - Chú ý sự phù nề vùng hầu họng.

      - Tình trạng dây thanh âm.

      - Tình trạng amiđan.

      - Tùy tình trạng cho súc miệng bằng dung dịch sinh lý, thu và ly tâm tìm tinh trùng.

      5. Khám toàn thân

      Đầu, mặt, cổ, ngực, lưng theo thường quy, chú ý đến các vùng nhạy cảm, các dấu vết chống đỡ.

      6. Khám chuyên khoa

      - Giám định viên chỉ định.

      - Cơ quan trưng cầu đưa đi khám và lấy kết quả giao cho cơ quan giám định.

      7. Các kỹ thuật cận lâm sàng

      Tùy vào sự cần thiết mà làm các kỹ thuật cận lâm sàng để chẩn đoán và loại trừ:

      - Siêu âm bụng tổng quát, siêu âm bìu đối với nam.

      - Xét nghiệm HIV, vi khuẩn lậu, giang mai, các bệnh lây qua đường tình dục.

      - Xét nghiệm tinh trùng trong âm đạo, trong nước súc miệng, trong phết hầu họng.

      - Xét nghiệm ADN.

      - Xét nghiệm tế bào niêm mạc âm đạo trên phết rãnh quy đầu.

      - Xét nghiệm lông thu được.

      8. Chụp ảnh và làm bản ảnh

      - Chụp ảnh chân dung.

      - Chụp các giai đoạn tiến hành giám định.

      - Chụp ảnh các phim X-quang.

      - Chụp ảnh các các dấu vết có trên bộ phận sinh dục và các nơi khác có tổn thương.

      + Làm bản ảnh.

      + Tùy theo tính chất, vị trí mà đặt thước tỷ lệ khi chụp ảnh.

      9. Khám nghi can

      - Khi cơ quan giám định trưng cầu.

      - Khi không có sự phù hợp giữa tổn thương thực thể và các hành động do thủ phạm gây nên, giám định viên đề nghị cơ quan trưng cầu đưa nghi can đến giám định để có bằng chứng.

      Trên đây là nội dung tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về công tác giám định pháp y (cụ thể là quy trình giám định) về xâm hại trẻ em. Để hiểu rõ hơn về nội dung này bạn nên tham khảo chi tiết thêm tại Thông tư 47/2013/TT-BYT.

      Trân trọng!

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    • Phần I Quy trình giám định pháp y ban hành kèm theo Thông tư số 47/2013/TT-BYT Tải về
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn