Dùng BHYT khám chữa bệnh tại bệnh viện cùng tuyến ở nơi tạm trú được không?

Bấm vào đây để xem bản dịch tiếng Anh của bài viết này Click HERE to see the English translation of this article
Ngày hỏi: 12/01/2022

Dùng BHYT khám chữa bệnh tại bệnh viện cùng tuyến ở nơi tạm trú được không? Tôi tên Thái năm nay 18 tuổi là sinh viên năm đầu. Tôi đăng ký bảo hiểm y tế Bệnh viện huyện tại quê, tuy nhiên đầu tháng nay tôi mới từ quê lên thành phố để học. Tôi muốn hỏi là liệu tôi có thể dùng BHYT để khám tại Bệnh viện quận được không?

    • Dùng BHYT khám chữa bệnh tại bệnh viện cùng tuyến ở nơi tạm trú được không?

      Căn cứ Khoản 7 Điều 15 Nghị định 146/2018/NĐ-CP quy định về thủ tục khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế như sau:

      - Người tham gia bảo hiểm y tế trong thời gian đi công tác, làm việc lưu động, học tập trung theo các hình thức đào tạo, chương trình đào tạo, tạm trú được khám bệnh, chữa bệnh ban đầu tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cùng tuyến hoặc tương đương với cơ sở đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu ghi trên thẻ bảo hiểm y tế và phải xuất trình các giấy tờ quy định tại khoản 1 hoặc khoản 2 hoặc khoản 3 Điều này và một trong các giấy tờ sau đây (bản chính hoặc bản chụp): giấy công tác, quyết định cử đi học, thẻ học sinh, sinh viên, giấy tờ chứng minh đăng ký tạm trú, giấy chuyển trường.

      Theo quy định tại Khoản 1, 2, 3 Điều 15 Nghị định 146/2018/NĐ-CP gồm 1 số giấy tờ sau:

      + Xuất trình thẻ bảo hiểm y tế có ảnh hoặc giấy tờ tùy thân có ảnh do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp hoặc Giấy xác nhận của Công an cấp xã hoặc các giấy tờ chứng minh nhân thân hợp pháp khác.

      + Trường hợp bạn đang chờ cấp lại thẻ thì phải xuất trình giấy hẹn cấp lại thẻ, đổi thẻ BHYT theo mẫu số 4 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 146/2018/NĐ-CP và một loại giấy tờ chứng minh về nhân thân của bạn.

      Ngoài 01 trong 02 loại giấy tờ trên thì bạn phải xuất trình thêm bản chỉnh hoặc bản chụp của một trong các giấy tờ sau đây: quyết định cử đi học, thẻ học sinh, sinh viên, giấy tờ chứng minh đăng ký tạm trú, giấy chuyển trường.

      Như vậy, theo quy định hiện hành đối chiếu với trường hợp mà bạn đề cập thì bạn có thể dùng BHYT để đi khám chữa bệnh tại nơi tạm trú.

      Một số trường hợp khám chữa bệnh đúng tuyến BHYT

      Căn cứ Điều 6 Thông tư 30/2020/TT-BYT quy định về khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế đúng tuyến như sau:

      - Người tham gia bảo hiểm y tế đến khám bệnh, chữa bệnh đúng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ban đầu ghi trên thẻ bảo hiểm y tế.

      - Người tham gia bảo hiểm y tế đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến xã hoặc phòng khám đa khoa hoặc bệnh viện tuyến huyện được quyền khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại trạm y tế tuyến xã hoặc phòng khám đa khoa hoặc bệnh viện tuyến huyện khác trong cùng địa bàn tỉnh. Trường hợp trẻ em chưa có thẻ bảo hiểm y tế do chưa làm thủ tục khai sinh được sử dụng giấy chứng sinh đi khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh quy định tại khoản này.

      - Người tham gia bảo hiểm y tế trong tình trạng cấp cứu được cấp cứu tại bất kỳ cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nào trên phạm vi toàn quốc.

      Bác sĩ hoặc y sỹ đánh giá, xác định tình trạng cấp cứu đối với người bệnh, ghi vào hồ sơ bệnh án và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

      - Người tham gia bảo hiểm y tế được chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế

      ...

      - Người tham gia bảo hiểm y tế có giấy tờ chứng minh đang ở tại địa phương khác trong thời gian đi công tác, làm việc lưu động, học tập trung theo các hình thức đào tạo, chương trình đào tạo, tạm trú và khám bệnh, chữa bệnh ban đầu tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cùng tuyến hoặc tương đương với cơ sở đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu ghi trên thẻ bảo hiểm y tế theo quy định tại khoản 7 Điều 15 Nghị định 146/2018/NĐ-CP. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm lưu bản chụp giấy tờ quy định tại điểm này trong hồ sơ bệnh án điều trị của người bệnh đó.

      - Người có giấy hẹn khám lại trong trường hợp đã được chuyển tuyến theo quy định tại Khoản 5 Điều 15 Nghị định 146/2018/NĐ-CP.

      - Người đã hiến bộ phận cơ thể của mình phải điều trị ngay sau khi hiến bộ phận cơ thể.

      - Trẻ sơ sinh phải điều trị ngay sau khi sinh ra.

      Trân trọng!

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn